Cập nhật 15/12/2011 9:43 AM
Đến bây giờ, khi đã là Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp thành đạt, chị Nguyễn Nam Phương, TGĐ Tổng Công ty TNHH một thành viên Lan Anh, ở xã Hòa Long, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đau đáu khắc khoải về những năm tháng đã qua để thấy rằng cuộc sống có thể lấy đi nhiều thứ, nhưng đôi khi trong cái mất, người ta lại tìm thấy cơ hội và con đường đi cho chính mình.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị đó là một người phụ nữ đẹp và cương trực. Dù cố tưởng tượng, tôi cũng không nghĩ người phụ nữ ngồi trước mặt tôi lại có một quãng đời đầy chông gai, từng trải qua bao bước thăng trầm và thấm đậm bao mồ hôi, nước mắt để có sự nghiệp như ngày hôm nay. Cuộc đời của chị là một câu chuyện cổ tích, một câu chuyện mà không ai có thể tưởng tượng ra.


Chị vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. 18 tuổi, chị lấy chồng. Tưởng rằng, cuộc đời cứ thế bình lặng trôi qua với cuộc sống gắn với nghề làm nông như cha ông thuở trước. Nhưng rồi những điều mà không ai ngờ lại đến. Trong một đi làm về, chồng chị đánh nhau với một cậu học sinh giữa đường. Thật không may, đúng lúc đó, một chiếc ôtô chạy qua đã cán chết cậu học sinh đó... "Mạng đòi mạng, máu đòi trả máu", gia đình cậu bé đang giữa đêm tìm đến nhà chị đòi lại công bằng. Sợ quá, hai vợ chồng chị tìm vào nhà chị gái ở Bình Long, Sông Bé (tỉnh Bình Phước hiện nay) lánh nạn. Ở đó, chị và chồng làm thuê kiếm cơm đắp đổi qua ngày.


Khoảng 2 tháng sau, ngày 1/5/1986, chị sinh con trai đầu lòng tại Bệnh viện Bình Long. Niềm hạnh phúc được bế đứa con trai trên tay chưa kịp vơi, thì ngay hôm sau, chồng chị bị tai nạn lao động, gẫy một chân. Tai họa chồng chất, tiền bạc không có, chị không dám kiêng cữ như những người phụ nữ khác thường được hưởng sau khi sinh con mà phải dằn lòng để đứa bé đỏ hỏn ở nhà, tần tảo sớm hôm đi bán nước chè xanh, bán bánh, bán chè... để kiếm tiền nuôi con và nuôi chồng.


Ba tháng sau, khi chồng chị vừa lành vết thương cũng là lúc Công an Thanh Hóa tìm vào tận nơi, bắt giữ chồng chị về thụ án. Thương chồng, chị lại bế con trở lại xứ Thanh. Kết thúc vụ án vô ý làm chết người, chồng chị bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù. Thương con còn bé sớm phải chịu thiệt thòi, thương chồng sống cảnh tù lao vất vả, chị cày thuê, cuốc mướn vừa để nuôi con, vừa để thăm chồng, mặc cho gia đình chồng có nhiều ngược đãi.


3 năm trôi qua như một giấc mộng cực nhọc, chồng chị mãn hạn tù trở về. Lúc đó, chị vui lắm, tưởng rằng đã nắm được hạnh phúc trong tay. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang bởi khi chị mang thai đứa con thứ 2 cũng là lúc phát hiện ra sự thay đổi lớn trong tâm tính người chồng. Anh ta không còn là người đàn ông chịu thương, chịu khó, thương vợ, yêu con như năm nào. Bụng chửa vượt mặt nhưng mọi công việc từ đồng áng, chăm sóc con cái đều dồn vào bàn tay của chị. Dù vậy, người chồng không hề quan tâm đến việc vợ đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến đêm khuya, vẫn chỉ rượu chè, đàn đúm cờ bạc với đám thanh niên xấu trong làng, hôm nào có điều gì không vừa ý là về đánh vợ.



Nữ doanh nhân Nguyễn Nam Phương tại lễ trao tặng Bông hồng vàng.

Không chịu nổi sự tàn nhẫn của người chồng, chị quyết ra đi. Hôm đó, đợi lúc mọi người ngủ say, chị nhẹ nhàng trở dậy, thu vén quần áo vào chiếc làn cũ kỹ rồi bế con đi bộ tới ga Thanh Hóa, ôm con ngồi khóc ở phòng đợi tàu mà không biết có đi được hay không vì trong túi không có một đồng. Cũng may, chị được một bà cụ vào Nam thăm con là bộ đội không quân đóng tại Đà Nẵng đã giúp chị mua vé vào Nam. Chị bảo, đã nhiều năm rồi, chị cố tìm bà cụ ấy để trả ơn nhưng không tìm được.


