Cập nhật 23/09/2013 8:48 AM
Gà rán Hàn Quốc - với vị giòn, béo ngậy, thường kèm theo một cốc bia lạnh - đã trở thành một hiện tượng ẩm thực không chỉ ở xứ sở kim chi mà còn ở nhiều nước khác. Nhưng tại quê hương của nó, đó là một nỗi lo lớn cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Lĩnh vực kinh doanh được nhiều người lớn tuổi chọn là mở nhà hàng gà rán.

Tại các thành phố Hàn Quốc, đâu đâu cũng thấy mọc lên những quán ăn, nhà hàng gà rán do các hộ gia đình mở ra. Trong 10 năm qua, số nhà hàng gà rán đã tăng gấp 3 lần lên tới 36.000. Và nhiều gia đình mở quán bằng cách dùng nhà cửa thế chấp vay vốn ngân hàng.

Cơn bùng nổ tín dụng do nhà hàng gà rán chỉ là một phần của bức tranh nợ hộ gia đình đang ở mức cao ở Hàn Quốc. Tỉ lệ nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc đã tăng lên mức kỷ lục chiếm đến 136% thu nhập khả dụng, tính đến cuối năm 2012 so với mức 103% của năm 2004. Tỉ lệ này đã mấp mé ngưỡng nợ hộ gia đình 140% của Mỹ năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng nhà đất nổ ra (hiện tại, Mỹ đã giảm được nợ hộ gia đình xuống còn 105% thu nhập khả dụng).

“Tỉ lệ nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc đã tăng lên rất cao và đang ở mức nguy hiểm”, Joon-Ho Hahm, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc, nhận xét. Ông Hahm, người chuyên nghiên cứu về nợ hộ đình, cho biết thêm: “Nhiều người về hưu sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số đang dùng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay tiền mở các quán gà rán và pizza nhỏ. Nhiều cơ sở trong số này đã làm ăn không hiệu quả”.

Mặc dù cơn sốt tín dụng mở nhà hàng gà rán sẽ khó trở thành một mối đe dọa lớn đến sự ổn định của hệ thống tài chính Hàn Quốc, nhưng số trường hợp vỡ nợ liên quan đến nhà hàng gà rán đang tăng mạnh sẽ làm suy yếu sức mua tiêu dùng và khiến các ngân hàng trở nên do dự trong việc cho vay.

Theo KB Financial Group, tập đoàn tài chính trụ sở tại Seoul, có tới 7.400 nhà hàng gà rán được khai trương mỗi năm tại Hàn Quốc, trong khi tính đến nay đã có 5.000 nhà hàng phá sản.

Các vụ phá sản tăng mạnh trong bối cảnh nợ hộ gia đình tăng cao sẽ có thể làm cho nền kinh tế đang tăng trưởng yếu ớt của Hàn Quốc trở nên đình trệ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc chỉ tăng 2% vào năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Kết quả đáng buồn này một phần là do sức cầu nội địa yếu ớt, bên cạnh việc nhu cầu giảm mạnh đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Tình trạng tương tự đã xuất hiện ở nhiều nước châu Á khác, nơi tỉ lệ nợ hộ gia đình đang tăng cao kỷ lục, do chính phủ duy trì các mức lãi suất cực thấp, thúc đẩy người dân vay tiền. Giới chuyên gia kinh tế đang lo ngại một số nước đang dùng nợ để thúc đẩy tăng trưởng và đây là sự tăng trưởng không bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Malaysia gần đây đã giảm mạnh các khoản vay thế chấp khi tỉ lệ nợ hộ gia đình tăng lên tương đương 80% GDP. Singapore và Hồng Kông cũng đang ra sức hạn chế cho vay khi cơn sốt nhà đất từ năm 2009 đã khiến nợ tiêu dùng tăng mạnh.

Tại Hàn Quốc, câu chuyện lại khác hẳn. Nhiều người đi vay không phải là để mua xe hơi hay thiết bị gia dụng, mà vì họ cần phải vay để sống. Điều đó có nguyên nhân từ chế độ nghỉ hưu ở nước này.

Nhân viên của các công ty lớn thường bị buộc phải nghỉ hưu khi qua tuổi 50. Vì lương hưu quá ít ỏi nên nhiều người đã phải đi vay để mở các cơ sở làm ăn nhỏ. Hiện tại, có tới 25% trong số 24 triệu lao động của Hàn Quốc là làm cho chính mình, so với chỉ 6% tại Mỹ. Đáng nói hơn: nếu chỉ xét nhóm lao động trong độ tuổi 50 còn làm việc ở Hàn Quốc thì tỉ lệ này đã tăng lên đến 32%.

Lĩnh vực kinh doanh được nhiều người lớn tuổi chọn là mở nhà hàng gà rán. Gà rán Hàn Quốc đã trở thành món ăn ưa chuộng trong suốt World Cup 2002, khi Hàn Quốc cùng Nhật đăng cai tổ chức đại hội thể thao này. Khi số lượng nhà hàng gà rán tăng quá nhanh, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu lo ngại. Năm ngoái, Chính phủ đã cấm chủ nhân các nhà hàng gà rán nhượng quyền mở 2 cửa hàng cách nhau trong vòng 800 m. Các quy định tương tự đã được áp dụng cho cả cửa hàng bánh, pizza và quán cà phê. Hàn Quốc hiện có 12 nhà hàng trên 1.000 người, gấp hơn 2 lần Nhật và gấp 6 lần Mỹ.

Mùa xuân vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra một quỹ trị giá 1,3 tỉ USD nhằm hỗ trợ những người đi vay có thu nhập thấp đã trễ hạn trả nợ vay từ 6 tháng trở lên đối với các khoản vay từ 100 triệu won (khoảng 2 tỉ đồng) trở xuống. Quỹ sẽ đứng ra bảo hiểm chi trả cho các ngân hàng để các tổ chức này gia hạn khoản vay lên tới 10 năm hoặc xóa phân nửa số nợ cho người vay. Cho đến nay, đã có 155.000 người tham gia chương trình này nhưng số lượng này chỉ như muối bỏ biển.

Trong suốt 13 năm điều hành một cơ sở kinh doanh gà rán, bà Seong Myeong-sik, 65 tuổi, đã làm việc cả những ngày lễ, mở suốt 15 tiếng một ngày cho đến tận nửa đêm. Nhưng bà vẫn không thể trả hết nợ vay và còn trễ hạn thanh toán cho ngân hàng. “Nhiều người nghỉ hưu đã nhảy vào lĩnh vực này quá dễ dàng, nhưng để thành công thì không dễ một chút nào”, bà cho biết.

Khi bà mở quán vào năm 2000, chỉ có 3 cơ sở tại khu vực bà cư ngụ, phía Tây Seoul. Nhưng giờ đã có tới 11 quán. Nhưng bà còn gặp may, vì Chính phủ Hàn Quốc đang quy hoạch lại khu vực bà đang ở và bồi thường để bà chuyển sang nơi khác. “Sẽ không còn một cơ sở kinh doanh gà rán nào ở đây nữa”, bà nói.

Khánh Đoan (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.