Cập nhật 20/08/2014 1:48 PM
Thương hiệu là tên gọi hay là dấu hiệu nhận biết giúp người tiêu dùng cũng như đối thủ cạnh tranh nhận diện sự tồn tại của sản phẩm, của doanh nghiệp.

Thương hiệu tuy là một yếu tố phi vật thể nhưng lại là tài sản có giá trị to lớn của doanh nghiệp dù hoạt động ở bất kì lĩnh vực, ngành nghề nào đặc biệt là sản phẩm công nghệ với sự cạnh tranh cao giữa những sản phẩm cùng loại. Xây dựng thương hiệu là một việc làm hết sức cần thiết khi doanh nghiệp đang đi những bước đầu tiên, cần có những kế hoạch cụ thể và tránh những lỗi cơ bản sau:

Không định vị thương hiệu.

Định vị thương hiệu là việc xác định được vị trí của thương hiệu trên thị trường. Mục đích của việc định vị thương hiệu là phân tích thị trường để xác định vị trí phù hợp cho thương hiệu, tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm khác đang có trên thị trường, giúp khách hàng, đối tác biết được doanh nghiệp là ai và đang làm gì.

Để có thể định vị rõ ràng, khởi nghiệp cần xác định rõ những đặc điểm của sản phẩm trên thị trường và tập khách hàng muốn nhắm đến. Điều cốt lõi là cần phải xác định điểm khác biệt giữa sản phẩm của mình và những sản phẩm cùng loại trên thị trường, qua đó nhấn mạnh vào những ý tưởng chứa đựng sự khác biệt rõ ràng, có sức thuyết phục hướng đến khách hàng.

Sự khác biệt là điểm mấu chốt trong định vị thương hiệu.

Thông điệp không rõ ràng.

Thông thường, người dùng chỉ để ý đến một thương hiệu, một sản phẩm trong khoảng thời gian vài giây ít ỏi, vì vậy, khởi nghiệp cần tối giản hóa thông điệp khi xây dựng thương hiệu ở mức tối đa mà vẫn đảm bảo đủ thông tin cần thiết. Nếu thông điệp quá dài sẽ khiến người dùng nhanh chóng quên lãng và không gây được bất cứ ấn tượng nào.

Thiếu tính thuyết phục.

Tạm gác chất lượng sản phẩm sang một bên thì cuộc chiến thương hiệu là cuộc chiến về nhận thức trong tâm trí khách hàng. Khởi nghiệp có quyền nói cho khách hàng của mình những ưu điểm của sản phẩm, tự đề cao mình và khẳng định giá trị mà khách hàng nhận được. Tuy nhiên, những điều này phải dựa trên thực tế và có những dẫn chứng thuyết phục.

Không đầu tư vào website.

Website là bộ mặt của doanh nghiệp, những khách hàng, đối tác, nhà đầu tư mới sẽ tìm đến doanh nghiệp qua website. Do vậy, khởi nghiệp nên đầu tư về nội dung, thiết kế, bố cục có sự thống nhất với nhau nhằm gây thiện cảm cho những người mới tiếp xúc.

Ngoài ra, những thông tin đưa đến khách hàng cần được sắp xếp hợp lý, thu hút người dùng đọc và gây ấn tượng cho họ trong vài giây ngắn ngủi bời nếu không, khách hàng sẽ nhanh chóng rời khỏi website và khởi nghiệp sẽ mất đi những cơ hội đáng giá.

Doanh nghiệp không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Bằng cách nào đó, starup phải xuất hiện trên các mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Đây là những kênh có rất nhiều người sử dụng, ngoài lợi thế trong việc tìm kiếm và thu thập ý kiến của khách hàng thì sự hiện diện của thương hiệu sẽ làm tăng mức độ nhận biết. Những thương hiệu lớn trên thế giới đều đang đầu tư phát triển kênh của mình trên hầu hết các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn, Instagram v.v.. và đó là một phần quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu của họ.

Không kiểm soát sự hiện diện trên công cụ tìm kiếm.

Đây là vấn đề quan trọng nhưng không được nhiều khởi nghiệp chú ý. Khách hàng, nhà đầu tư, đối tác sẽ tìm đến doanh nghiệp qua các công cụ tìm kiếm, vì thế những kết quả trả về trên các công cụ tìm kiếm cũng chính là bộ mặt và thương hiệu của doanh nghiệp. Nếu có những kết quả không có lợi cho doanh nghiệp hiện lên, khởi nghiệp cần có biện pháp giải quyết trong khoảng thời gian nhanh nhất. Để làm được điều này cần thực hiện các thao tác tìm kiếm về chính mình thường xuyên hàng ngày, bất cứ sự cố nào cũng sẽ được phát hiện nhanh chóng và khắc phục kịp thời.

(ICTnews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.