Những đêm cặm cụi rửa bát đĩa giữa mùa đông đã hun đúc quyết tâm phải làm chủ của chị Nguyễn Thị Kim Oanh - người hiện sở hữu 12 nhà hàng tại TP HCM và Hà Nội.
Không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp sắc sảo, thông minh, bà chủ Nguyễn Thị Kim Oanh còn hấp dẫn người đối diện bởi lối nói chuyện rất cuốn hút, tự tin và tràn đầy nhiệt huyết. Chị từng là hoa khôi thể thao, giám khảo của cuộc thi Master Chef mùa thứ 2 và là bà chủ của một chuỗi nhà hàng ăn uống Wrap & Roll nổi tiếng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bán hàng ăn ở Hải Phòng, tuổi thơ của chị là những chuỗi ngày vất vả khi hằng ngày phụ việc cho mẹ ở cửa hàng ăn uống nhỏ sau giờ học. Trở thành thiếu nữ, chị tham gia cuộc thi hoa khôi thể thao và ít ai ngờ được cô gái vẫn ngồi tráng bánh giúp mẹ đã giành được giải nhất.
Nữ doanh nhân vẫn giữ vẻ đẹp của một hoa khôi ngày nào.
"Lúc đó cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, mình mẹ phải nuôi anh và chị còn đang đi học. Sau khi đăng quang, tôi không dấn thân vào con đường giải trí mà vẫn phụ mẹ ở cửa hàng ăn. Ngoài ra, tôi cũng xin vào một công ty liên doanh với nước ngoài để học việc", chị cho biết.
Rồi những ngày nắng cũng như mưa, nóng cũng như lạnh phụ việc cho mẹ ở cửa hàng, những đêm khuya cần mẫn rửa hàng đống bát, đôi tay nứt nẻ, sưng phồng vì nước lạnh, trong suy nghĩ của cô gái lúc đó phải quyết tâm làm giàu, làm chủ...
Năm 1998, chị quyết tâm rời Hải Phòng vào TP HCM lập nghiệp, bắt đầu tìm con đường mới. Vùng vẫy giữa bao nhiêu ý tưởng công việc, chị nghĩ mình hợp với ngành truyền thông, quảng cáo mà không ngờ sẽ trở lại con đường ẩm thực. Cho đến một ngày, sau những bộn bề công việc, ký ức về những ngày tráng bánh cho mẹ lại ùa về khiến chị trăn trở. Ý tưởng mở một nhà hàng chuyên về đồ cuốn được nhen nhóm hình thành.
Lúc đó, cơ duyên chị gặp một đầu bếp người miền Nam vừa nghỉ việc tại một nhà hàng lớn. Sau khi những "ý tưởng" gặp nhau, chị cùng đầu bếp này đi một vòng từ Nam ra Bắc, tìm hiểu các món cuốn ở các quán ăn tại mỗi vùng đất đi qua. Những kinh nghiệm của mỗi chủ nhà hàng, nguyên liệu dùng để cuốn được chị ghi chép rất tỉ mỉ vào một cuốn sổ nhỏ và từ đó tổng kết được hàng trăm món cuốn. Đó cũng chính là bước khởi đầu cho thực đơn 50 món của nhà hàng sau này.
"Tất cả vốn liếng dành dụm được sau những năm vất vả làm lụng và bán một mảnh đất, tôi dành để mở nhà hàng. Lúc đó, việc mở một chuỗi nhà hàng không có cơm, chỉ có các món cuốn là một "thách thức" lớn vì chưa ai dám làm", chị cho hay.
Dốc hết toàn bộ số tiền vào cơ sở vật chất, đến khi vận hành thì số tiền vốn đã cạn, chị lại vay mượn để tiếp tục đam mê của mình. Ngày đầu gây dựng thương hiệu, mọi thứ rất khó khăn. Chị tự tay xây dựng chiến lược kinh doanh, kế hoạch quảng bá thương hiệu đến việc vào bếp cùng với nhân viên chế biến, định lượng thức ăn đến pha chế nước chấm...
“Tôi biết mình mạo hiểm nhưng tôi tin tưởng vào gu ăn uống của nhóm khách hàng mình hướng tới. Lúc đó tôi muốn định hình được cách ăn uống của thực khách, những người hiện đại thường hướng tới trào lưu ăn uống vì sức khỏe, ít protein, tinh bột", chị Oanh nhớ lại.
Rồi sự táo bạo, sáng tạo của chị trong ăn uống cũng được thực khách chấp nhận. Khách đến chật kín nhà hàng. Có những ngày, khách phải xếp hàng dài để đợi đến lượt được phục vụ. Lúc này, Kim Oanh nghĩ đến việc phải mở rộng. Từ một nhà hàng, trong vòng 6 năm, chị mở được một chuỗi liên tiếp gồm 12 điểm ở TP HCM.
Chị tâm niệm việc mở rộng thương hiệu, ngoài đam mê với thực phẩm Việt, còn là để tạo cơ hội cho nhiều người có công ăn việc làm, có điều kiện phát triển để mang lại thu nhập tốt hơn cho gia đình họ. Con số nhân viên lúc đó đã lên đến hàng trăm người.
Bà chủ nhà hàng trên cương vị giám khảo ở cuộc thi Master Chef.
