Cập nhật 27/12/2011 9:39 AM
Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, tăng trưởng doanh thu của Thế Giới Di Động vẫn đứng ở mức 200%, từ dưới 1.000 tỷ đồng năm 2007 lên 3.000 tỷ đồng năm 2010.

Chính thức có mặt trên thị trường từ năm 2004, Thế Giới Di Động là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực cung cấp thiết bị di động đầu cuối.

Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, tăng trưởng doanh thu của Thế Giới Di Động vẫn đứng ở mức 200%, từ dưới 1.000 tỷ đồng năm 2007 lên 3.000 tỷ đồng năm 2010 và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỷ đồng trong năm nay. Nhưng tham vọng của ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động và các cộng sự không chỉ dừng lại ở lĩnh vực điện thoại di động mà phát triển sang cả ngành điện máy vốn đang gặp nhiều thách thức.


Dám đầu tư


- Trong "làng điện thoại di động" đang râm ran thông tin Thế Giới Di Động mua tên miền "điện máy" với giá 10 tỷ đồng. Điều này có đúng không, thưa ông?


Không hẳn vậy. Tên miền là chúng tôi mua thật nhưng giá ấy là do những người trong giới thẩm định thôi. Dienmay.com dùng để thay thế thương hiệu Thegioidientu.com mà chúng tôi đã khai sinh vào cuối năm 2010.


Ngoài thay đổi về thương hiệu, website www.thegioidientu.com cũng đươc đổi thành www.dienmay.com đồng thời thay đổi toàn diện về cấu trúc, chức năng nhằm mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kinh doanh online của Dienmay.com trong thời gian tới.


- Đang rất thành công trong việc kinh doanh điện thoại di động, vì sao ông lại "lấn sân" sang điện máy, một lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình, hơn nữa, lại đang bị xem là ngành kinh doanh rất khó khăn?


Theo tôi nghĩ, kinh doanh điện máy có thách thức, có rủi ro, có cạnh tranh nhưng cũng có nhiều cơ hội. Thị trường điện máy có quy mô lớn gấp 3 lần điện thoại, nhưng số người kinh doanh điện thoại lớn gấp 10 điện máy. Riêng ở TP.HCM, số lượng các siêu thị điện máy chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng số điểm kinh doanh ĐTDĐ thì gấp vài chục lần số con số đó.


Tuy ít cạnh tranh hơn, nhưng thị trường điện máy hiện nay cũng giống như thị trường điện thoại năm 2008. Nó giống như một con sông bị khuấy đục ngầu. Con tôm nào thiếu dưỡng khí sẽ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, con nào có sức chịu đựng để đến khi nước lắng lại sẽ ngoi lên và thỏa sức vẫy vùng. Sau thời gian sàng lọc, ai có năng lực thực sự, ai giỏi thật sự sẽ trụ lại và thị trường đi vào trạng thái lành mạnh: đó là sản phẩm tốt, giá bán tốt và dịch vụ tốt. Trong thị trường như thế mà ông và các cộng sự vẫn quyết định dồn lực cho Dienmay.com. Ông không sợ sẽ như trường hợp của Wonderbuy sao?


Tôi cho rằng, thời điểm này vừa là cơ hội vừa là đe dọa. Nó sẽ là cơ hội cho những người biết đường đi nước bước và có sức lực nhất định. Thị trường ĐTDĐ cũng đã trải qua giai đoạn này. Cũng đã có người phải rời bỏ cuộc chơi và những người còn lại đã ngày càng lớn mạnh hơn.


Kinh doanh thì không ai có thể nói chắc chắn 100% mình sẽ thành công. Bản thân việc kinh doanh cũng đã bao hàm cả rủi ro nhưng chúng tôi tin vào khả năng, vào định hướng của mình. Trong khó khăn cũng song hành những cơ hội và ai thấy cơ hội, biết khai thác cơ hội, người đó sẽ thành công. Nhưng ngược lại, ai thấy khó khăn và bị khó khăn đè nát, sẽ thất bại.


Cũng như ĐTDĐ thôi, lúc mới ra, chúng tôi cũng bị đối thủ "dập" nhưng cuối cùng vẫn thành công. Còn nhớ vào thời điểm đó, cũng có một số siêu thị ĐTDĐ khác ra đời trước, nhưng chỉ có Thế Giới Di Động liên tục phát triển và 7 năm sau chúng tôi "phủ sóng" ở nhiều tỉnh, thành. Tôi nghĩ, xác suất thành công của Dienmay.com là rất lớn và những siêu thị Dienmay.com đầu tiên đã chứng minh điều đó.


Tầm nhìn xa


- Nhưng đến nay, nhiều người vẫn còn thắc mắc vì sao ông lại chọn kinh doanh ĐTDĐ vì thời điểm đó, số người sử dụng còn quá ít nhưng nhà cung cấp thì đã có thừa?


