Cập nhật 26/03/2016 8:31 AM
Khi thấy gia đình chị chuyển từ cây cà phê sang trồng cam, quýt, nhiều người đã khuyên can, cho rằng làm như vậy là đang “tự sát”.
Đầu năm 2008, trong một dịp đi chơi ở tỉnh Bến Tre, thấy nông dân ở đây giàu có nhờ trồng cam, quýt nên chị Trần Thị Yến ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã tự tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật canh tác và tiến hành chuyển đổi 2 ha cà phê sang trồng thử cam, quýt.
Mô hình đã giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên
Khi thấy gia đình chị chuyển từ cây cà phê sang trồng cam, quýt, nhiều người đã khuyên can, cho rằng làm như vậy là đang “tự sát”. Theo chị Yến, trong 3 năm đầu, cuộc sống của gia đình hết sức vất vả bởi chi phí chăm sóc cho loại cây trồng này đã tiêu tốn số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng. Khi đó, cả gia đình như ngồi trên đống lửa vì chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế đâu, mà tiền đầu tư thì khá lớn. Mãi đến năm 2011, vườn cam ra trái và cho những “quả ngọt” đầu tiên, thu nhập 800 triệu đồng.
Sau những vụ mùa thành công, gia đình chị Yến tiếp tục đẩu tư 3 tỷ đồng mở rộng vườn cam, quýt 7 ha. Để có giá bán cao, thị trường đầu ra ổn định, gia đình chị đã tập trung sản xuất cho cam, quýt trái vụ. Bởi theo chị Yến thì kỹ thuật để cho cam quýt ra hoa, kết trái trái vụ khá đơn giản nhưng cho hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, vào mùa mưa người trồng chỉ việc trải bạt không cho nước mưa ngấm xuống đất; còn vào mùa khô cứ tăng cường tưới nước cho cây thì chu kỳ ra hoa, kết trái của cây sẽ bị đảo ngược theo ý muốn của người trồng. Chỉ tính riêng mùa thu hoạch trái vụ năm nay, sản lượng cam, quýt của gia đình chị Yến ước tính trên 150 tấn. Với giá bán thị trường trên 30 ngàn đồng/kg thì gia đình chị cũng đã có nguồn thu nhập gần 5 tỷ đồng.
Chị Yến phấn khởi nói: “Từ nhiều năm nay, vườn cam của gia đình năm nào cũng xuất bán cả trăm tấn, nhưng chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra vì đây là cam, quýt trái vụ nên trên thị trường rất khan hiếm. Ngoài thương lái đến đặt hàng, gia đình tôi còn tìm kiếm bạn hàng ở khắp mọi miền đất nước. Hiện nay khách hàng đã vươn xa tới các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Qua thực tế cho thấy, vườn cam, quýt của gia đình tôi chẳng thấm tháp là bao so với nhu cầu thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình lên khoảng 9 ha”.
Ngoài việc mang lại tiền tỷ cho gia đình chị Yến, vườn cam, quýt cũng đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên và ổn định cho khoảng 20 lao động với mức lương ổn định 4,5 triệu đồng/tháng.
Trao đổi về mô hình trồng cam, quýt trái vụ của chị Yến, ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết: “Đây là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc gia đình chị Yến mạnh dạn đưa giống cây cam, quýt vào trồng trái vụ đã khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương để làm giàu chính đáng. Sự thành công của mô hình cũng mở ra một hướng đi mới, hứa hẹn nhiều triển vọng cho nông dân trên địa bàn học tập, phát triển kinh tế”.
Phan Tuấn (Báo Đắk Nông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….