Tuy vậy, con đường kinh doanh với người con gái Hải Phòng, đồng thời là em ruột của nữ ca sĩ nổi tiếng - Thu Phương, không phải lúc nào cũng trải toàn hoa hồng. Thời điểm năm 2008, nhiều chuỗi ăn uống khác ra đời, có sự cạnh tranh khốc liệt, kinh tế cũng bắt đầu đi xuống. Có lúc, chị rơi vào tình huống bế tắc tưởng chừng như không có lối thoát. Khó khăn lớn nhất lúc đó là làm sao có được dòng vốn ổn định để duy trì hoạt động, tiền chi phí thuê nhà hàng, trả lương cho nhân viên...
Lúc đó chị quyết định nhìn lại và phân tích kỹ hơn từng vấn đề liên quan đến tài chính, hiệu quả của từng nhà hàng, chính sách marketing, nhân lực, xem mình đã làm hết khả năng chưa, hay nhiều quyết định của mình còn lừng khừng...
"Nhiều đêm tôi không ngủ được, trăn trở mình đã sai chỗ nào, hay mình đã đi nhanh quá trong khi chưa đủ kinh nghiệm. Có lúc tôi muốn dừng lại, muốn bán chuỗi nhà hàng... Nhưng tôi nhận ra kinh doanh là phải có được có mất, tôi sẵn sàng chấp nhận kết quả cuối cùng. Rồi tôi phải đưa ra một quyết định đau lòng là thu nhỏ lại, đóng cửa một vài cái", chị Kim Oanh cho hay.
Việc đóng mỗi nhà hàng theo chị như một nỗi đau cứ cứa dần cứa dần vào da thịt nhưng không thể không cắt. Việc giảm bớt nhân viên khiến chị cảm thấy có lỗi, vì chị đã chưa làm hết sức, chưa lo nổi cho họ. Nhưng hành động đó giúp chị duy trì được những điểm còn lại, chi trả được tiền thuê mặt bằng và sàng lọc được đội ngũ nhân viên giỏi, chăm chỉ, tìm được những người quản lý tốt...
"Khi từng bước vượt qua được khó khăn, tôi nghĩ lúc đó mình đã làm đúng. Vậy là lại quyết định cắt thêm một chút nữa để những nhà hàng hoạt động hiệu quả thực sự đứng vững trong thời điểm đó", chị Oanh cho hay. Như vậy từ 12 nhà hàng, chị còn lại 8.
Rồi năm 2012, chị nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài. "Ngày khai trương, nhìn thấy người nước ngoài xếp hàng để vào ăn đồ cuốn Việt Nam, tôi mừng rơi nước mắt. Ước mơ để đưa đồ cuốn Việt đến với thế giới đã thành hiện thực", Kim Oanh cho hay.
Ngay sau thành công của nhà hàng đầu tiên tại Singapore, đến nay, đối tác của chị đã mở được 4 nhà hàng. Chị cũng xuất khẩu rất nhiều bánh tráng và nước sốt ra đảo quốc sư tử.
Thành công của việc nhượng quyền thương hiệu giúp chị giải quyết được rất nhiều vấn đề như nâng cấp các nhà hàng, đầu tư vào chất lượng, đội ngũ nhân viên, tiếp tục phát triển kinh doanh, mở rộng nhà hàng...
Lúc này Kim Oanh đã học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm về quản lý, về cách tìm địa điểm tốt, tuyển chọn đội ngũ nhân viên... Chị thấy niềm đam mê không mệt mỏi của mình về lĩnh vực ăn uống đã bắt đầu có thành quả. Đi qua những năm tháng khó khăn, đến nay, chị mở được 12 nhà hàng (trong đó có 4 nhà hàng ở Hà Nội) và dự định trong năm 2016 sẽ tiếp tục mở thêm 3 nhà hàng nữa.
"Tôi chỉ muốn cho con trai mình tự hào và luôn nhớ về mẹ là một người chưa bao giờ chịu dừng lại, chưa bao giờ chịu khuất phục, làm việc gì phải quyết tâm tới cùng với những gì mình lựa chọn. Hơn nữa, khát khao muốn ẩm thực của Việt Nam đi xa, bước ra với thế giới luôn thường trực trong tôi bởi nền ẩm thực của nước ta rất phong phú, nhưng chưa được quảng bá một cách hiệu quả", nữ doanh nhân cho hay.
Chị cũng muốn mở rộng thêm chuỗi nhà hàng với quy mô lớn hơn, phát triển mạnh hơn và làm thế nào để đời sống của nhân viên tốt hơn. Hiện mỗi ngày, chị phục vụ khoảng 1.500 thực khách ở cả hai miền Bắc và Nam.
"Quan niệm của tôi là xây dựng để trường tồn. Nhân viên cùng mình tạo nên sự trường tồn ấy, vì vậy nên quan tâm, lắng nghe về các vấn đề mà họ phải đối mặt. Khi bạn chia sẻ với họ, giúp đỡ họ, nếu cuộc sống riêng của họ vui vẻ, họ mới có thể hoàn thành tốt công việc mà bạn giao phó được, họ mới yên tâm gắn bó và phục vụ khách hàng của bạn một cách tốt nhất", Kim Oanh cho hay.
Anh Thư (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chuỗi nhà hàng món cuốn của bà chủ hoa khôi

    Chuỗi nhà hàng món cuốn của bà chủ hoa khôi

    27/11/2015 4:10 PM

    Những đêm cặm cụi rửa bát đĩa giữa mùa đông đã hun đúc quyết tâm phải làm chủ của chị Nguyễn Thị Kim Oanh - người hiện sở hữu 12 nhà hàng tại TP HCM và Hà Nội.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.