Những năm 2000, ở các nước, cước điện thoại rất rẻ, nhiều người sử dụng 2 - 3 máy cùng một lúc. Tại Thái Lan, Hồng Kông..., cứ 100 người dân thì đến 90 người dùng ĐTDĐ, còn ở VN, người sử dụng ĐTDĐ chưa đến 10% dân số. Chỉ những người có vị trí cao hay các giám đốc doanh nghiệp mới có ĐTDĐ. Điều này thật vô lý.


Thị trường ĐTDĐ nước ngoài khổng lồ như vậy sao VN lại không phát triển? Đó là vì giá cước quá cao. Nhưng may mắn là sau đó, nhờ cạnh tranh mà giá cước giảm rất nhanh. Cũng từ đó, thị trường phát triển mạnh mẽ. Và hiện nay, ngay cả cánh xe ôm hay những người nông dân ở vùng quê xa xôi cũng xem ĐTDĐ là vật dụng, là phương tiện liên lạc không thể thiếu mỗi ngày. Đó chính là thiên thời mà tôi có được.


Tôi đã từng nghĩ rằng đích đến phải như vậy, nhưng không ngờ nó đến nhanh thế. Nhờ thiên thời mà việc kinh doanh của chúng tôi thuận lợi hơn. Đến nay, chúng tôi bán ra thị trường hơn 5.000 chiếc ĐTDĐ mỗi ngày. Điều mà cách đây 5 năm, chúng tôi không dám mơ đến.


- Đó có phải do ông có tầm nhìn xa đúng như nhiều người đã đánh giá?


Nói vậy cho cao siêu chứ thực ra, thị trường thì nhiều người thấy, nhưng ai đủ dũng khí để vào cuộc và ai vào cuộc một cách bài bản sẽ thành công. Đâu phải mình tôi mở cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ, mà lúc đó còn có nhiều tên tuổi khác. Nhiều người đã thấy cơ hội và vào cuộc. Nhưng, như cuộc đua marathon, có thể trên đường đua có đến vài chục người cùng chạy, nhưng về đích được bao nhiêu người lại là chuyện khác.


- Và ông đã "chạy" nhanh hơn họ?


Không hẳn là thế. Trong một cuộc thi marathon thì phải có người nhận huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng nhưng cũng có người chỉ nhận được bằng khen rồi về. Tôi cho rằng thị trường thì nhiều người thấy, thiên thời cũng có, nhưng để có Thế Giới Di Động như ngày hôm nay là cả một chặng đường phấn đấu, học hỏi không ngừng nghỉ của chúng tôi.


Quản trị tốt


- Một yếu tố nữa của Thế Giới Di Động được những người trong giới đánh giá cao là năng lực quản trị tốt...


Tôi có thể khẳng định là không có "ông bán lẻ" ĐTDĐ và điện máy nào có khả năng kiểm soát chặt chẽ như Thế Giới Di Động. Tôi đang ngồi đây, nhưng trong tích tắc có thể biết được một siêu thị ở Cà Mau từ sáng đến chiều bán những gì, doanh thu bao nhiêu, lãi bao nhiêu, ai đi làm lúc mấy giờ, nhân viên nào đó bán được cái gì và họ được hưởng cái gì...


Làm sao để một siêu thị ở Cà Mau xa xôi như vậy mà những người ở đó không đưa hàng ở ngoài vào bán? Rất nhiều siêu thị ĐTDĐ ở các tỉnh vì không quản lý chặt chẽ nên bị tình trạng này. Tiền mặt bằng thì doanh nghiệp trả, tiền máy lạnh cứ trả, mọi chi phí phải trả, nhưng doanh thu đi vào chỗ khác chứ không vào công ty là vì vậy.


- Đây có phải là niềm tự hào của Thế Giới Di Động?


Cũng bình thường thôi, nhưng đây là những điều mà chúng tôi đang làm và làm một cách vững chắc để xây dựng công ty chứ không làm hời hợt, không thấy người ta mở rầm rầm rồi mình cũng mở theo. Hơn nữa, chúng tôi có đội ngũ "binh hùng tướng giỏi".


Trong đội ngũ hơn 5.000 người làm việc ở đây, chúng tôi tự hào có những "tướng" rất giỏi. Một "tướng" của tôi có thể bằng một ông tổng giám đốc của một công ty khác. Doanh số năm nay chúng tôi dự kiến sẽ đạt hơn 6.000 tỷ đồng và mỗi "ông tướng vùng" chịu trách nhiệm doanh số 1.000 tỷ đồng. Và đến giờ này tôi tin họ sẽ đạt được điều đó.


- Nhưng để có lực lượng "binh hùng tướng giỏi" như ông nói, Thế Giới Di Động có biện pháp gì để thu hút và giữ chân người tài?


Theo tôi, đây chỉ là vấn đề nước chảy chỗ trũng thôi. Người đúng hệ sẽ tìm đến mình. Công ty chúng tôi đã bước qua giai đoạn giữ người rồi. Tôi đảm bảo rằng công ty này sẽ không bao giờ mất người và cũng không ai có thể lấy được những "tướng giỏi" của chúng tôi.


