Cập nhật 10/01/2014 8:33 PM
Sau khi tìm hiểu khá kỹ các doanh nghiệp cả thành công lẫn thất bại, tác giả bài viết này đã nhận ra 5 sai lầm phổ biến dẫn tới sự tiêu vong của những người lần đầu dấn thân vào thương trường.

Sau khi tìm hiểu khá kỹ các doanh nghiệp cả thành công lẫn thất bại, tác giả bài viết - chuyên gia Kathleen Rich-New - đã nhận ra 5 sai lầm phổ biến dẫn tới sự tiêu vong của những người lần đầu dấn thân vào thương trường.

Sai lầm số 1: Ý tưởng Không rõ ràng nên dễ bị nhụt chí trước các tác động

Bạn phải có ý tưởng rất rõ ràng, cụ thể về việc tại sao bạn muốn khởi sự kinh doanh, tại sao bạn muốn theo đuổi giấc mơ này. Nếu không, bạn dễ dàng bị kéo lùi bởi các lý do bào chữa cho việc vì sao không tiếp tục. Bạn sẽ muốn từ bỏ mọi thứ trước khi gặt hái thành công.

Hình dung của bạn về việc kinh doanh phải luôn nóng bỏng trong tâm trí và đau đáu trong lòng. Chỉ như vậy, bạn mới có đủ dũng cảm để vượt qua những khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp.

Sai lầm số 2. Nghĩ rằng các ngân hàng sẽ cho bạn vay tiền

Vì tỉ lệ thành công với các doanh nghiệp non trẻ rất thấp nên không nhiều ngân hàng sẵn lòng cho vay vốn.

Một số ngân hàng lại chỉ cho các loại hình kinh doanh chuyên biệt vay vốn. Do đó, cách duy nhất bạn có thể huy động tiền là thế chấp nhà cửa hoặc các tài sản có giá trị khác. Tuy nhiên, nếu việc kinh doanh thất bại, ngân hàng sẽ tịch thu những thứ này.

Bạn cũng có thể trông chờ vào nguồn tài chính ở các khoản tiết kiệm cá nhân, sử dụng thẻ tín dụng hay bán đi các tài sản.

Bạn cần ước tính số tiền mình phải có là bao nhiêu để bắt đầu kinh doanh và nhớ tính thêm các khoản chi tiêu cá nhân khác trong thời gian suốt 3 năm tiếp theo. Có thể bạn sẽ phải mất chừng ấy thời gian để việc kinh doanh bắt đầu có lãi. Sau đó, hãy bổ sung thêm 50% nữa vào con số ấy, vì mọi việc hiếm khi diễn ra theo đúng kế hoạch đã định.

Chẳng hạn, khi mở một phòng khám y tế cấp cứu, bạn có thể bị đình lại hoạt động trong 2 tháng để chờ chính quyền xét duyệt. Trong khi đó, các nhân viên đều đã nghỉ việc chỗ cũ để tới làm cho bạn. Họ vẫn cần phải được trả lương trong hai tháng này ngay cả khi phòng khám chưa thu được đồng nào.

Sai lầm số 3: Cho rằng khách hàng sẽ tự tìm đến mình

Vì lý do nào đó, rất nhiều doanh nhân mới lập nghiệp quên mất thực tiễn rất quan trọng: để thành công, bạn phải có khả năng bán được những thứ mình cung cấp, bất kể đó là sản phẩm hay dịch vụ gì.

Những khách hàng tiềm năng vốn dĩ đã có thói quen mua sắm và đã chọn được những nhà cung cấp dịch vụ quen thuộc. Bạn phải làm cách nào đó để kéo họ ra khỏi những vùng an toàn,thuyết phục họ phải thay đổi, đáp ứng vượt mức kỳ vọng để họ tiếp tục trở lại với bạn.

Vì thế, hãy dành thời gian thật nhiều để xác định rõ nhóm khách hàng lý tưởng của bạn là ai và quyết định sẽ bán gì cho họ.

Người ta thường mua hàng vì 2 lý do: tránh được lo lắng và thu về niềm vui. Nếu bạn tìm ra nỗi lo lắng của khách hàng và giải quyết được nó, bạn sẽ giành được họ.

Chẳng hạn, nếu bạn định gia nhập thị trường chăm sóc da, hiển nhiên, không phải “bất cứ ai có da” đều là khách hàng của bạn. Bạn chỉ nên tìm kiếm những người ở độ tuổi trên 45, đó là những khách hàng rất quan tâm lo lắng tới các nếp nhăn và mong muốn có được vẻ ngoài trẻ trung, tươi tắn hơn. Hãy tìm tới họ và giúp họ giải tỏa lo lắng đó.

Sai lầm số 4. Bắt đầu kinh doanh mà không có chiến lược thoát khỏi nó

Hình dung ra cách rút khỏi công ty ngay khi nó còn chưa thành lập có vẻ như ý tưởng khá lạ lùng. Song, việc bắt đầu tư duy từ điểm kết thúc lại rất quan trọng. Theo đó, những quyết định bạn đưa ra nhằm phát triển doanh nghiệp sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư muốn mua lại nó.

Rất nhiều doanh nhân mới khởi nghiệp không hề nghĩ tới việc họ sẽ thu hồi vốn và thời gian đã đổ vào doanh nghiệp như thế nào sau khi rời bỏ. Họ chỉ nhận ra mọi thứ khi đã tới hồi kết của vấn đề.

Nếu bạn cho rằng, bạn có thể dễ dàng bán đi cơ sở kinh doanh của mình bất cứ lúc nào thì bạn đã nhầm. Chỉ 10% doanh nghiệp muốn chuyển nhượng có thể bán được.

Sai lầm số 5: Không có được sự ủng hộ từ gia đình, vợ/chồng hoặc đối tác

Những người thân sẽ có tác động theo nhiều cách khác nhau tới bạn khi khởi sự kinh doanh. Vì thế, bạn cần sự ủng hộ ban đầu và liên tục của họ về sau.

Dù thế nào thì vẫn có khả năng xảy ra chuyện căng thẳng liên quan tới số tiền mà bạn đã đổ vào việc kinh doanh. Đôi khi, những chuyến đi chơi là không thể. Và bạn cũng sẽ không thể ngừng làm việc sau 5h chiều hoặc rảnh rỗi vào 2 ngày cuối tuần như một viên chức bình thường.

Khởi sự kinh doanh luôn đòi hỏi bạn một tâm thế và nếp sống bận rộn, linh hoạt, ít nhất là giai đoạn đầu. Do đó, những người thân càng ủng hộ bạn thì khả năng thành công trong việc kinh doanh càng cao, đồng thời đời sống riêng tư của bạn cũng ít chịu sức ép hơn.

Đỗ Dương (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….