Năm 2005 NH chính thức ra đời với tên gọi First Vietnamese-American Bank (FVAB) với vốn ban đầu là 15 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2009 Hội đồng quản trị đã quyết định bán FVAB cho Green Point Bank ở Los Angeles.

Nguyễn Trí Hiếu - Người lập ngân hàng Việt đầu tiên trên đất Mỹ


Nguyễn Trí Hiếu – Một cái tên xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây với tư cách là chuyên gia tài chính. Nhưng ít ai biết được rằng, bên cạnh bề dày 32 năm trong lĩnh vực ngân hàng, ông cũng đã từng làm ông chủ của một ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ.

Dùng tiền tiết kiệm và lợi nhuận kinh doanh để mở ngân hàng

Từ ý nghĩ nào khiến ông quyết định thành lập ngân hàng của người Việt đầu tiên trên đất mỹ năm 2005?

Xuất phát từ dự tính của tôi về thu nhập bình quân đầu người và dân số, từ đó cho thấy rằng, tổng GDP của người Việt ở nước ngoài vào khoảng năm 2004 tương đương với trong nước (khoảng 70 tỉ USD). Vào khoảng thời gian đó trong khi, 83 triệu người ở VN làm ra 70 tỉ USD thì 3,5 triệu người ở nước ngoài cũng làm ra con số tương đương. Số tiền lớn như vậy nhưng không có ngân hàng dành riêng cho người Việt trên thế giới ở nước ngoài.

Tôi tự đặt câu hỏi: Một số nước như Trung Quốc, Pháp, Do Thái... đều có ngân hàng riêng của công đồng dân cư của họ trên đất Mỹ. Tại sao lại không có một ngân hàng của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ?

Tôi cho rằng, thị trường tiềm năng này không chỉ là phát hiện của riêng mình tôi vì trước đó ở rất nhiều nước như: Nga, Anh, Đức, Pháp, Úc... đã có nhiều người người Việt Nam có ý định thành lập ngân hàng riêng cho người Việt Nam nhưng không xin được giấy phép.

Tuy nhiên, ở Mỹ và đặc biệt Califonia, nơi hội tụ của nhiều cộng đồng thiểu số đến từ nhiều quốc gia, thì điều này không khó khăn như nhiều nước kể trên. Cuối năm 2003 tôi bắt đầu các công việc để thực hiện ý định của mình và mất khoảng 2,5 năm để ý định đó thành hiện thực. Năm 2005 ngân hàng chính thức ra đời với tên gọi First Vietnamese-American Bank (“FVAB” tiếng Việt là “Đệ Nhất Ngân Hàng Việt Mỹ”).

Số vốn để thành lập ngân hàng này có nhiều không, thưa ông?

First Vietnamese-American Bank được thành lập với 15 triệu USD với 8 cổ đông sáng lập và gần 1000 cổ đông bao gồm người Mỹ, người Mỹ gốc Viêt, người Mỹ gốc Hàn Quốc và nguời Mỹ gốc Hoa, các cổ đông sáng lập có một tỉ lệ góp vốn đáng kể trong vốn thành lập.

Ông đã huy động số tiền này như thế nào?

Phần tiền đóng góp của tôi là tiền tiết kiệm và tiền kinh doanh bất động sản của tôi, Số tiền đầu tư khởi đầu để thành lập ngân hàng là do các cổ đông sáng lập đóng góp trong đó có những đại gia nguời Mỹ và một số đại gia trong cộng đồng nguời Việt ở Caliornia.

Sau khi ngân hàng nhận được giấy phép thành lập từ FDIC và Department for Financíal Institutions của bang California, thì chúng tôi huy động được 32 triệu USD vì lúc đó các nhà đầu tư rất háo hức đầu tư vào một ngân hàng đầu tiên của cộng đồng nguời Việt ở Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi chúng tôi huy động được 32 triệu USD để thành lập ngân hàng thì chúng tôi không được phép giữ toàn bộ số tiền trên vì giấy phép chỉ cho phép chúng tôi thành lập ngân hàng với số vốn khởi đầu là 15 triệu USD, chúng tôi phải hoàn lại 17 triệu USD cho các cổ đông và FVAB đã ra đời với số vốn khởi đầu là 15 triệu USD.