Vào đến TP Hồ Chí Minh, không có tiền đi tiếp đến Bình Long nên chị tìm đến nhà bà con họ hàng nhờ giúp đỡ nhưng chỉ nhận được sự đối xử lạnh nhạt, khinh rẻ vì gia đình chị quá nghèo. Ông chú họ vừa nhìn thấy mẹ con chị đã vội kêu xe xích lô chất mẹ con chị lên bảo chở đi đâu cũng được. Người lái xích lô nói "người nhà không thương thì tôi chở chị đến chợ Cầu Muối xem có ai giúp đỡ hay không". Do mấy ngày ngồi trên tàu, đói ăn, khát sữa lại nóng nực, mệt nhọc nên đứa con của chị mắc bệnh sốt cao hầm hập.


Thương hoàn cảnh của chị, má Hoàng Thị Trúc, ở 128/6, đường Cô Bắc, quận 1 đã đưa về nhà, lo cơm cháo, thuốc men. Ở nhà má, chị được mọi người chào đón, yêu thương như người thân trong nhà, con chị được trị bệnh nên dần hồi phục. Sau gần 1 tháng, được gia đình má Trúc cưu mang, mẹ con chị đã hoàn toàn bình phục nên xin phép được đưa con về nhà chị gái ở Bình Long. Thấy chị quyết chí, gia đình má Trúc cho tiền và mua vé để chị về Bình Long. Cầm những đồng tiền nhỏ bé của má trên tay, chị xúc động không nói nên lời. Đối với chị, "một miếng khi đói" ấy không chỉ đưa chị qua cơn bĩ cực, mà còn là động lực để chị vươn lên. Giờ đây, đối với chị, má Trúc như người mẹ thứ 2.


Về nhà chị gái ở Sông Bé, chị gửi con đi làm thuê kiếm sống. Người phụ nữ quen lao động như chị không ngại bất cứ công việc gì từ cắt cỏ tranh, đan lát, hái điều, hái tiêu... Chắt chiu mãi, chị cũng mua được 2 chỉ vàng và 1 mảnh đất để nương thân. Tưởng rằng cuộc sống cứ thế lần hồi qua ngày nhưng chỉ một thời gian ngắn, người chồng vũ phu phát hiện ra nơi ở của vợ con đã lần vào theo, tiếp tục rượu chè, gây gổ đánh đập vợ con.


Cực chẳng đã, chị đề nghị ly hôn. Anh ta đồng ý và cho chị nuôi 2 đứa nhỏ nhưng với 1 điều kiện là chị phải để lại cho anh ta toàn bộ nương rẫy, nhà cửa chị vừa tạo dựng. Xót mồ hôi, công sức nhưng biết rằng, ngoài cách đó ra, không biện pháp gì có thể khiến chị dứt hẳn được anh ta, chị đành chấp nhận ký đơn ly dị.


Ôm con trở lại TP Hồ Chí Minh, ngày ngày chị đi làm thuê ở quán phở lấy tiền nuôi con ăn học. Đúng lúc ấy, người bạn gái đã thương tình đưa mẹ con chị đến nhà bố mẹ đẻ mình ở TP Vũng Tàu để nương náu qua ngày. Cũng nhờ người bạn đó, chị xin được chân thu ngân cho một nhà hàng tại Vũng Tàu. Có chút vốn, cuối năm 1994, chị thuê lại cửa hàng ăn uống để kinh doanh và chị tranh thủ từng chút thời gian đi học thêm.


Năm 1996, thấy việc lập mô hình VAC có thể đem lại hiệu quả lớn, chị về Hòa Long thuộc thị xã Bà Rịa, mua một mảnh đất với diện tích là 30.000m2 lập trang trại nuôi bò sinh sản, baba, cá, gà công nghiệp... Mô hình này đã đem lại thu nhập cao, có những tháng, chị kiếm hơn 400 triệu tiền lời.


Năm 2005, chị đã quyết định đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất nước uống tinh khiết thương hiệu Safety để kiếm thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. Thành công này giúp chị có vốn liếng để phát triển doanh nghiệp. Cũng năm đó, chị thành lập Công ty TNHH Lan Anh, mở rộng các lĩnh vực hoạt động: kinh doanh nhà hàng, bất động sản.


Theo đó, lần lượt các dự án khu dân cư mang tên Lan Anh ra đời và được dư luận đánh giá cao. Hiện công ty đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với diện tích 150ha, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Đây là khu du lịch phức hợp, cung cấp nhiều dịch vụ cao cấp cho du khách trong và ngoài nước.


Nhìn lại chặng đường mà chị đi ngày hôm qua, dẫu có nhiều đắng cay hơn vị ngọt bùi nhưng với chị, chính những tháng ngày khởi nghiệp gian nan đó đã cho chị biết giá trị của đồng tiền, biết vị mặn đắng của cảnh nghèo, biết phải kiên định vươn lên và biết cả niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.


2 năm liên tiếp 2006-2007 Công ty TNHH một thành viên Lan Anh đạt danh hiệu "Trâu vàng đất Việt", 3 năm 2008-2009-2010, chị được trao cúp Bông hồng vàng dành cho các nữ doanh nhân thành đạt. Doanh nghiệp của chị được bình chọn đứng đầu trong khối doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và được trao giải "Ngọn hải đăng" của tỉnh. Đặc biệt, đầu năm 2011, chị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba

Xem thêm bài viết về: Bà Nguyễn Nam Phương
Theo Phương Thủy (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.