Cập nhật 14/01/2015 10:05 AM
Trước khi đưa dịch vụ đón taxi bằng điện thoại thông minh (GrabTaxi) vào Việt Nam, nhóm sáng lập GrabTaxi đã mất khá nhiều thời gian tìm kiếm ứng viên cho vị trí điều hành nhưng vẫn chưa tìm được người như ý muốn. Nguyễn Tuấn Anh được tin tưởng giao giữ vị trí này cho những dự án mở rộng tại Việt Nam.

"Sau khi được người đại diện GrabTaxi phỏng vấn và mời sang Thái Lan tìm hiểu mô hình cũng như trải nghiệm thử dịch vụ, tôi thấy dịch vụ này rất hay, nhanh và thiết thực", Tuấn Anh kể.

Nhiều tháng trời lân la với các tài xế, nghe họ chia sẻ về dịch vụ, về số lượng khách hàng tham gia và dịch vụ ngày càng phổ biến ở Thái, nhận thấy đây là sản phẩm tốt, có triển vọng phát triển, Tuấn Anh càng có thêm động lực đưa mô hình này về Việt Nam.

Mặc dù tìm hiểu kỹ và dự đoán dịch vụ sẽ đáp ứng nhu cầu của nhiều người, nhưng khi nhận nhiệm vụ phát triển dịch vụ tại Việt Nam, Tuấn Anh vẫn không khỏi lo lắng: "Không biết mọi người có đón nhận dịch vụ này không? Liệu mình có đảm bảo định mức tăng trưởng theo yêu cầu Công ty đặt ra không?".

Anh tâm sự: "Bắt tay vào công việc rồi mới thấy vô vàn khó khăn! Cái khó đầu tiên là tìm nhân sự và xây dựng đội ngũ giỏi. Do đặc thù dịch vụ nên ứng viên được đòi hỏi phải hội đủ các tố chất cơ bản như nhanh nhẹn, biết chấp nhận khó khăn, trẻ khỏe, nhất là phải ham học hỏi".

Sau khâu tuyển dụng, cái khó tiếp theo là một số hãng taxi tại Việt Nam không hợp tác với dịch vụ. Lúc đó, Tuấn Anh nghĩ không thể ngồi chờ mà phải chủ động tìm cách tiếp cận các tài xế. Nghĩ vậy nhưng việc thuyết phục tài xế tham gia không dễ dàng, đến khi thuyết phục được thì đa số lại không có điện thoại thông minh.

Không nản, Tuấn Anh lại tiếp tục đi tìm kiếm và thuyết phục những người đủ điều kiện tham gia GrabTaxi. Sau nỗ lực đầu tiên, điểm lại cũng được gần trăm taxi tham gia, Tuấn Anh tiến tới kế hoạch hợp tác với Hãng điện thoại MobiiStar và bán điện thoại cho tài xế với giá ưu đãi gần 2 triệu đồng/chiếc. Phải mất ba tháng kế hoạch này của Tuấn Anh mới triển khai thành công.

Dù có kinh nghiệm hoạt động ở các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore... nhưng thị trường Việt Nam có những đặc thù riêng. Do đó, Tuấn Anh và nhóm phát triển GrabTaxi phải nỗ lực thay đổi hình thức đón taxi phù hợp với môi trường, hệ thống giao thông Việt Nam.

Chỉ gần một năm hoạt động, với sự kiên trì, đặc biệt là sáng tạo ra nhiều cách khuyến mãi, tiếp thị mới để tiếp cận khách hàng, Tuấn Anh đã mở rộng được dịch vụ không chỉ tại TP.HCM mà còn ra Hà Nội, đặc biệt mở rộng được đội ngũ tài xế taxi tham gia dịch vụ lên con số hàng ngàn.

Số lượt khách sử dụng dịch vụ tháng sau đều tăng gấp rưỡi so với tháng trước. Tuấn Anh chia sẻ: "Trong số các chiến lược marketing, mở rộng thị trường và dịch vụ thì chiến lược quan trọng nhất vẫn là dịch vụ chăm sóc khách hàng".

Một bí quyết giúp Tuấn Anh thành công trong việc thu phục nhân tâm là tấm chân tình của anh thể hiện trong việc chăm sóc khách hàng, tài xế. Biết được tâm tư của những người lao động cực nhọc như tài xế taxi, GrabTaxi đã trao học bổng cho con em họ để động viên họ yên tâm làm việc.

Những tài xế bị hỏng điện thoại, Công ty đưa điện thoại đi sửa... Việc làm tuy nhỏ nhưng đã tạo được sự cảm kích và thiện cảm của tài xế với dịch vụ GrabTaxi.

Với số lượng xe máy lên đến gần 40 triệu chiếc tại Việt Nam, cơ hội cho một mô hình kinh doanh mới lại mở ra với Tuấn Anh. Anh nói: "Với lợi thế là tính cơ động cao, chi phí lại cạnh tranh hơn taxi nên tại Việt Nam, xe máy vẫn được đa số khách hàng bình dân lựa chọn.

Tuy nhiên, do kinh doanh tự phát nên hành khách xe ôm vẫn còn gặp nhiều vấn đề như giá cả không rõ ràng, tranh giành hoặc lừa gạt khách. Từ thực tế đó, chúng tôi ấp ủ mô hình GrabBike sử dụng chung hệ thống với ứng dụng gọi taxi qua smartphone của GrabTaxi và có cách vận hành tương tự.

Cước phí xe máy hiện được tính ở mức 15.000 đồng/1,5km di chuyển. GrabBike hưởng 20% trên cước phí mỗi chuyến xe ôm kết nối thành công. Ước tính một bác xe ôm có thể đi được 5 - 6 chuyến/ngày".

Nhờ sự hỗ trợ của GrabBike, bây giờ các tài xế xe ôm trong hệ thống có thể đi được trung bình đến 15 chuyến/ngày. Với cước phí bình quân 30.000 đồng/chuyến, thu nhập của họ đã tăng lên đáng kể. "Dù mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía, nhưng một ý tưởng mới khi đưa vào vận hành sẽ luôn gặp phải nhiều vấn đề.

Từ khâu tuyển chọn nhân sự, kiểm soát chất lượng dịch vụ cho đến bảo vệ quyền lợi cho tài xế và khách. Trước khi đưa dịch vụ ra ứng dụng, GrabBike đang tập trung hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử cho tài xế và những quyền lợi mà các bên sử dụng dịch vụ được hưởng", Tuấn Anh cho biết.

Lữ Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….