Ông Xavier Lopez Ancona không ngờ mơ ước trở thành chủ tịch của một công ty từ khi còn là cậu nhóc lại trở thành hiện thực cho tới khi công viên Kidzania ở 18 nước mang về hàng triệu USD mỗi năm.

Theo BBC, ông Xavier Lopez Ancona hiện là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Kidzania - quản lý chuỗi công viên giải trí "đóng vai người lớn" tại 18 nước trên thế giới.

Không gian trong các công viên của Kidzania được mô phỏng theo thế giới thực bên ngoài. Nói cách khác, các công viên này chính là hình ảnh thu nhỏ của các thành phố ngoài đời thực, nhưng lại sử dụng một loại ngôn ngữ, tiền và quy định riêng.

Ông Xavier Lopez Ancona - người sở hữu chuỗi công viên giải trí "đóng kịch" Kidzania. Ảnh: CNN.

Tại đây, trẻ em được đóng vai làm người lớn, làm những công việc của người lớn và sau đó được trả công bằng những đồng tiền ảo Kidzo. Với số tiền kiếm được, tụi trẻ có thể mua đồ chơi hoặc chơi các trò giải trí khác.

Kidzania có rất nhiều lựa chọn ngành nghề để trẻ em có thể đóng vai và trải nghiệm, từ nhân viên thu dọn rác tới nha sĩ, lính cứu hỏa. Để cuộc trải nghiệm chân thực hơn, Kidzania cũng dựng cả những văn phòng làm việc chuyên nghiệp như: phòng mổ, buồng lái máy bay, nhà hàng, đài phát thanh hay nhà hát... dù diện tích chỉ bằng 2/3 so với thực tế.

Với khẩu hiệu "Get ready for a better world" (Sẵn sàng vì một thế giới tốt đẹp hơn), ông Lopez hy vọng rằng, thế giới mô phỏng mà mình sáng tạo ra sẽ đào tạo thế hệ trẻ em biết sống có tránh nhiệm với xã hội hơn, hướng tới một thế giới ít tham nhũng và bình đẳng. "Tôi cho rằng, trẻ em đáng được sống trong một thế giới tốt đẹp hơn", ông nói.

Kể từ khi khai trương công viên đầu tiên vào năm 1999, công việc kinh doanh của Kidzania thuận lợi như "diều gặp gió". Hiện nay đã có 21 công viên giải trí Kidzania trên khắp thế giới với lượng khách tham quan trung bình tại mỗi nơi là hơn 42 triệu người tính đến cuối năm 2014. Doanh thu toàn cầu của chuỗi công viên này đạt khoảng 400 triệu USD một năm với khoảng 2.000 nhân viên làm việc ở Mexico - quê hương của Lopez và 9.000 nhân viên ở nước ngoài.

Có rất nhiều ngành nghề mà trẻ em có thể lựa chọn để đóng vai, từ lính cứu hỏa cho tới thợ cơ khí. Ảnh: Jaime Ruiz.

Tuy nhiên, Kidzania vẫn gặp phải một số chỉ trích về việc kết hợp công việc với tên của các công ty hoặc thương hiệu thực ở ngoài đời. Ví dụ, trẻ em sẽ làm pizza Domino, đặt các vé máy bay của hãng hàng không American Airlines hoặc mở tài khoản ngân hàng HSBC.

Mặc dù các công ty này đều là những nhà tài trợ chính thức cho Kidzania và phải trả phí để tên thương hiệu xuất hiện trong công viên, nhưng một số người lại cho rằng, xây dựng thương hiệu thông qua trẻ em và xét đặc cách cho chúng là hành động lợi dụng người tiêu dùng.

Phản bác lại ý kiến trên, ông Lopez khẳng định những mối liên kết như vậy sẽ giúp các thành phố mô phỏng của Kidzania trở nên chân thực hơn; đồng thời các công ty cũng có thể chia sẻ kiến thức chuyên ngành của mình.