Hoạt động của First Vietnamese-American Bank sau khi ra đời thế nào, thưa ông?

First Vietnamese-American Bank thành lập năm 2005 và năm 2006 hoạt động của ngân hàng bình thường. Tuy nhiên, thật không may khi năm 2007 – 2008 kinh tế Mỹ khủng hoảng và trở thành suy thoái toàn cầu. Nguyên do bắt nguồn từ thị trường bất động sản (BĐS).

Ngân hàng của tôi cho vay các cá nhân và doanh nghiệp trong địa hạt quận Cam (Orange County) trong đó có cho vay BĐS, khi thị trường đi xuống thì nợ khó đòi, nợ có vấn đề, nợ xấu và nợ mất vốn đã phát sinh. Năm 2009 Hội đồng quản trị đã quyết định bán FVAB cho Green Point Bank ở Los Angeles.

Tôi có quyền chọn việc phù hợp với mình

Sau khi bán FVAB cho Green Point Bank ông đã quay trở về Việt Nam. Tại sao?

Thực tế, trong khoảng thời gian 3 năm từ năm 1995 – 1997 tôi đã làm việc tại Việt Nam với tư cách là phó TGĐ ngân hàng Deutsche Bank (Đức), phụ trách kinh doanh tín dụng và các định chế tài chính. Sau đó vì lý do gia đình tôi đã phải quay lại Mỹ năm 1997 và làm việc cho một ngân hàng Do Thái ở Los Angeles.

Đầu năm 2009 một người bạn thân của tôi, TS Lê Xuân Nghĩa, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khuyên tôi trở về Việt Nam để cùng với các anh em trong nước đóng góp xây dựng ngành ngân hàng Việt Nam.

Sau khi quay trở lại ông đã tham gia hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng như thế nào?

Khi mới về Việt Nam tôi được giới thiệu giúp hai ngân hàng tại Hà Nôi với tư cách là tư vấn cao cấp cho HĐQT. Cuối năm 2009 tôi được giới thiệu đến Ngân Hàng An Bình và tôi cảm nhận ngay đây là nơi tôi muốn gắn bó và chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận ngay là tôi sẽ tham gia HĐQT với tư cách là thành viên độc lập phụ trách xây dựng và phát triển ABBank. Hiện nay tôi đã trở thành thành viên thường trực của HĐQT và cũng là thành viên của Ủy ban quản lý rủi ro.

Chưa thực hiện được ý định có một ngân hàng riêng của mình ông có dự định sẽ quay lại Mỹ và thử sức lại một lần nữa không?

Tôi dự định sẽ còn gắn bó 20 năm nữa với ngành ngân hàng. Thời gian còn nhiều cho tôi, tôi chưa nói trước điều gì cả. Trước mắt tôi sẽ hết mình cho công việc hiện tại của mình.

Tôi còn nghe nói về câu chuyện ông là người giúp cho ngân hàng Standard Chartered có được giấy phép mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, thực hư thế nào?

Câu chuyện là thế này, trước năm 1975, Standard Chartered Bank (SCB) của Anh cũng đã có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975) thì tất cả các ngân hàng nước ngoài ở Sài Gòn đều phải đóng cửa.

Năm 1991 tôi về Việt Nam tham gia phái đoàn của tiểu bang Califonia gặp bộ trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lập lại quan hệ mậu dịch giữa California và Việt Nam – phái đoàn thương mại Trade Mission. Thời điểm đó, tôi đang làm cho ngân hàng SCB ở Los Angeles, California, có hội sở khu vực ở Singapore và SCB Singapore đang có ý định xin mở văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Trong những ngày phái đoàn của chúng tôi làm việc ở Hà Nội tôi có dịp tiếp xúc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và đã thành công trong việc xin Chính phủ cấp giây phép cho phép SCB mở văn phòng đại diện ở Việt Nam. Sau những ngày ở Hà Nội tôi vào Sài Gòn cùng với phái đoàn và tại đây tôi đã nhận được điện của Bộ Kế hoạch – Đầu tư rằng đã cấp giấy phép cho SCB.

