Khởi nghiệp chỉ với 3 công đất nhưng nhờ chí thú làm ăn, đến nay, ông Bùi Văn Bưng (60 tuổi, ấp Tân Hương, xã Tân Lược, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) có trong tay 33 công đất và cơ sở sản xuất bao bì 10.000 sản phẩm mỗi ngày.
Ông Bưng bên cơ sơ sản xuất bao bì - Ảnh: Thanh Đức
Bền chí làm ăn
Sinh ra trong gia đình có đến 7 anh em, nên khi có vợ ra riêng, ông Bưng được cha mẹ cho 3 công đất ruộng. Đất ít và chỉ làm được 1 vụ lúa nên cuộc sống gia đình ông luôn thiếu trước hụt sau. Thấy vậy, vợ chồng ông Bưng tích cóp sắm một chiếc ghe để chèo buôn bán rau cải, thịt cá và hàng tiêu dùng. Cuộc sống cứ thế trôi qua, mỗi khi tích lũy được tiền ông Bưng lại mua thêm vài công đất để trồng rau, khoai lang tăng nguồn thu cho gia đình. Sau hơn 20 năm cực khổ, gia đình ông Bưng đã có trong tay trên 20 công đất. Do đây là vùng chuyên canh khoai lang nên ông luân phiên trồng một vụ lúa một vụ khoai. Ông Bưng tâm sự: “Nhờ trúng mùa, được giá nhiều vụ liền, tôi đã chăm lo cho các con ăn học đàng hoàng và mua thêm đất tăng diện tích sản xuất”.
Là nông dân “chân lấm, tay bùn”, quanh năm chỉ biết mảnh vườn thửa ruộng, nhưng chính sự say mê lao động đã thúc đẩy ông Bưng liên tục học hỏi để có thêm kiến thức vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Khi nông nghiệp được cơ giới hóa, ông đến Long An, An Giang… học cách sử dụng và đầu tư mua máy suốt, cày, cắt, xới để giải phóng sức lao động và làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập. “Cuộc sống tuy đã khá hơn nhưng tôi suy nghĩ ở vùng đặc sản khoai lang và chỉ bám vào loại cây này thì nhất định sẽ gặp cảnh sản xuất đồng loạt dẫn đến đụng hàng, dội chợ và rớt giá, phải sản xuất thứ gì người dân địa phương có nhu cầu mà chưa ai làm. Năm nào thu hoạch lúa, khoai bà con đều mua bao để đựng nên tôi cho rằng bao bì là rất cần thiết cho nhà nông”, ông Bưng nhớ lại.
Tỉ phú bao bì
Để thực hiện ước mơ chế tạo các loại bao bì phục vụ sản xuất, ông đã cùng con trai lên tận TP.HCM để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ việc tập đứng máy, nắm rõ quy trình vận hành đến tự sửa chữa máy móc... Rồi cách đây 7 năm, ông Bưng mạnh dạn mua 2 cái máy dệt bao về thử nghiệm. Bước đầu thử nghiệm mỗi ngày sản xuất 2.000 cái bao nhưng hàng không đủ bán. Từ đó ông tiếp tục đầu tư thêm 8 cái máy nữa, mỗi cái trị giá trên 100 triệu đồng. Xưởng dệt bao bì ra đời không chỉ giúp gia đình ông có thêm nguồn thu mà còn tạo việc làm cho trên 30 lao động với thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Vào dịp tết, ông còn thưởng tháng lương thứ 13 để khích lệ tinh thần làm việc của công nhân. Ông Bưng nhẩm tính: “Cứ 24 giờ xưởng dệt được 10.000 bao, giá bán 2.500 đồng/cái, trừ chi phí, trả lương công nhân ông thu lời khoảng 5 triệu đồng/ngày. Bình quân, mỗi năm xưởng dệt bao bì lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng”.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm do phân bón, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khắp nơi và lao động ở vùng khoai lang này rất cần có nước sạch để sử dụng, thế là ông lại đầu tư ngay cơ sở nước đóng chai tinh khiết theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nước bình đóng chai do gia đình ông sản xuất rất được người dân địa phương ưa chuộng. Chỉ tính riêng khoản này, mỗi năm ông Bưng cũng thu vào hàng trăm triệu đồng.
Năm nay, ông Bưng dự định sẽ đứng ra làm thương lái thu mua, mở kho chứa khoai lang, đồng thời sẽ xây dựng lò sấy và nhà máy đông lạnh để bảo quản khoai lang tránh tình trạng trúng mùa rớt giá, nông dân thua lỗ. Theo đó, ông đã chuẩn bị sẵn vốn và đã nghiên cứu học hỏi từ nhiều nơi. “Chậm nhất là đến năm 2016 sẽ cho nhà máy vận hành”, ông Bưng chia sẻ.
Sau khi có được cuộc sống khá giả, ông Bưng đã đóng góp cho quê hương mỗi năm hàng chục triệu đồng để làm đường giao thông, gia cố đập, sửa chữa cầu để bà con đi lại dễ dàng, thuận tiện trong sản xuất. Năm 2014, ông Bưng là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh và trao tặng danh hiệu Nông dân VN xuất sắc.
Thanh Đức (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.