Biết nắm bắt cơ hội, tạo sự khác biệt trong chất lượng và định vị đối tượng khách hàng, đã giúp Hà Yến nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng về bếp công nghiệp hàng đầu trong nước cũng như khu vực. Để có được thành công đó, phải tính đến công đầu của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Anh.
Doanh nhân Nguyễn Thị Lan Anh (thứ 4 từ trái qua) và các đồng sự
“Chất lượng – an toàn và thẩm mỹ” – là triết lý mở đường cho sự thành công của một DN bếp công nghiệp – sản phẩm được coi là khá “xương xẩu” tại thị trường nội địa thời kỳ những năm 1994 cũng như có thể vươn xa được tầm quốc tế.
Tạo khác biệt bằng đường “ngách”
– Năm 1994, thời điểm mà ngành bếp công nghiệp của VN chưa được biết đến, vì sao bà liều lĩnh rời bỏ công việc nhà nước để khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực này?
Tôi quyết định rời bỏ sự ổn định giả tạo với đồng lương ít ỏi, để dấn thân vào nghiệp kinh doanh vào năm 1994, khi trong tay chỉ vỏn vẹn 40 triệu đồng tiết kiệm được sau những năm tháng lao động nghiên cứu ở nước ngoài. Không có kiến thức và kinh nghiệm về kinh doanh, về quản lý DN, không có thông tin và hiểu biết về thị trường, mong muốn ban đầu chỉ là tìm cách thoát nghèo, được làm việc một cách chủ động và có ích cho xã hội, chúng tôi gặp gì làm nấy, làm gì hỏng nấy. Trải qua hai năm đầu tìm kiếm ngành hàng kinh doanh chủ đạo chúng tôi đã phải trả giá cho những thất bại liên tiếp và nặng nề với gánh nợ bạn bè, người thân khoảng 2,5 tỷ đồng.
– Nói như vậy, là bà kinh doanh trong thế “mò mẫm”, được ăn, thua chịu?
Thiếu chiến lược, định hướng và tính khoa học trong quản lý điều hành là những gì mà tôi luôn “khắc cốt ghi tâm” mỗi khi nhớ lại thời kỳ khởi nghiệp. Tuy nhiên, vào cuối năm 1995, khi các DN nước ngoài ồ ạt đầu tư xây dựng khách sạn và nhà máy sản xuất tại VN, nhưng chưa có DN VN nào cung cấp thiết bị bếp công nghiệp. Nắm bắt cơ hội này tôi đã quyết tâm vay mượn tiền của bạn bè, người thân để sang các nước trong khu vực “tầm sư học đạo”, tìm kiếm khách hàng, xây dựng quan hệ với nhà sản xuất và đối tác liên kết nước ngoài với mục tiêu bán được hàng, xây dựng thị trường. Cuối năm 1997 tôi bắt đầu sản xuất thiết bị bếp công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu tại một gian nhà kho 200m2 thuê lại tại ngõ Thịnh Hào 1, phố Tôn Đức Thắng.
– Và điều này được minh chứng…?
Thật ra, thành công của Hà Yến ở thời điểm này mới chỉ là bước khởi đầu. Điều tâm đắc của tôi là Hà Yến đã thuyết phục được các nhà tư vấn và nhà thầu khó tính từ Nhật, Mỹ và Châu Âu khi đạt được các hợp đồng cung cấp cho các rất nhiều nhà máy tại VN của các Tập đoàn đa quốc gia như Honda, Ford, Yamaha… các Nhà hàng cao cấp (chuỗi nhà hàng cao cấp của tập đoàn Khải Silk…), chuỗi khách sạn của Sài Gòn Tourist, Nhà Khách quân đội… Và tăng trưởng trung bình hàng năm của Hà Yến luôn đạt ổn định trên 30%. Điều đặc biệt là Hà Yến đã thoát khỏi mô hình quản lý tập trung kiểu gia đình sang hình thái quản lý phân cấp phân quyền.
– Nhưng đến thời điểm hiện nay, sản phẩm bếp công nghiệp đang như “nấm sau mưa” với rất nhiều chủng loại, giá cả cạnh tranh, khác biệt của Hà Yến là gì?
Hà Yến định vị mình là hàng cao cấp và trung lưu, do đó, khách hàng của Hà Yến là những đối tượng luôn phải đặt: chất lượng, an toàn và thẩm mỹ lên hàng đầu, chứ không phải là giá cả.
Do đó, Hà Yến luôn tự đặt “barie” khắt khe cho chính mình. Đó là sản phẩm làm ra phải được thử nghiệm và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế mới được đưa ra thị trường. Rất nhiều sản phẩm có quá trình thử nghiệm, nghiên cứu dài bằng ngang bằng tuổi đời của Cty. Như sản phẩm bếp gas công nghiệp là một ví dụ, được chúng tôi ấp ủ và thai nghén từ những ngày đầu mới thành lập, song để có được sản phẩm bếp gas đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và thẩm mỹ quốc tế ra thị trường và được đón nhận như ngày nay là cả một quá trình thử nghiệm bền bỉ. Chính những điều tưởng đơn giản đó đã tạo nên sự khác biệt và tạo nên thương hiệu riêng Hà Yến.
