Cập nhật 15/08/2015 10:10 AM
Tám năm làm ông chủ vườn lan, với Nguyễn Hoàng Quý, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh và marketing Công ty Trang Hà, chủ ngành hàng Leonor Greyl, là quãng thời gian đẹp nhất vì vừa thỏa đam mê, vừa không phải chịu bất cứ áp lực nào.
So với gánh nặng phải khai mở thị trường cho thương hiệu chăm sóc tóc nổi tiếng của Pháp tại Việt Nam hiện nay, quãng đường đã qua rõ là thong thả hơn. Nhưng Quý chưa hề chùn chân, vì với chàng trai tự nhận mình "nghiện kinh doanh" này, thử thách là động lực để đến với những giới hạn mới.
Khi "phù thủy" bỏ hoa lan
Nổi tiếng từ khi còn là học sinh trung học phổ thông, Nguyễn Hoàng Quý là một trong những gương mặt thanh niên tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh. Anh từng được vinh danh là nghệ nhân trồng lan đẹp nhất tỉnh và được gọi là "phù thủy hoa lan".
Khi còn trên ghế nhà trường, Quý đã là ông chủ của một vườn lan không nhỏ, có hệ thống phân phối cho toàn tỉnh nhà. "Ba tôi là kỹ sư nông nghiệp, rất yêu nghề nên từ nhỏ đã định hướng cho tôi "nối nghiệp nông gia", Quý bắt đầu câu chuyện như vậy.
Theo chân ba ra vườn từ nhỏ, lại có khiếu trong việc chăm hoa, nên không có gì lạ khi Quý thành công với việc mang đến thị trường những giống lan đặc sắc. Nhưng bỏ cả vườn lan khi mọi việc đang thuận lợi thì đúng là anh khiến mọi người bất ngờ. Quý cho biết, chỉ sau 2 năm, vườn lan đã mang về lợi nhuận nhưng thành công quá sớm lại khiến anh băn khoăn.
Quý sợ mình sẽ "ngủ quên trên chiến thắng" nên quyết định phải đi con đường khác. Đó chính là lý do sau khi tốt nghiệp cùng lúc hai trường đại học, Quý đầu quân về Savills, đảm nhận công việc tìm kiếm dự án và quỹ đầu tư bất động sản cho thương hiệu này.
"Đến tận bây giờ tôi vẫn thấy tiếc do đã từ bỏ đam mê dễ dàng như thế, nhưng tôi không trách bản thân nhiều vì con đường mới giúp tôi khai phá nhiều hơn năng lực bản thân", Quý thú nhận.
Hơn 5 năm làm thuê, Nguyễn Hoàng Quý tích cóp được kha khá kiến thức, kinh nghiệm lẫn vốn liếng. Trong trào lưu kinh doanh quán cà phê, anh cũng góp mặt với chuỗi cà phê mang tên di Ambra.
Hổ Phách, tên quán, cũng là màu của loại cà phê Quý dày công nghiên cứu cách pha chế để tiếp cận người dùng trẻ, thích trải nghiệm mô hình cà phê sang trọng, mới lạ ở các khu trung tâm. Đáng tiếc, tâm huyết của Quý đã không bắt đúng nhu cầu thị trường.
Bài học mang tên Hổ Phách
"Lúc đó tôi đã nghĩ, cà phê của mình là số 1", Quý nhớ lại. Pha trộn những loại cà phê đắt đỏ của thế giới để có ly cà phê mang màu sắc lẫn hương vị khác biệt, nhưng Quý không hiểu vì sao lượng tiêu thụ ở quán ngày càng giảm. Rồi trong những ngày loay hoay, anh quyết định tìm đến các chuyên gia xuất nhập khẩu cà phê để học hỏi kinh nghiệm.
Rất may, những chia sẻ từ người đi trước đã cho Quý cái nhìn đúng hơn về cà phê, từ đó tìm được loại thức uống thích hợp với khách hàng trong nước. "Tôi nhận ra, nếu không tạm bỏ những thứ mình luôn cho là đúng, sẽ chẳng có cơ hội để tiếp cận những thứ thật sự đúng", Quý lý giải. Những điều chỉnh kịp thời đã giúp Quý vực dậy di Ambra ngay trên bờ phá sản.
Tuy nhiên, việc di Ambra hồi sinh không khiến Quý vui bằng thắng thầu trong nhượng quyền để đưa Leonor Grayl, thương hiệu chăm sóc tóc hàng đầu của Pháp, về Việt Nam. "Tôi đã rất ấn tượng với sản phẩm từ những ngày ở nước ngoài nên quyết định kinh doanh thương hiệu này", Hoàng Quý chia sẻ.
Theo phân tích của Quý, thị trường chăm sóc tóc tại Việt Nam hiện có rất nhiều thương hiệu nhưng lại thiếu chỗ cho những sản phẩm cao cấp. Anh tự tin: "Trong bối cảnh nhu cầu về thực phẩm hữu cơ, sạch, xanh đang tăng như hiện nay thì sản phẩm chăm sóc tóc chiết xuất từ nguyên liệu tự nhiên, không hóa chất sẽ có chỗ đứng".
Để củng cố suy nghĩ của mình, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, Quý thử nghiệm với những người trong gia đình. Quý kể, sau khi trị sạch gàu và tái tạo tóc cho người bị gàu kinh niên là ba mình, niềm vui của anh nhanh chóng bị dập tắt vì ba đã phán: "Mắc quá, không mua".
"Phân khúc cao cấp rất khó thuyết phục khách hàng", Quý bảo vậy. Tuy nhiên, "phù thủy hoa lan" lại tin rằng, đây là phân khúc tiềm năng nhất nếu biết đầu tư. Bởi lẽ, phân khúc phổ thông lẫn trung cấp đã được lấp đầy bởi sản phẩm của các ông lớn như P&G, Unilever...
Do vậy, cách tiếp cận khách hàng của Quý là mang đến cho họ cơ hội trải nghiệm. Anh mời khách hàng tiềm năng đến kiểm tra, chăm sóc tóc và gửi cho họ sản phẩm dùng thử, rồi lắng nghe phản hồi từ họ. "Cách làm có vẻ thủ công của tôi vậy mà hiệu quả. Chất lượng sản phẩm là thứ thuyết phục khách hàng nhất", anh tiết lộ.
Danh sách khách hàng ngày một dài thêm, doanh số không còn là nỗi ám ảnh, Quý đang bước tiếp những bước dài hơn trong việc định vị thương hiệu cho Leonor Grayl tại Việt Nam. Hỏi Quý có mệt không khi phải đảm đương quá nhiều việc ở tuổi 26, anh lắc đầu.
Cậu chủ vườn lan, chủ nhân chuỗi quán cà phê hay người dẫn lối cho cả một thương hiệu ở thị trường mới đều như nhau bởi ở bất cứ vị trí nào, Quý đều làm việc với phương châm: Cứ thử, cứ cố gắng, kết quả sẽ đến.
Đặng Quý Yên (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.