Học công nghệ thông tin rồi quản trị kinh doanh tại Australia, chàng trai gốc Hà Nội lại quyết định gây dựng sự nghiệp với giống cây lạ lẫm với quê nhà.

Sinh năm 1974, theo học chuyên ngành kinh tế, rồi Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, năm 1996 Hoàng Tùng sang Ausrtralia học về Công nghệ thông tin, sau đó lại chuyển sang Quản trị kinh doanh.

"Thời trẻ, tôi cũng khá lông bông, thích phiêu lưu và chưa có mục tiêu cụ thể. Sang Australia, vừa học, tôi vừa đi làm thêm đủ thứ nghề, thậm chí làm một nông dân đích thực", Tùng chia sẻ.

Năm 2000, trong một lần đến thăm trang trại của người dân bản địa, Hoàng Tùng lần đầu tiên được giới thiệu về cây mắc ca, nhận thấy tiềm năng, giá trị lớn của giống cây cho hạt được mệnh danh là "nữ hoàng quả khô" này. Tùng bỏ tiền túi mua 3 tạ hạt và một số cây giống để đưa về trồng thử nghiệm tại Lạng Sơn.

"Tôi bỏ thời gian nghiên cứu, đọc rất nhiều tài liệu về mắc ca, và ngay thời điểm đó nhận ra rằng nếu đem được giống cây này về Việt Nam trồng thành công sẽ vô cùng ý nghĩa, tạo được một hướng đi và phát triển mới cho cây công nghiệp lẫn nông dân. Vấn đề là phải có giống tốt, và phải tìm ra vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây phát triển", anh chia sẻ.

Hoàng Tùng đã có hơn 10 năm gắn bó với cây mắc ca ở vùng đất Tây Nguyên.

3 tạ hạt Tùng mua về đã được ươm thử, cây nẩy mầm, ra hoa rồi đậu quả ở những vườn trồng thử nghiệm tại Lạng Sơn vào năm 2004. Thời điểm này, Tùng về nước và nhận thấy rằng giống mắc ca có thể trồng ở miền Bắc.

"Chính trong thời gian đi làm tại Australia, rồi gặp cây mắc ca, tôi nhận thấy nếu có điều kiện thích hợp và có thể trồng, phát triển loại cây này tại Việt Nam, sẽ cho hiệu quả thu nhập cao hơn Australia. Lý do là ở Australia chi phí đầu vào về mọi mặt rất cao, trong khi đó Việt Nam thì ngược lại. Thương mại toàn cầu, giá bán sản phẩm từ cây mắc ca trên toàn thế giới lại như nhau, vậy thì bài toán giữa đầu vào và đầu ra dẫn đến số lãi thu được ở Việt Nam sẽ cao hơn hẳn", Tùng tính toán.

Năm 2005, nhận thấy dự án của Hoàng Tùng có tiềm năng lớn, Chương trình Hợp tác nông nghiệp Việt - Úc đã quyết định tài trợ 500.000 USD.

Bước đầu, Tùng bắt tay thành lập công ty và gây dựng vườn cây giống của mình tại Yên Thủy - Hòa Bình, với hướng đi chính là cung cấp cây giống ra thị trường. Thời gian này rất khó khăn, vì cây mắc ca hầu như không ai biết đến. Tùng phải tự ươm giống, tự tìm kiếm thị trường.

"Quá nhiều vất vả và khó để thành công ở giai đoạn đầu, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ cuộc để chuyển sang lĩnh vực khác dễ dàng hơn. Tôi đã xác định đây là cái nghiệp của mình", anh chia sẻ.

Sau một thời gian khảo nghiệm, nhận thấy việc trồng, phát triển mắc ca tại các tỉnh phía Bắc không có những điều kiện tốt về đất và khí hậu bằng khu vực Tây Nguyên, Tùng đã chuyển toàn bộ công ty, nhân công, cây giống vào Đắk Lắk, rồi dần mở rộng sang Lâm Đồng, Đắk Nông.

