Cập nhật 25/02/2017 9:26 PM
Tên thương hiệu, địa điểm, vốn đầu tư, nguồn cung, phương pháp marketing..., là những yếu tố cần quan tâm khi quyết định kinh doanh một cửa hàng thực phẩm sạch.
Thị trường thực phẩm sạch hiện là mảnh đất màu mỡ cho những người yêu thích kinh doanh. Người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các quy định chất lượng hay chứng nhận vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cửa hàng thực phẩm sạch nào ra đời cũng được duy trì thành công. Để phát triển bền vững thương hiệu của mình, anh Trần Quân - CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển đã bỏ ra nhiều công sức, lên kế hoạch tỉ mỉ trước khi quyết định đầu tư.
Anh cho biết, bước thứ nhất của kế hoạch mà mỗi người cần lưu ý là "Chuẩn bị cho cửa hàng". Vấn đề này gồm 9 việc cơ bản gồm đặt tên thương hiệu; chọn địa điểm; vốn; nguồn hàng; nhân sự; marketing; thiết bị, vật dụng thiết yếu và cách xây dựng cửa hàng; trang trí cửa hàng.
Tên thương hiệu
Thương hiệu giúp khẳng định sứ mệnh, tầm nhìn và những gì mà cửa hàng có thể mang lại cho xã hội thông qua mô hình kinh doanh. Nó cần tạo được sự khác biệt và ấn tượng trong cái tên, slogan, logo, nhận diện. Tên thương hiệu không nên quá dài hay khó nhớ, cũng không thể trùng lặp khiến khách hàng khó tìm.
Bất kỳ ý tưởng nào cũng có thể được đưa ra để cùng thảo luận, góp ý. Ngoài ra, ông, bà chủ cũng có thể thuê một đơn vị truyền thông để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp của cửa hàng ngay từ đầu.
Địa điểm
Điều này sẽ quyết định tới 40% sự thành công của mô hình kinh doanh. Cửa hàng thực phẩm sạch nên nằm ở khu vực tập trung dân cư có thu nhập tốt; gần trường học, chợ hoặc nơi đông nhân viên văn phòng. Với những khu đô thị xa chợ và siêu thị, bạn nên mở cửa hàng ở tầng một của khu chung cư để thuận tiện cho người dân.
Diện tích cửa hàng ban đầu nên rộng khoảng 35-50m2. Mặt tiền cần ít nhất 4 mét để người mua hàng thuận tiện trong việc đỗ xe. Vỉa hè trước mặt nên có bóng râm để tránh ánh nắng rọi trực tiếp vào cửa hàng, dễ làm hỏng thực phẩm bày bán bên trong.
Hiện nay, mức phí thuê mặt bằng dao động 6-12 triệu đồng một tháng đối với khu vực ngoại thành và 15-35 triệu đồng một tháng với khu trung tâm. Việc lựa chọn địa điểm hoàn toàn phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của mỗi người. Với những người mới khởi nghiệp, mức an toàn để thuê một địa điểm kinh doanh là 10-15 triệu đồng.
Vốn đầu tư
Theo anh Trần Quân: "Vấn đề không nằm ở việc bạn có bao nhiêu vốn để mở cửa hàng mà nằm ở chỗ bạn có đủ tâm huyết, chăm chỉ và quyết tâm mở cửa hàng hay không".
Trong thực tế, nhiều cửa hàng được mở ra với số vốn khoảng 100 triệu đồng nhưng nhờ phương pháp vận hành tốt mà doanh thu ngày một tăng, bên cạnh đó cũng có cửa hàng được đầu tư tới cả tỷ đồng tiền vốn nhưng sau vài tháng thì đóng cửa. Việc trụ vững trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng là quyết tâm, phương pháp của người chủ.
Với kinh nghiệm mở 9 cửa hàng, anh Trần Quân cho biết: "Hiện nay, để mở cửa hàng thực phẩm sạch, bạn cần đầu tư tối thiểu khoảng 250 triệu đồng". Anh cũng chia sẻ, nếu chưa đủ vốn, người kinh doanh có thể tham khảo gói tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp sạch của Agribank. Theo đó, người vay vốn được áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5-1,5% so với lãi suất cho vay thông thường. Ngân hàng sẽ ưu tiên xem xét cấp tín dụng ngắn hạn không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng tốt hay khách hàng truyền thống của Agribank.
Nguồn hàng
Một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên thành công của một cửa hàng thực phẩm sạch đó là nguồn hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, ổn định về số lượng và chất lượng. Ví dụ, ở Hà Nội, chủ cửa hàng có thể tìm nguồn cung các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng tại các cơ sở hay bà con nông dân ở Hòa Bình, Sóc Sơn, Vĩnh Phúc..., mặt hàng thủy hải sản có thể tìm đầu mối ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định…
Nguồn hàng cần đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: HTsofft.
