Chắc chắn mỗi người khi tìm hiểu về khởi nghiệp đã nghe qua những khái niệm mới như nhà đầu tư thiên thần, gọi vốn, vườn ươm v.v.. Bài viết sau sẽ làm rõ hơn về những khái niệm có phần mới mẻ này.

Nhà đầu tư - Investor: Họ là ai?

Nhà đầu tư có thể là một công ty, một tổ chức hoặc một cá nhân đơn lẻ nắm trong tay một lượng tiền nhất định. Những người này sẽ đầu tư vào những dự án, sản phẩm khởi nghiêp khác nhau và mong muốn thu lại lợi nhuận khi dự án đó thành công trong tương lai. Đối với nhà đầu tư, rủi ro lớn nhất là dự án không thành công hoặc sản phẩm không được khách hàng chấp nhận. Thông thường, những dự án có độ rủi ro càng cao thì tỷ lệ lợi nhuận càng lớn. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư kiêm luôn việc tư vấn chiến lược, hoạch định, hỗ trợ mối quan hệ cho startup để đảm bảo một tỷ lệ thành công cao nhât. Do đó, sợi dây liên kết giữa startup và nhà đầu tư không chỉ có vốn mà còn là kiến thức, kinh nghiệm trên thị trường. Tại Việt Nam, có một số quỹ đầu tư nổi tiếng như Mekong Capital, IDG Venture VietNam, Dragon Capital, VinaCapital, CyberArgent Ventures.

Nhà đâu tư được chia ra làm 2 kiểu chính:

- Đầu tư thiên thần - Angel Investor : Đây là những nhà đầu tư với số vốn nhỏ, thường xuất phát từ tài sản cá nhân và dành cho những doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển ý tưởng thành sản phẩm cụ thể. Số vốn này sẽ dành để trang trải cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm để có thể tạo ra doanh thu và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khác. Các dự án đầu tư thiên thần thường có giá trị nhỏ, tính rủi ro cao, đòi hỏi thời gian chờ đợi dài (có thể tới 8 năm), và lợi nhuận chủ yếu chỉ đến sau khi doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, được định giá cao khi bán lại hoặc đưa lên sàn chứng khoán.

- Đầu tư mạo hiểm - Venture captitalist

Đây là nhà đầu tư với số vốn lớn hơn nhiều so với đầu tư thiên thần. Những nhà đầu tư này thường rót vốn cho những doanh nghiệp đã có khách hàng và doanh thu, muốn mở rộng thị trường và quy mô doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thành công trong tương lai, lợi nhuận mà các quỹ đầu tư mạo hiểm thu về sẽ rất lớn. Mặc dù vậy, tỷ lệ rủi ro bao giờ cũng đi kèm với giới đầu tư, tuy nhiên họ là những người có kinh nghiệm dày dặn để đánh giá được những rủi ro và tỷ lệ thành công của mỗi doanh nghiệp

Nhà đầu tư mạo hiểm thường đầu tư vào những doanh nghiệp có đội ngũ nhân lực tốt, có khả năng phát triển sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Điều này sẽ làm tăng khả năng thành công cũng như giảm thiểu tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp: Vườn ươm doanh nghiệp (Incubator) và tăng tốc doanh nghiệp (Accelerator)

Về cơ bản, họ đều là những doanh nghiệp đứng ra tư vấn về cả pháp lý lẫn chuyên môn, cung cấp không gian làm việc để giúp cho các startups có thể trưởng thành nhanh chóng, sớm đưa được sản phẩm ra thị trường, sớm tìm được khách hàng/nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Incubator hoạt động trong một không gian và thời gian khác với Accelerator. Không gian của Incubator thường rộng lớn hơn là môi trường nơi tập trung làm việc của Accelerator. Thời gian của Incubator dành cho startup thường kéo dài nhiều năm, có khi từ 3-5 năm. Trong khi thời gian của một khóa Accelerator chỉ kéo dài 4 tháng. Cổ phần của Incubator trong startup lớn hơn, thường chiếm 20% hoặc hơn, trong khi cổ phần tính cho Accelerator chỉ chiếm từ 6-10%.

Hiện nay, có một số Incubator và Accelerator tại Việt Nam có thể kể đến như: Dự án Silicon Valley Việt Nam, dự án FIRST của bộ khoa học công nghệ, Younet Incubator, Topica Founder Institute, X- Incubator, HATCH ! PROGRAM v.v..

Các vòng gọi vốn:

Gọi vốn (funding) là khái niệm các startup kêu gọi nhà đầu tư rót vốn cho doanh nghiệp của mình. Thông thường, quá trình gọi vốn diễn ra qua nhiều vòng khác nhau và trước mỗi vòng cấp vốn, giá trị doanh nghiệp sẽ được định giá lại:

- Seed funding: Vòng đầu tư hạt giống, tại đây, startup sẽ nhận đầu tư từ những nhà đầu tư thiên thần

- Serie A: Đây là vòng cấp vốn đầu tiên của những quỹ đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp nhận được đầu tư serie A thường là những doanh nghiệp đã có doanh thu và có nhu cầu mở rộng quy mô doanh nghiệp

- Serie B, Serie C v.v..: Đây là các vòng cấp vốn tiếp theo tùy vào đặc thù của từng doanh nghiệp và mô hình kinh doanh

Bootstraping

Đây là hình thức người khởi nghiệp tự bỏ vốn ra xây dựng và phát triển doanh nghiệp mà không cần đến nhà đầu tư. Hình thức này có ưu điểm là khởi nghiệp sẽ hoàn toàn tự chủ được nguồn vốn cũng như không bị phụ thuộc vào nhà đầu tư trong tương lai, tuy nhiên sẽ có hạn chế là không tiếp xúc được với những kinh nghiệm và mối quan hệ từ các nhà đầu tư cũng như việc tự xoay sở nguồn vốn sẽ khiến khởi nghiệp không có sự tập trung cao độ nhất vào doanh nghiệp

Exiting

Đây là giai đoạn khi khởi nghiệp đã trưởng thành. Khi đó, khởi nghiệp sẽ hoàn lại vốn cho nhà đầu tư theo một tỷ lệ đã thỏa thuận từ trước. Có 2 cách để làm việc này: Khởi nghiệp bán công ty và thu về một số lượng tiền mặt đủ lớn hoặc đưa công ty lên sàn chứng khoán (IPO), thu tiền mặt trên mỗi cổ phiếu bán ra.

T.H (ICTNews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.