Cập nhật 08/12/2014 3:59 PM
Trong cuốn sách Write your business plan (Viết kế hoạch kinh doanh của bạn), nhóm tác giả thuộc Công ty Entrepreneur Media đã trình bày cách hiểu sâu về những điều thiết yếu với bất cứ một kế hoạch kinh doanh nào.

Trong phần trích dưới đây, các tác giả sẽ chỉ ra những “chiêu thức” bạn có thể vận dụng để tìm được nguồn tài chính đầu tư cho việc kinh doanh của mình.

Kế hoạch kinh doanh là yếu tố thiết thân với những doanh nhân đang tìm kiếm nguồn vốn cho doanh nghiệp của mình. Trên thực tế, kế hoạch này gắn rất chặt với việc thu hút đầu tư. Nhiều doanh nhân chỉ xem trọng khâu trình bày với đối tác mà quên mất lợi ích của việc lập kế hoạch.

Với những người đang tìm nguồn vốn, một bản kế hoạch kinh doanh giải quyết được rất nhiều điều. Trước tiên, nó thuyết phục được các nhà đầu tư tiềm năng bỏ vốn vì cho thấy chủ doanh nghiệp đã suy nghĩ về dự án kinh doanh rất thấu đáo. Thứ nữa, nó đưa tới các nhà đầu tư loạt tiêu chuẩn tài chính để họ tự lường khả năng của mình trước khi bỏ vốn vào để tham gia dự án.

Nói một cách bóng bẩy, kế hoạch kinh doanh là tấm vé gia nhập sàn tài chính.

Sẽ là quá đơn giản nếu nói rằng chỉ cần có kế hoạch, bạn sẽ thu được được dòng tiền đầu tư. Nhưng cũng không quá giản đơn nếu bảo rằng một kế hoạch kinh doanh tốt sẽ giúp bạn thu hút vốn nhanh hơn, dễ dàng hơn và trọn vẹn hơn so với việc không có.

Trước khi tìm kiếm nhà đầu tư, bạn cần biết chính xác mình đang cần bao nhiêu vốn và số vốn đó sẽ đổ vào đâu. Chẳng nhà đầu tư nào thừa tiền và dại dột tới mức sẵn sàng rút ví cho bạn mà không cần biết tiền của mình sẽ dùng vào việc gì.

Cần phải xác định rõ sự khác biệt trong chuyện bạn đề xuất mức tiền vốn thấp hơn dự kiến để dễ thu hút vốn và một mức vốn sát với nhu cầu thực tế hơn. Việc giữ chữ tín là điều rất quan trọng, vì bạn có thể sẽ phải tiếp tục yêu cầu thêm vốn trong quá trình phát triển kinh doanh.

Việc bạn dồn tâm sức vào bản kế hoạch sẽ giúp bạn giành được cái gật đầu của người đọc nó. Những ý tưởng ngẫu nhiên sẽ chỉ nhận được các kết quả ngẫu nhiên. Việc đầu tư chất xám thấu đáo sẽ nhận về kết quả nghiêm túc.

Việc dành vài phút để khẳng định tiềm năng thành công của doanh nghiệp của bạn cũng là điều rất lợi thế. Với phần lớn chúng ta, mong ước về đích sẽ đến không quan trọng bằng khả năng mà doanh nghiệp sẽ đưa ta tới đích đó. Nói cách khác, nếu bạn chọn sai định hướng kinh doanh, bạn sẽ chẳng đi tới đâu.

Một trong những công dụng giá trị nhất của bản kế hoạch kinh doanh là giúp bạn quyết định xem việc kinh doanh bạn đổ tâm huyết vào có thực sự làm thỏa mãn mơ ước của bạn hay không. Nhiều kế hoạch làm ăn chẳng bao giờ vượt qua nổi giai đoạn kế hoạch vì những chủ nhân của nó, sau khi lên kế hoạch và đánh giá, đã nhận ra họ không còn đam mê nó nữa.

Do đó khi đánh giá ý tưởng kinh doanh, hãy xét tới ít nhất 2 khía cạnh. Thứ nhất về tài chính để xem góc độ lợi nhuận của việc kinh doanh. Và thứ hai về góc độ đời sống, chẳng ai thành công với việc kinh doanh họ không thích cả.

Đánh giá tiềm năng công ty của bạn

Việc trả lời những câu hỏi sau sẽ giúp bạn phác ra được tiềm năng của công ty mình. Không được có câu trả lời sai. Mục đích của việc trả lời đúng này là giúp bạn tự quyết định việc kinh doanh bạn định khởi xướng có phù hợp với các mục đích và mục tiêu của mình không.

1. Doanh nghiệp sẽ cần đầu tư ban đầu những gì?

2. Bạn sẵn sàng trao cho nhà đầu tư bao nhiêu quyền kiểm soát doanh nghiệp?

3. Khi nào doanh nghiệp bắt đầu có lãi?

4. Khi nào nhà đầu tư, kể cả bạn, hy vọng kiếm lại đủ tiền mà mình đã bỏ ra?

5. Theo thời gian các khoản lãi dự kiến của doanh nghiệp là gì?

6. Bạn có thể cống hiến toàn bộ thời gian của mình cho việc kinh doanh không?

7. Bạn hy vọng sẽ đem được về nhà tiền lương hay kiểu lợi nhuận nào?

8. Những nguy cơ làm sụp đổ doanh nghiệp là gì?

9. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu điều đó (doanh nghiệp sụp đổ) là hiện thực?

10. Bạn có dự phòng một kế hoạch kinh doanh khác không?

Cách thu hút vốn

Hãy luôn nhớ tới những điều này để bạn có thể thu hút nhiều nguồn vốn hơn:

1. Dành thêm thời gian cho bản tóm lược về chủ doanh nghiệp.

Vì các ngân hàng cũng như nhà đầu tư chuyên nghiệp nhận được rất nhiều kế hoạch kinh doanh, nên đôi khi họ thường xem ngay vào phần tóm lược hồ sơ cá nhân của chủ doanh nghiệp để nắm tổng thể kế hoạch của bạn. Nếu không thu hút ngay sự chú ý của họ ở phần này, bạn sẽ phải trở lại với việc hoàn thành kế hoạch khác.

2. Đảm bảo kế hoạch kinh doanh thật hoàn chỉnh.

Có những người trình bày bản kế hoạch trong khi vẫn còn thiếu những số liệu quan trọng. Bạn cần kiểm tra hai, ba lượt để không bỏ sót những gì thiết yếu. Ngay cả khi sử dụng phần mềm viết kế hoạch kinh doanh, nhiều người vẫn bỏ qua các phần họ cho là không quan trọng. Không để cho bất cứ sơ suất gì không cần thiết. Một bản kế hoạch được viết tốt và hoàn chỉnh sẽ giúp bạn có cơ hội thành công cao hơn và giành được nguồn vốn đang tìm kiếm.

3. Chuẩn bị sẵn những thông tin dự phòng trong trường hợp bị hỏi thêm. Mặc dù bản kế hoạch kinh doanh luôn cần có mọi đáp án cho các thắc mắc, nhưng các nhà đầu tư và giới ngân hàng vẫn luôn muốn hỏi những câu có thể không có (hoặc chưa kịp nghĩ tới) trong đó. Bạn hãy sẵn sàng để trả lời bất cứ những gì họ đặt ra với bạn. Hãy lường trước tới những tình huống bất ngờ nhất và chuẩn bị cho điều đó.

Trần Đắc Luân (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….