Việc ưu tiên những nơi gần với cửa hàng giúp thực phẩm luôn tươi ngon cũng như tiết kiệm được chi phí vận chuyển và thời gian. Trước khi nhập hàng, chủ cơ sở cần tìm hiểu cách bảo quản từng loại thực phẩm, hiểu rõ về quy trình sản xuất, năng lực nhà cung cấp và ký hợp đồng cam kết hợp tác chặt chẽ giữa hai bên để gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm của họ.
Cửa hàng thực phẩm sạch nên tập trung vào những dòng sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm tự nhiên, đặc sản vùng miền hoặc theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Nếu gặp khó khăn về nguồn hàng, chủ cửa hàng có thể liên hệ với chương trình "Nông Nghiệp Sạch" để được tư vấn và cung cấp địa chỉ mua nông sản đã được Cục quản lý chất lượng cấp phép.
Nhân sự
Vào những ngày đầu, chủ cửa hàng nên là người trực tiếp làm việc tại đây và chỉ cần tuyển thêm 2-3 nhân sự chính (full-time) gồm thu ngân kiêm kế toán, bán hàng kiêm sơ chế thực phẩm, người vận chuyển kiêm lấy hàng.
Ban đầu, do lượng khách chưa nhiều nên chủ cửa hàng cần tận dụng thời gian để đào tạo nhân viên, giúp họ trở nên linh hoạt. Sau khoảng vài tháng, khi đã hiểu về các công việc, chủ cửa hàng có thể đào tạo lại cho người khác làm thay mình, tiếp nhận vị trí quản lý chung.
Marketing
Trước khi mở cửa hàng, chủ cơ sở nên chuẩn bị khoảng 2.000-5.000 tờ rơi để giới thiệu, đồng thời, tìm hiểu thói quen mua sắm, nhu cầu, tạo mối quan hệ với người dân khu vực và chính quyền địa phương. Điều này sẽ tạo nên một kênh marketing truyền miệng hiệu quả tại khu vực đặt cửa hàng, từ đó, người dân xung quanh sẽ nhanh chóng tìm đến.
Ngoài ra, chủ cửa hàng cũng nên tạo kênh marketing và bán hàng online trước khi khai trương thông qua website, Facebook, Zalo, YouTube…, để quảng bá thương hiệu tới khách hàng.
Thiết bị, vật dụng thiết yếu và cách xây dựng cửa hàng
Cửa hàng cần tối thiểu một tủ đông loại mặt kính để trưng bày hàng đông lạnh, (ưu tiên loại 800-1.000 lít), bên cạnh đó là một tủ mát chứa các loại thịt, cá; thêm 1-2 tủ đựng hoa quả. Ngoài ra, quầy kệ để rau, hoa quả, trang thiết bị sơ chế, đóng gói, máy hút chân không…, cũng cần có từ đầu. Việc sắp đặt vị trí quầy kệ, tủ trưng bày cần bắt mắt và hiệu quả, thu hút sự chú ý của người mua.
Những vật dụng khác như máy tính, cân, bàn thu ngân, máy in hóa đơn…, cũng là thiết bị không thể thiếu nhằm tạo sự chuyên nghiệp và trách nhiệm của cửa hàng với người mua. Chủ cửa hàng nên chuẩn bị một máy in hóa đơn bởi người tiêu dùng luôn muốn minh bạch trong việc giá cả. Đó cũng là điểm khác biệt so với việc mua hàng ngoài chợ.
Ngoài ra, điều không thể thiếu của một cửa hàng thực phẩm sạch là giấy đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm...
Cửa hàng thực phẩm sạch nên có tông màu sáng, thiên về tự nhiên. Ảnh: thomaswildish.
Trang trí cửa hàng
Cửa hàng nên được thiết kế bằng những gam màu sáng, thiên về tự nhiên như xanh lá cây hoặc trắng, nhằm tạo cảm giác thân thiện và sạch. Tránh những gam màu tối vì sẽ gây phản ứng ngược, không bắt mắt.
Phía bên ngoài cửa hàng cần có các hệ thống biển để thu hút sự chú ý của khách hàng nhưng phải đặt đúng quy định để không gây mất mỹ quan đô thị. Phía bên trong nên treo hình ảnh chủ cơ sở đi thực tế tại các địa phương cung cấp nguồn thực phẩm, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ thực phẩm hoặc một vài câu nói thể hiện sứ mệnh, tâm huyết của chủ cửa hàng. Việc làm này sẽ giúp người mua thêm tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm được bày bán.
Kinh doanh là lĩnh vực đòi hỏi nhiều yếu tố, sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của người chủ. Một cửa hàng mới mở có thể thu hút người mua bằng sự mới lạ, độc đáo, song cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó khăn, cần cân nhắc mà người chủ cần sự nhạy bén và sáng tạo trong suốt quá trình kinh doanh.
Phan Nam (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.