Cập nhật 13/05/2016 1:43 PM
Một mình nơi đất lạ, nhiều lần không một xu dính túi, chỉ với quyết tâm tìm cách nhân giống ba kích giúp đồng bào thoát nghèo mà bây giờ Nguyễn Đức Hiển (sinh năm 1989, quê quán Hà Tĩnh) được đồng bào Cơ Tu vùng biên huyện Tây Giang (Quảng Nam) coi như người hùng của bản làng.
Nhân giống bằng hom
Chuyện bắt đầu từ năm 2009, lúc ấy Hiển học năm thứ hai chuyên ngành Sinh - Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tham gia nghiên cứu đề tài "Đánh giá sinh trưởng của cây ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô” cùng các sinh viên khóa trên. Đề tài có nhiệm vụ nhân giống ba kích trong phòng thí nghiệm rồi trồng lại nơi sản sinh ra nó và phải làm sao cho nó sống được.
Sau khi những sinh viên đàn anh ra trường, một mình Hiển tiếp quản đề tài. Hiển mang 100 cây giống ba kích nuôi cấy mô đến Tây Giang trồng thử. Chưa tới 10 ngày, 100 cây giống chết sạch, thế là Hiển dời luôn phòng thí nghiệm đến Tây Giang để có trải nghiệm thực tế. Hiển trình bày nguyện vọng với ông Bhríu Pố (thôn Arớh, xã Lăng, Tây Giang) cũng là người trồng ba kích trên này, Bhríu Pố cho Hiển ở nhờ và giúp nghiên cứu ba kích.
Đồng bào Cơ Tu khi ấy coi cây ba kích là cây của Giàng, họ chỉ đào củ mà không dám trồng. Chỉ có mỗi Bhríu Pố tạo giống đơn giản bằng cách vào rừng lấy củ xong cắt dây đem về vườn cắm xuống đất, tỷ lệ đẻ giống 1:1. Với tỷ lệ này, ông Pố không thể tạo đủ giống để trồng đại trà. Thấy vậy, Hiển lấy dây ba kích, chặt từng khúc ngang mắt, ngâm thuốc kích rễ, cho vào hom có bón phân vi sinh.
Cần cù thử nghiệm một thời gian thì ba kích mọc rễ. Với phương pháp mới, một dây ba kích 5m cho ra gần 20 cây giống. "Nhân giống bằng hom đấy. Mình chụm giống vào một chỗ, thúc phân vi sinh, vừa tiết kiệm phân, vừa thúc củ to nhanh. Nếu trước đây phải chờ 6 năm thì bây giờ chỉ 3 năm là có củ thu hoạch", Hiển khoe.
Năm 2011, ra trường với tấm bằng loại giỏi, Hiển vẫn chưa hoàn thành đề tài nuôi cấy mô. Không chấp nhận dang dở, Hiển khăn gói lên Tây Giang, hành trang chỉ vài bộ quần áo cùng chiếc xe máy cà tàng. Mượn miếng đất nhỏ, trong khi tiếp tục thực hiện đề tài, Hiển gom tiền mở vườn ươm theo phương pháp nhân giống ba kích bằng hom.
Tháng 8 năm ấy, trời đổ trận mưa to, 3 nghìn cây giống ươm chết sạch. Hiển trắng tay, phải bán xe máy, laptop, điện thoại di động... để trang trải mà vẫn túng thiếu. Liều vay một khoản tiền, dựng lại vườn ươm có rào che, mái vòm, hệ thống tưới tiêu... Đến cuối năm 2012, 5 nghìn cây giống ba kích được bán, mang về cho Hiển 40 triệu đồng tiền lãi.
Quà tặng cho núi rừng
Năm 2004, TS. Ngô Văn Trại ở Viện Dược liệu học Trung ương đến khảo sát địa bàn Tây Giang. Ông Bhríu Pố, lúc ấy là bí thư xã Lăng, đưa tiến sĩ đi khắp rừng thì phát hiện sâm ba kích tím, một dược liệu quý, mọc đầy rừng, chẳng ai đoái hoài, bà con Cơ Tu gọi là cây ruột gà. Khi biết là giống cây quý, họ đổ xô đào củ, khiến cây có nguy cơ tuyệt chủng.
Già làng Cơ Lâu Năm (thôn Pơ Ning, xã Lăng) hồ hởi: "Chừ hết lo tuyệt chủng rồi, bà con không phải khổ sở chờ cây giống như trước, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, cũng nhờ vườn ươm của Hiển".
Mỗi năm, Hiển cung ứng gần 40 nghìn cây giống cho các huyện miền núi Quảng Nam và Kon Tum. Dân đặt cho Hiển biệt danh "vua ba kích". Hiển vận động bà con trồng, tỉ mỉ hướng dẫn từ làm đất, làm giàn, cắt dây cho tới tưới nước, bón phân, kích rễ..., những kỹ thuật mà họ chưa hề biết tới. Đến nay, chỉ tính riêng xã Lăng đã có hơn 150 hộ trồng với 83 hecta ba kích.
Giá ba kích liên tục tăng, từ 5.000 đồng/kg vào năm 2006, bây giờ là 550.000 đồng/kg. Hiển nhẩm tính: Trung bình 3 cây cho 1kg củ thì 1ha đất trồng được 10 nghìn cây, sau ba năm cho ra 2 tấn củ, sẽ bỏ túi hơn 1 tỷ đồng. Thế nên Hiển tính chuyện giúp đồng bào mở rộng vùng trồng trọt ba kích ra toàn huyện, tuy nhiên, không phải đất nào trồng cũng được.
Sâm ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis How, đông y gọi là đẳng sâm, dùng nấu cháo, ngâm rượu uống giúp ấm thận, tráng dương, khỏe gân cốt, trừ phong thấp, hạ huyết áp, tăng đề kháng...
Ở Tây Giang, chỉ có xã Lăng mới trồng được ba kích tím. Ba năm trước, Hiển lên tận biên giới Việt - Lào trồng thử vài thân, vừa rồi trở lại, mừng rỡ khi thấy ba kích đã cho ra củ to. "Như vậy, tương lai gần thôi, không chỉ xã Lăng mà người dân toàn huyện sẽ hết đói nghèo nhờ trồng ba kích", Hiển hồ hởi.
Theo Hiển, ba kích trồng dưới bóng râm mới sống được, nên khi trồng, dân không thể phá rừng. Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang, bày tỏ: "Tây Giang là huyện có diện tích rừng già nhiều nhất trong tỉnh một phần cũng bởi trồng ba kích. Huyện đã thành lập một trung tâm công nghệ sinh học để nghiên cứu nhân rộng mô hình và sẽ có những chính sách để mở rộng diện tích trồng trọt, tạo điều kiện cho đồng bào làm giàu trên đất của chính mình".
24 tuổi, Hiển đem sức trẻ ra giúp thôn bản làm giàu. Nhờ Hiển, ba kích đã trở thành thương hiệu riêng của Tây Giang, nhắc đến Tây Giang là nhắc đến ba kích. Anh vẫn tiếp tục nghiên cứu nhân giống ba kích bằng nuôi cấy mô. Qua việc kiểm tra chỉ số sinh trưởng, hàm lượng dược tính, đề tài đang tiến triển tốt, dự tính năm 2017 sẽ có kết quả chính thức.
Hiển lạc quan: "Với việc nhân giống bằng nuôi cấy mô, 1 đốt sẽ cho ra đến 200 cá thể. Nếu thành công, Tây Giang sẽ trở thành nơi phân phối giống ba kích lớn nhất cả nước".
Mai Thành Dũng (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.