Thời gian đầu, anh phải phối hợp với các hội nông dân mở những lớp tập huấn do mình trực tiếp hướng dẫn kiến thức nhận biết thế nào là một cây giống mắc ca tốt, phù hợp với những điều kiện nào, cách chăm sóc để cây phát triển, ra hoa, đậu quả và thu hoạch ra sao... Qua quan sát, Tùng nhận thấy vào Tây Nguyên lập nghiệp phần nhiều là người dân ở khắp các địa phương trong cả nước. Khi đã rời quê hương vào miền đất nắng gió này, là họ dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận rủi ro, có những tư duy đột phá. Anh quyết định mạnh dạn bán chịu cây giống cho họ, và những người nông dân này luôn thanh toán tiền đầy đủ.

Mắc ca trồng ở Tây Nguyên chỉ sau 3-4 năm là có thể thu hồi vốn.

Nguyên tắc mà Tùng đưa ra là chỉ cung ứng những cây giống đã qua khảo nghiệm bài bản, được chọn từ những vườn đầu dòng tốt. Nếu có giống tốt, theo Tùng chỉ 3-4 năm là có thể thu hồi vốn. Mỗi ha đầu tư, qua 3-4 năm tổng chi phí tốn khoảng 60 triệu, và thu về ít nhất 90 triệu.

Hiện tại, công ty của Hoàng Tùng có 70ha vườn cây giống ở nhiều tỉnh tại khu vực Tây Nguyên. Doanh thu từ cung ứng cây giống trong 2 năm trở lại đây khoảng 6 đến 7 tỷ đồng mỗi năm. Tùng cho biết, doanh nghiệp hiện được định giá trên 70 tỷ đồng. Đã có những cá nhân, đơn vị muốn mua lại công ty, nhưng anh không bán, bởi đây là tâm huyết hơn 10 năm qua của mình. Tùng luôn có niềm tin mạnh mẽ, cây mắc ca sẽ là giống cây đem đến những lợi ích, giá trị to lớn để thúc đẩy kinh tế xã hội. Một cây mắc ca được trồng xuống, sau vài năm trổ hoa và đậu quả, sẽ cho lợi ích đến vài chục năm về sau. Một mảnh đất có cây mắc ca, giá trị sẽ tăng lên rất nhiều.

"Trong số 10 loại hạt tốt nhất thế giới hiện nay, sản lượng của hạt mắc ca chỉ chiếm 1,5%. Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Australia cho rằng cho dù diện tích mắc ca có tăng gấp 30 lần như hiện nay thì giá trị của hạt mắc ca không thay đổi, nó không thể thấp hơn các loại hạt khác", Tùng khẳng định.

Quang Thái (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • CEO Hoàng Tùng: Ông chủ Việt của món ăn quốc tế

    CEO Hoàng Tùng: Ông chủ Việt của món ăn quốc tế

    05/04/2018 8:53 AM

    Yêu thích văn học, từng sáng tác truyện ngắn và xuất bản truyện kiếm hiệp nhưng cơ duyên lại đưa Hoàng Tùng (chàng trai 8X) đến với ngành ẩm thực. Giờ đây, anh đã trở thành ông chủ của một chuỗi nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh có tiếng của Hà Nội.

  • 10 năm thử thách của Tùng 'Mắc ca'

    10 năm thử thách của Tùng 'Mắc ca'

    17/04/2015 8:46 AM

    Học công nghệ thông tin rồi quản trị kinh doanh tại Australia, chàng trai gốc Hà Nội lại quyết định gây dựng sự nghiệp với giống cây lạ lẫm với quê nhà.

  • Tham vọng thương hiệu Fastfood Việt tiêu chuẩn quốc tế

    Tham vọng thương hiệu Fastfood Việt tiêu chuẩn quốc tế

    18/10/2012 1:43 PM

    Pizza Home là một thương hiệu nhà hàng ăn nhanh mới mở ra tại Hà Nội nhưng đã được đông đảo các bạn trẻ văn phòng và giới học sinh sinh viên yêu thích. Báo Đầu Tư có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Tùng, Sáng lập viên và Quản lý trực tiếp của Pizza Home để tìm hiểu thêm về địa chỉ ẩm thực mới mẻ này…

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.