Những năm trước, khi Thế Giới Di Động chưa lớn mạnh thì khả năng thu hút người tài của chúng tôi không cao, nhưng đến thời điểm này tôi có thể tự tin về điều này.


- Chắc là Thế Giới Di Động phải có chính sách đãi ngộ hậu hĩnh?


Không phải là vấn đề tiền bạc. Khác biệt ở đây là về sự chia sẻ. Một bên là bắt buộc phải cho để giữ người và một bên là mong muốn làm như thế. Nếu sợ mất nhân viên thì khi các doanh nghiệp khác trả 1.000 USD cho vị trí này, tôi phải trả 1.500 USD. Nhưng ở công ty này không vậy.


Tôi không quan tâm thị trường trả cho nhân viên đó là bao nhiêu, mà căn cứ vào sự đóng góp của họ đối với công ty và kết quả kinh doanh để chia sẻ với mọi người. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì quản lý được chia sẻ nhiều, hay nôm na là "làm theo năng lực, hưởng theo năng lực".


Làm sao để đạt 6.000 tỷ đồng/năm và quản lý 5.000 con người không phải là điều dễ dàng đối với các doanh nhân. Nhiều người vẫn lo nghĩ không biết nhân viên có lấy tiền của mình không, có ăn chặn bớt không, thuê nhà có lừa mình không...


Ở Thế Giới Di Động không có chuyện đó. Bởi, nếu có lương 2 triệu đồng thì họ có thể làm sao để có lương 5 triệu. Nhưng nếu đã có lương 30 triệu thì họ sẽ không quan tâm đến 1 - 2 triệu và khi đã có thu nhập tiền tỷ thì không ai lại quan tâm đến 10, 20 triệu đó nữa.


Đó là chuyện tiền bạc, còn đi xa hơn nữa là vấn đề niềm tin. Một khi bạn đã đặt trọn niềm tin vào một ai đó và không để cho họ thiệt thòi thì họ sẽ không bao giờ phủ nhận niềm tin bạn đặt trọn nơi họ.


Đường đến đích


- Như ông đã nói, kinh doanh trong lĩnh vực này giống như cuộc thi chạy marathon. Vậy trong cuộc đua ấy, Thế Giới Di Động đã đoạt huy chương gì?


Những thành công ban đầu thì đã rõ ràng rồi, nhưng đạt đến độ xuất sắc chưa thì tôi nghĩ còn nhiều thứ phải làm lắm. Doanh số bán ra mỗi tháng trên 150.000 chiếc điện thoại cũng đã là quá nhiều so với thị trường, nhưng chúng tôi mong đợi gấp đôi con số đó.


Đến thời điểm này tôi tự tin khẳng định chúng tôi đang dẫn đầu cuộc đua ấy nhưng đích đến còn xa lắm. Hiện nay, chúng tôi đã có 150 cửa hàng và trong kế hoạch, chúng tôi sẽ mở không dưới 200 cửa hàng vào cuối năm nay.


Chúng tôi chủ trương rằng "ở đâu có sóng di động, ở đó có Thế Giới Di Động". Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch 10 siêu thị Dienmay.com trong năm nay. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.


- Ngoài tầm nhìn xa và khả năng quản trị tốt, nhiều người vẫn cho rằng thành công của Thế Giới Di Động còn có sự "góp sức" của thương mại điện tử?


Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng của kênh bán hàng này và đầu tư một cách bài bản. Trước đây, người ta không tin vào mua bán online vì tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó", lừa đảo đủ thứ, nhưng ở Thế Giới Di Động là online thật.


Đây là một "vũ khí" lợi hại giúp chúng tôi cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác. Hiện tại, doanh thu từ bán hàng online của chúng tôi đạt khoảng 50 tỷ đồng trong tổng doanh thu 500 tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng chúng tôi đang kỳ vọng sẽ đạt vài trăm tỷ đồng mỗi tháng từ bán hàng online trong năm sau.


- Sở hữu thương hiệu mạnh với doanh thu lớn như thế, ông nghĩ mình đã giàu chưa?


Khái niệm giàu là rất tương đối. Nếu hỏi là có hạnh phúc với những gì mình đã đạt được hay không thì tôi nghĩ là có. Mình phải cám ơn cuộc sống, cám ơn những cộng sự vì nếu không có họ, không có khách hàng thì mình sẽ không có ngày hôm nay.


Giàu, với tôi là có cuộc sống bình an và mỹ mãn với những gì đang có. Ai có thể hạnh phúc hơn khi mà tôi đang ngồi đây nhưng "tin chiến thắng" từ Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình... cứ đổ về liên tục rằng: "Hôm nay em khai trương Ninh Bình, doanh số ngày đầu tiên 800 triệu đồng, khai trương Nam Định, doanh số ngày đầu tiên 1,2 tỷ đồng...".


- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo Doanhnhansaigon
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.