Cập nhật 26/04/2018 4:06 PM
Khi mới bắt đầu, các công ty khởi nghiệp dễ phải đối mặt với các rủi ro pháp lý, vận hành và thực thi các mục tiêu đã đặt ra.

Tập đầu tiên của chương trình "Café khởi nghiệp" mùa hai mới đây nêu lên một trong những vấn đề mà các startup luôn trăn trở khi bắt đầu kinh doanh - quản trị những rủi ro trong quá trình khởi nghiệp.

Xuất thân từ một ông lớn trong ngành thực phẩm, ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn KiDo, chuyên giám sát việc quản lý rủi ro với hơn 10 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu và tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A) chỉ ra những rủi ro mà các công ty khởi nghiệp thường gặp phải và cách để ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động xấu.

Ông Mã Thành Danh trong chương trình "Café khởi nghiệp".

"Các startup thường gặp phải những rủi ro liên quan đến pháp lý, vận hành doanh nghiệp và khả năng thực thi các mục tiêu, kế hoạch ban đầu", ông Danh nhận định.

Theo ông Danh, khởi nghiệp với các startup là hành trình đi vào một đại dương, tham gia cuộc chơi lớn. Vì vậy, nếu các công ty ngay từ đầu đã thất bại trong quá trình chuẩn bị thì tức là chuẩn bị thất bại. Một trong những phương pháp để giảm thiểu rủi ro khi khởi nghiệp là chuẩn bị nguồn tài chính cho tối thiểu ba năm phòng trường hợp nếu dự án chưa thành công thì vẫn có nguồn tiền trang trải cho chi phí vận hành, lương nhân viên.

Đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ, thời gian đầu đơn vị đừng nên ngại ngần nếu vừa phải làm sản phẩm, tìm thị trường vừa phải gia công cho các doanh nghiệp khác. Quá trình này sẽ giúp các startup am hiểu thị trường hơn, có thêm thời gian chuẩn bị để sản phẩm đạt độ chín và tạo ra dòng tiền để tiếp tục quay vòng đầu tư cho dự án. Các công ty khởi nghiệp công nghệ, phát triển nền tảng như các startup blockchain, hoạt động gọi vốn ICO có xác suất đối mặt với rủi ro cao hơn vì hiện khung pháp lý chưa rõ ràng.

Ông Mã Thành Danh chia sẻ góc nhìn về hiện trạng của starup Việt trong những năm gần đây.

Ngoài ra là các rủi ro về mặt vận hành. Để giảm thiểu tác động xấu từ vận hành, các startup cần hiểu sản phẩm, hiểu sự phát triển của ngành sẽ kéo dài trong bao lâu để có chiến lược gọi vốn tiếp tục và có kỹ năng bán hàng tốt.

"Các thống kê gần đây chỉ ra rằng 90% công ty khởi nghiệp biến mất trong 3 đến 5 năm. Và theo số liệu mới nhất năm 2017, Việt Nam có hơn 126.000 doanh nghiệp được thành lập, tuy nhiên cũng có 60.000 công ty phá sản", ông Danh cho biết.

Chuyên gia quản lý rủi ro khuyên các startup khi khởi nghiệp, cần tập trung vào ngành doanh nghiệp có lợi thế nhất. Hiểu rõ câu trả lời cho những câu hỏi "Ngành đó có ý nghĩa, đóng vai trò gì trên thị trường?", "Khách hàng thực tế của doanh nghiệp là ai?" sẽ giúp các công ty xác định tốt giá trị cốt lõi của sản phẩm và phân khúc mình có thể tham gia trong chuỗi giá trị của sản phẩm, thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nhân khởi nghiệp, nhà sáng lập nên có ý thức, tìm kiếm cơ hội tham gia các hội thảo trong và ngoài nước, học hỏi từ các chuyên gia để có được dự báo về tương lai phát triển của các ngành, đồng thời tăng khả năng tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược hiểu được lĩnh vực startup định dấn thân vào thông qua những kết nối trong mạng lưới quan hệ.

Ông Mã Thành Danh trao đổi cùng MC Quốc Khánh

Một rủi ro khác các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng hay mắc phải là không thực thi được mục tiêu đặt ra lúc ban đầu.

Khi tiếp xúc với startup, đa số nhà đầu tư thiên thần sẽ không nhìn vào ý tưởng mà nhìn vào con người khởi nghiệp, các thành viên của nhóm và đánh giá xem liệu họ có thể thực thi được không. Tính cam kết, trung thực là các yếu tố thuyết phục nhà đầu tư.

Vì vậy, thay vì tô vẽ cho các dự án với những mục tiêu khó đạt được, ngoài tầm với, các doanh nhân khởi nghiệp nên thẳng thắn chỉ rõ luôn những nguy cơ, rủi ro thị trường, sản phẩm, con người, vận hành mà doanh nghiệp có nguy cơ mắc phải cùng những giải pháp cho các vấn đề đó. Nhà đầu tư sẽ đánh giá cao một người lãnh đạo với tầm nhìn xa cùng suy nghĩ thực tế và kế hoạch hành động để bảo toàn vốn.

Theo ông Danh, hiện nay cũng xuất hiện xu hướng một số doanh nhân thành đạt, nhà quản lý, lãnh đạo các tập đoàn lớn sau một thời gian đã tự tìm kiếm con đường khởi nghiệp riêng cho mình, góp thêm cho bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhiều màu sắc. Với những nhà khởi nghiệp có kinh nghiệm làm việc từ các công ty, tập đoàn lớn, chuyên gia quản trị rủi ro cho biết họ cần xác định tâm thế khi startup là "bất chấp tất cả, vứt bỏ cân đai mũ áo mà hồi xưa đã làm tập đoàn hàng đầu để bắt đầu lại từ con số 0".

Các doanh nhân này có thể tiếp tục khởi nghiệp trong các lĩnh vực mà trước đây họ tham gia. Như vậy, khả năng chuyển giao những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy bao năm sẽ giúp doanh nhân khởi nghiệp tránh phải tìm hiểu lại từ đầu một ngành mới mẻ, tận dụng được mối quan hệ, nguồn lực sẵn có.

Cuối cùng, Phó Tổng giám đốc KiDo nhận định những rủi ro không tự nhiên xảy tới mà luôn có những dấu hiệu cảnh báo từ trước, các startup cần để ý các tín hiệu bất thường kể cả khi bộ máy đang vận hành tốt và luôn có kế hoạch dự phòng cho mọi trường hợp.

Nguyễn Vũ (VnEpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.