– Tuy nhiên, trong cạnh tranh giá cả vẫn là yếu tố rất quan trọng, thưa bà?
Đúng vậy! Tuy nhiên, như tôi nói lúc trước, đối tượng mà Hà Yến hướng tới là tầng lớp cao cấp và trung lưu. Trong khi đó, xét về mặt bằng chung của những sản phẩm cùng đẳng cấp với Hà Yến thì chúng tôi không cao hơn họ. Hơn nữa, khi định vị mình ở vị trí nào đó, thì Hà Yến biết rằng, giá cả không phải là yếu tố giúp Hà Yến định vị mình trên thị trường.
Công nghệ là “chìa khóa”
– Nhưng, để có được sự khác biệt đó, theo bà đâu là khâu then chốt?
Ngoài tiêu chí tạo sản phẩm đáp ứng các nhu cầu xã hội tiêu dùng, thì việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới vào sản xuất thiết bị bếp công nghiệp tiết kiệm năng lượng và an toàn mang tính sống còn của DN, là chìa khóa giúp DN bắt kịp hội nhập. Sớm nhận thức được vai trò quan trọng của việc nghiên cứu, Hà Yến đã có chiến lược phát triển bộ phận nghiên cứu chế tạo sản phẩm từ rất sớm, không ngừng đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, dịch vụ tư vấn tốt nhất, để làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Cty còn đầu tư các trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất và kiểm nghiệm hiện đại đảm bảo tốt quá trình đưa ra sản phẩm từ khâu nghiên cứu, sản xuất, kiểm soát trước khi đưa đến tay khách hàng. Đặc biệt, Cty gắn chiến lược phát triển với chiến lược hiện đại hoá dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, thiết kế mẫu mã cũng là một khâu quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm mới của Cty…
– Nhưng theo tôi, điều đó chưa đủ để tạo nên đột phá?
Tôi luôn tâm niệm, để đạt được thành công cần có sự kiên định trong nghiên cứu và cần sự trung thực đối với khách hàng.
Tôi vẫn thường nghĩ rằng, để có được thành công của một DN, ngoài chiến lược sản xuất, kinh doanh thì yếu tố con người cũng là một đóng góp vô cùng quan trọng. Do đó, từ quá trình tuyển chọn, đào tạo đến đãi ngộ đối với cán bộ công nhân viên cùa Cty luôn được Hà Yến chú trọng.
Các thành viên trong Cty từ người công nhân đến cán bộ kỹ thuật cũng như đội ngũ quản lý nỗ lực không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, tự hoàn thiện mình để theo kịp với tốc độ phát triển kỹ thuật công nghệ của ngành, cũng như của đất nước. Hà Yến đã liên tục cử cán bộ quản lý đi học tập và nghiên cứu về công nghệ sản xuất các sản phẩm gia dụng công nghiệp của nước ngoài như Nhật hay Úc, Singapore để có thêm kiến thức phục vụ cho quá trình áp dụng sản xuất…
Việc phân tích, xác định được chính sách sản phẩm đúng đắn sẽ giúp cho DN có khả năng định hướng phát triển các sản phẩm mới, các thị trường mới. Mỗi sản phẩm Cty đưa ra thị trường chứa đựng trong đó không biết bao nhiêu công sức, sự tâm huyết, đam mê, tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu… thậm chí cả thất bại mới có được sản phẩm chất lượng đượcngười tiêu dùngtin dùng. Vì vậy, trong khi nhiều DN phải thu nhỏ hoặc đóng cửa thì Hà Yến tiến vững chắc vào thị trường khách sạn 5 sao với các dự án tiêu biểu InterContinental Đà Nẵng, Novotel Sài Gòn, Crown Nha Trang… đồng thời trở thành Nhà cung cấp thường xuyên của 1 số khách hàng Nhật, Úc, Singapore, đối tác chiến lược của Comet Kato của Nhật Bản (có 92 năm kinh nghiệm sản xuất thiết bị Bếp công nghiệp)…
– Thưa bà, nhìn lại chặng đường 20 năm thành lập, trong những yếu tố quyết định thành công của Hà Yến, đâu là điều mà bà cảm thấy tự tin và tâm đắc nhất?
Gần 20 năm trước, khi nắm bắt cơ hội kinh doanh trên thị trường, dù chưa hiểu nhưng vô tình Hà Yến đã trở thành người xây dựng nền móng nghề bếp công nghiệp tại VN. Sự vô tình đó, cũng khiến tôi có một chút niềm tự hào nho nhỏ. Tuy nhiên, tôi cũng ý thức được rằng, sứ mệnh tiên phong của mình, không chỉ phát triển DN mình, duy trì vị thế tiên phong và vị trí số một ở VN, với tầm nhìn trở thành DN cung ứng các giải pháp về thiết bị bếp công nghiệp hàng đầu trong khu vực. Tôi luôn tâm niệm, để đạt được thành công cần có sự kiên định trong nghiên cứu và cần sự trung thực đối với khách hàng. Mình phải đưa ra sản phẩm có chất lượng tốt để khách hàng chấp nhận, hài lòng khi sử dụng. Đó là nền tảng lâu dài và vững chắc nhất của một DN.
– Xin cảm ơn bà!
Mai Thanh (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.