"Chúng tôi không bao giờ vượt quá ranh giới của cuộc sống thường nhật mà tụi trẻ đang sống. Chúng tôi chỉ tái dựng lại những điều mà một đứa trẻ đã trải qua khi đi trên đường, khi ở nhà hay bất kỳ nơi nào khác", ông nói.

Tất nhiên, những lời chỉ trích trên không phải là trở ngại lớn đối với sự phát triển mạnh mẽ của Kidzania.

Một điều đáng nói là, ông Lopez ban đầu không có ý định khởi nghiệp kinh doanh. Khi người bạn thân nhất của ông - Luis Javier Laresgoiti - gợi ý mở một nhà trẻ áp dụng hình thức đóng kịch, ông Lopez đã thẳng thừng từ chối. Lúc đó, ông vẫn đang thỏa mãn với công việc hiện tại trong một công ty cổ phần tư nhân, và chưa có ý định nghỉ việc.

Với sự kiên nhẫn của ông Javier, cuối cùng hai người cũng cùng nhau đưa ra ý tưởng về công viên giải trí Kidzania. Ban đầu, công viên này được đặt tên là La Ciudad de los Ninos (Thành phố của trẻ em).

Để chân thực hơn, Kidzania sử dụng tên các thương hiệu và công ty ở ngoài đời thực. Ảnh: Kiyoshi Ota.

Việc gây vốn cho một ý tưởng kinh doanh tại Mexico hồi cuối những năm 1990 không phải là điều dễ dàng. Khi đó, Mexico vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính trong khi chính phủ cũng bất lực.

Hai người đã đổ toàn bộ tiền tiết kiệm vào dự án nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để thực hiện ý tưởng kinh doanh độc đáo này. Sau đó, dù có vốn bổ sung từ một người bạn và một trong 6 người anh trai của ông Lopez, họ lại tiếp tục cạn tiền trước khi kịp xây dựng công viên.

Chỉ khi đồng ý hợp tác với một số công ty - những bên chịu đồng ý trả phí để quảng cáo thương hiệu trong công viên, họ mới có đủ tiền để khai trương công viên giải trí đầu tiên. Ngay lập tức, Kidzania thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Trong 2 năm đầu tiên, số khách tham quan công viên đạt 800.000 người, gấp đôi mức dự báo ban đầu.

Tuy nhiên vào năm 2004, đối tác của ông Lopez quyết định rút lui khỏi công việc kinh doanh và di cư sang Mỹ. Ông cho biết, sự ra đi của Javier là một trong những thách thức lớn nhất mà ông phải đối mặt kể từ khi khởi nghiệp kinh doanh. Anh trai của ông Lopez sau đó tham gia vào công việc kinh doanh Kidzania với tư cách là nhà đầu tư và đối tác mới.

Thất bại trong việc mở rộng kinh doanh sang Mỹ, anh em nhà Lopez chuyển hướng sang châu Á và đây là quyết định mang tính bước ngoặt đối với Kidzania.

Để tăng lợi nhuận, họ tiến hành chuyển nhượng quyền kinh doanh cho các công viên giải trí ở nước ngoài. Tokyo là điểm đến đầu tiên của anh em nhà Lopez vào năm 2006. Khi đó, Nhật Bản được xem là nước khởi đầu cho các xu hướng ở châu Á.

Kidzania thắng lớn nhờ màn đánh cược ở châu Á với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Thương hiệu Kidzania cũng theo đó xuất hiện nhiều hơn tại châu lục này, trong đó phải kể đến Malaysia, Thái Lan và Philippines. Công viên Kidzania đầu tiên tại châu Âu là ở thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha và sau đó là ở London.

"Hiện tại, chúng tôi đang đàm phán để tiếp tục mở rộng kinh doanh sang Pháp và Italy", ông Lopez cho biết. Cũng theo ông, trái đất đủ rộng để có thể xây dựng 80 công viên Kidzania - gấp 4 lần số lượng hiện có.

Kim Dung (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.