Kịch Tâm Ngọc vừa mừng "nhà mới" ở rạp Vườn Lài, Q.10 sau hai năm trụ tại cà phê sân thượng siêu thị Maximart Cộng Hòa. Điểm thú vị là "ông bầu" của sân khấu này còn rất trẻ và là một tay ngang thứ thiệt, chưa qua bất cứ trường lớp đào tạo nào về kịch.

"Ông bầu" trẻ, Giám đốc Sân khấu Kịch Tâm Ngọc Phạm Vũ Kiên

Mê kịch từ một dịp tình cờ

Giữa năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, Phạm Vũ Kiên được bố mẹ sắp xếp sẵn vị trí công việc ổn định tại công ty của gia đình. Trong thời gian chuẩn bị "nhận chức", một người bạn thân mời Kiên đến dự buổi diễn kịch tốt nghiệp tại một sân khấu ở TP.HCM. Trước giờ chỉ xem trên tivi nên Kiên chẳng mặn mà lắm với kịch, song vì quý bạn, Kiên vẫn đến, và bị kịch "hút hồn".

Có mặt trong tiệc mừng buổi diễn thành công hôm ấy, Kiên khá bất ngờ khi nghe đa số diễn viên trẻ nén tiếng thở dài: "Tốt nghiệp xong chắc bỏ nghề quá!". Đơn giản vì sân khấu kịch ở thành phố vốn ít, diễn viên tên tuổi còn chật vật sống, huống chi diễn viên trẻ.

Càng tiếp xúc, Kiên càng đau đáu câu hỏi về đất diễn cho lớp diễn viên trẻ, có năng lực và yêu nghề nhưng không có điểm diễn, không người đỡ đầu, đành chấp nhận dừng lại.

Tìm hiểu thêm loại hình cà phê kịch đang thu hút nhiều diễn viên trẻ, Kiên thêm đồng cảm với sự vất vả, đánh giá cao nhiệt huyết và lòng yêu nghề của họ. Không ít người tụ lại thành một nhóm trên dưới 10 người, nay diễn ở cà phê kịch này, mai ở cà phê kịch khác, 5, 7 năm vẫn bấp bênh như vậy.

"Lúc đó tôi có ý định mở một nhà hàng cà phê, chợt nghĩ sao mình không làm sân khấu kịch kèm theo luôn, vừa có không gian ấm cúng, vừa có chỗ ổn định để các bạn diễn?", Kiên kể.

Nghĩ là làm, Kiên từ chối công việc nhẹ nhàng, có thể mang lại thu nhập rủng rỉnh, bày tỏ với bố mẹ ý định kinh doanh sân khấu kịch trước sự ngỡ ngàng của gia đình. "Bố mẹ tôi không ủng hộ đâu vì tôi chẳng biết chút gì về kịch hết, nhưng ông bà tôn trọng quyết định của tôi".

"Vạn sự khởi đầu nan", mãi không thuê được mặt bằng, Kiên thôi ý định mở nhà hàng, chuyển sang hợp tác. Vét hết tiền dành dụm, vay thêm một ít của bố mẹ, Sân khấu Kịch Tâm Ngọc của "ông bầu" Vũ Kiên ra đời tại cà phê sân thượng siêu thị Maximart Cộng Hòa.

Ê kíp là những người trẻ đến từ Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh TP.HCM, lớp kịch Phú Nhuận và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.

Kiên và đội ngũ của Kịch Tâm Ngọc

Dấn thân

Định bụng mở cà phê kịch kiếm tiền nên khi thấy suất diễn khai trương của Tâm Ngọc chỉ vỏn vẹn... 2 khán giả, Kiên vừa sốc, vừa suy sụp. "Tôi tự hỏi, bán cà phê bình thường, một tối ít nhất cũng được mấy chục ly, đằng này quán mình có cả diễn kịch, tại sao không bán được?", Kiên trăn trở.

Tháng đầu tiên, lượng khán giả dao động quanh mức chục người. Vừa chống sốc cho bản thân, vừa động viên tinh thần diễn viên, Kiên tìm cách giới thiệu và bán voucher trên các diễn đàn. Không biết do chất lượng vở diễn hay sự nhiệt tình của diễn viên mà khán giả rủ rê nhau đến quán ngày một nhiều.

Hai tháng sau, có suất diễn của Tâm Ngọc khán giả ngồi kín 80 ghế của quán. Một khán giả quý Kiên ở lòng nhiệt huyết, thương lớp diễn viên trẻ, đã để lại số điện thoại kèm lời nhắn: "Có cần chị giúp gì, cứ gọi!". Nữ khán giả ấy giờ đã trở thành cổ đông lớn của Tâm Ngọc.

Mù tịt về kịch, lại không được bất kỳ một tên tuổi nào trong nghề hướng dẫn, tất cả mọi việc từ mua đạo cụ, dụng cụ, cách dàn dựng, phục trang..., Kiên đều phải tự xoay xở và gặp không ít rủi ro. "Hồi đầu mua đạo cụ toàn bị hớ, phải trả giá cao không hà, giờ mua giá rẻ rồi", Kiên cười giòn cho biết.

Không biết có phải do Trời không phụ lòng người hay chính niềm đam mê và sự chân thành của Kiên lan tỏa mà rất nhiều cá nhân dẫu không rành về kịch cũng sẵn sàng chung tay tạo nên diện mạo khang trang của Tâm Ngọc hôm nay: người làm quảng cáo, người liên lạc với truyền thông, kêu gọi tài trợ, người hỗ trợ vốn...

Để tiết kiệm chi phí, diễn viên của Tâm Ngọc kiêm luôn may phục trang, cắt khung thiết kế, nhân viên hậu đài...; đạo diễn thì kiêm vẽ cảnh trí, thiết kế sân khấu; người viết kịch bản đảm nhận luôn chỉ đạo diễn xuất!

Kiên chia sẻ, Kịch Tâm Ngọc sẽ không thể dời về Vườn Lài nếu không có những sự giúp sức ấy. Đáng quý ở chỗ, họ tự nguyện góp sức chứ không đòi hỏi phải nhận lại được gì. "Tôi thấy mình thực sự may mắn, nếu không có người chung tay, tôi đã không trụ được đến bây giờ".

Với 427 ghế cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng được đầu tư chỉn chu, trong giai đoạn phát triển mới, các vở diễn của Kịch Tâm Ngọc sẽ hướng về triết lý Phật giáo đúng như logo hình hoa sen hồng có viên ngọc ở giữa, ngụ ý "giữ tâm trong sáng".

Ăn chay trường đã lâu, lại sùng đạo Phật và thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện nên mỗi suất diễn của Tâm Ngọc, Kiên đều trích phân nửa tiền bán vé ủng hộ các quỹ từ thiện.

"Lúc mới bắt tay làm, phải chạy vạy tiền khắp nơi để bù lỗ, tôi suy nghĩ dữ lắm, nhưng giờ đã quen xoay xở rồi. Tôi phải làm vì tương lai của hơn 20 con người gắn bó với tôi từ đó đến giờ và vì sự tin yêu của nhiều người", Kiên thổ lộ.

Hoàng Linh Lan (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.