Sự kiện đó đáng nhớ là vì ngay cả City Bank hay Bank of America cũng đã chưa dám nộp đơn vào Việt Nam ngày đó (1991) mà SCB lại làm được điều đó.

Khó khăn của ngân hàng là do chính họ tạo ra

Làm việc trong bối cảnh giám đốc nhiều ngân hàng đều có nhận xét rằng “Chưa bao giờ kinh doanh ngân hàng khó như bây giờ”, ông nhận định như thế nào về “cái khó” trong kinh doanh ngân hàng hiện nay ở Việt Nam?

Thực ra kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam không khó khăn. Cái khó khăn là chính mình tạo ra, điển hình là: Nợ xấu, mất thanh khoản, cạnh tranh không lành mạnh...

Luật Ngân hàng đã có khung pháp lý (mặc dù chưa đầy đủ), dân chúng có tiền tiết kiệm và đầu tư nước ngoài cũng đã vào Việt Nam khá nhiều. Do đó, ngành ngân hàng của Việt Nam cũng không phải là quá khó khăn trong việc chọn môi trường để làm.

Trong khi nhu cầu về nhà ở, nhất là đối với người thu nhập thấp hay cán bộ công nhân viên trong các doanh nghiệp ngày càng tăng, các nhu cầu khác của người dân như tiêu thụ, du lịch và nâng cao chất lượng đời sống (quality of life) cũng tăng theo đồng thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất cũng ngày một tăng. Với những nhu cầu tăng cao như thế thì vai trò của các ngân hàng là nguồn cung ứng tài chính để thực hiện những nhu cầu trên là rất quan trọng và các ngân hàng ở Việt Nam đã tận dụng ưu thế này để kinh doanh

Nhưng cũng chính vì tận dụng ưu thế kinh doanh mà nhiều ngân hàng đã “vung tay quá trán” và chính tự mính đẩy mình vào những khó khăn như hiện nay như nợ xấu, mât thanh khoản và mất lợi thế cạnh tranh.

Nhưng có người thì cho rằng đó là hệ quả tất yếu của những khó khăn mà các ngân hàng ở Việt Nam đang gặp phải là bắt nguồn từ việc phát triển nóng ngành ngân hàng thời gian qua?

Đúng thế. Việc tăng trưởng quá nóng trong những năm vừa qua của ngân hàng Việt Nam không nền kinh tế nào có. Tăng trưởng tổng tài sản của nhiều ngân hàng tăng trưởng 100 %, thậm chí là có ngân hàng tăng trưởng 200%. Câu hỏi đặt ra là họ tăng trưởng bằng cách nào?

Không loại trừ trường hợp cho vay cách bừa bãi do luồng tiền vào quá dễ dàng. Trong khi các nhân viên đủ năng lực thẩm định lại hạn chế.

Theo ông, sự sụp đổ thị trường BĐS ở Mỹ vào những năm 2008, 2009 đã cho Việt Nam bài học gì?

Có rất nhiều bài học chúng ta có thể rút ra từ sự sụp đổ BĐS ở Mỹ. Bất động sản là con dao hai lưỡi, tín dụng BĐS là lĩnh vực rất hấp dẫn vì nó là tài sản hữu hình, có thể nắm bắt và kiểm soát, và nhất là lại có thị truờng để định giá một cách dễ dàng nên mọi người vẫn thường yên tâm và người cho vay được thế chấp BĐS thường rất yên tâm. Nhưng khi thị trường lao dốc, giá trị BĐS mất giá, ngân hàng mất vốn, phá sản là điều rất nhanh.

Cũng có lẽ vì thế mà Chính phủ đã có những động thái kiên quyết nhằm chấn chỉnh lại lĩnh vực này để có sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Theo Khánh Linh - Kỳ Anh (TTVN/CafeF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.