Cập nhật 11/06/2016 8:33 AM
Đi nhiều nơi nhưng khi đến thôn Măng Đen, xã Đăk Long, H.Kon Plông (Kon Tum), ông Tôn Thất Nhị thấy đất phù hợp với khoai tây, hoa lay ơn và chanh dây nên bỏ công sức ra làm, đến nay đã thu quả ngọt.
Ông Nhị trong vườn chanh dây trĩu quả.
Bỏ lại sau lưng thời vác ba lô đi đãi vàng, tìm trầm, ông Nhị (51 tuổi, quê ở TT.Vạn Giã, H.Vạn Ninh, Khánh Hòa) đi tìm đất làm nông nghiệp. Những năm tháng đến Đà Lạt rồi Đắk Nông, ông không thành công với những gì mình ấp ủ lâu nay. Thế rồi một lần nghe lời người bạn mời lên khu sinh thái du lịch Măng Đen, H.Kon Plông chơi, ông thấy đất đai tốt tươi và "bén duyên" khi người bạn bảo mình có đất, nhưng chưa biết kỹ thuật làm rau, quả xứ lạnh nên mời ông cùng làm.
Năm 2015, ông Nhị bắt tay vào làm đất để trồng khoai tây, lay ơn và chanh dây. "Đất này vốn là đất lâm nghiệp do địa phương chuyển đổi sang đất sản xuất nên khâu làm đất ban đầu vô vùng gian nan", ông Nhị thổ lộ. Tuy nhiên, sau 45 ngày dùng cả máy móc và thủ công lao động cật lực, mảnh đất 3 ha đã thành hình, ông bắt đầu chia diện tích để trồng khoai tây và hoa lay ơn (lấy giống), sau đó là trồng chanh dây. Sau 3 tháng, khoai tây thu được 5 - 6 tấn/sào (1.000 m2). Trên diện tích 7.000 m2, ông thu được trên 33 tấn khoai.
“Khi đi bán, bà con nói không biết khoai tây Măng Đen, mà nói là của Đà Lạt, vì chất lượng không thua kém”, ông Nhị nói. Còn với hoa lay ơn, ông chỉ sản xuất giống rồi bán củ và sau 4 tháng thì ông xuất ra bán cho các đại lý ở TP.Tuy Hòa, Đà Lạt, Hà Nội... “Tết Nguyên đán 2016 vừa rồi, tui bán được 60 - 70 triệu đồng/sào. Diện tích bọn tôi trồng 1,5 ha, tính ra kiếm tiền cũng tương đối”, ông Nhị khoe.
Tuy nhiên, ông Nhị cho hay việc trồng khoai tây và hoa lay ơn giống chỉ là "lấy ngắn nuôi dài” để đầu tư cho chanh dây. Vì vậy, khi củ hoa lay ơn giống vào mùa thu hoạch cuối cùng thì bắt đầu làm đất để trồng chanh dây, mỗi héc ta trồng 600 gốc và lứa đầu xuống được 2.000 gốc.
Ở vườn chanh dây này có đến 17 nhân công phân công nhau 4 người chăm sóc 1 ha. Từ tháng thứ nhất đến tháng thứ ba thì còn có thời gian rảnh, đến tháng thứ 4 các nhân công phải làm cật lực, với tiền công 4 triệu đồng/người/tháng, còn ăn uống trong ngày thì chủ vườn lo. "Đầu tư từ khi làm đất, trồng cây đến khi thu hoạch phải bỏ ra số tiền rất lớn, trong đó chưa tính đến công người làm, thì chỉ riêng vật tư đã là 300.000 đồng/gốc. Tóm lại, từ khi đầu tư đến khi thu quả phải tốn 1,2 tỉ đồng/ha", ông Nhị nói.
Hiện vườn chanh dây bạt ngàn và sai quả đang thu hoạch, ông Nhị nói hiệu quả hơn cả sự mong đợi. "Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, 1 ha chanh dây thu đạt nhất là 120 tấn quả; riêng vườn này chắc chắn 90 - 100 tấn/ha", ông tự tin. Hiện tại, với giá từ 17.000 - 19.000 đồng/kg, vườn chanh dây của ông Nhị sẽ bán được từ 1,7 tỉ đồng/ha trở lên. Trong trường hợp rủi ro giá chỉ còn 7.000 đồng/kg, ông cho rằng vẫn có lời. Đến thời điểm hiện tại, cứ một tuần, ông cho nhân công hái 2 lần, 8 lần/tháng, thu được 16 tấn/ha. Dưới tán lá cây chanh dây trĩu quả còn là hoa đồng tiền đỏ, vàng khoe sắc cũng là nguồn thu nhập không nhỏ của ông ở đây.
Ngoài diện tích 3 ha chanh dây cho quả, ông Nhị nói đã trồng thêm 5 ha cây chanh dây nữa, hiện đang làm giàn cho cây. "Chúng tôi dự kiến làm chanh dây trong vòng 3 năm rồi chuyển sang cây trồng khác. Riêng với chanh dây, vào mùa sau chúng tôi sẽ trồng 420 gốc/ha mà thôi, hiệu quả sẽ hơn 600 gốc/ha như hiện tại", ông Nhị phân tích và cho biết những củ, quả xứ lạnh đang đầu tư trồng ở đây là để cho người dân xung quanh học hỏi. Khi đi vào sản xuất, ông sẽ hỗ trợ bà con giống và kỹ thuật trồng. "Chúng tôi đang xin thành lập đại lý thu mua nông sản và đặt hẳn một trạm bảo vệ thực vật ở đây để hỗ trợ người dân sản xuất rau hoa, củ quả xứ lạnh", ông Nhị nói.
Phạm Anh (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.