Không hẳn sẽ tạo ngay những thay đổi đột phá, song chuyến thăm của cựu Thủ tướng Anh mới đây được xem như cú hích cho quá trình cải cách kinh tế Việt Nam vốn đang gặp nhiều điểm nghẽn.

Sau một thập kỷ giữ trọng trách ở số 10 phố Downing (London), kể từ năm 2007, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair được biết đến nhiều hơn với tư cách một diễn giả nổi tiếng. Đi khắp thế giới với những quan điểm độc đáo về thể chế và kinh tế, mỗi địa điểm chuyên gia này đặt chân tới đều gây chú ý. Bởi vậy, việc ông ghé thăm Việt Nam tới 4 lần trong hơn 2 năm (lần gần nhất vào cuối tháng 7 này) được giới truyền thông và các chuyên gia quan tâm.

"Việt Nam thường mời những nhà nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đến chia sẻ kinh nghiệm, còn việc chuyên gia từng là lãnh đạo các nền kinh tế phát triển đến trao đổi kinh nghiệm không phải là nhiều. Do vậy, chuyến thăm của ông Tony Blair khiến nhiều người tò mò", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Ông Tony Blair đã 4 lần đến Việt Nam trong hơn hai năm qua. Ảnh: Tonyblairoffice

Ngay tại buổi tiếp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, câu hỏi về lý do chọn Việt Nam làm điểm đến được đặt trực tiếp tới ông Tony Blair. Lý giải về điều này, cựu Thủ tướng Anh cho biết việc Việt Nam đặt cải cách kinh tế làm mục tiêu hàng đầu đã thu hút sự chú ý của ông nhiều năm qua.

"Cải cách kinh tế của Việt Nam đã tới ngưỡng, cần một động lực mới để phát triển. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cam kết và có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện cải cách nên hai bên sẽ có nhiều kiến thức, kinh nghiệm để trao đổi", câu trả lời của ông Blair được nhiều đại biểu trong khán phóng hôm đó ghi nhớ.

Cựu Thủ tướng Anh cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển mô hình đối tác công - tư (PPP), phát triển giáo dục - đào tạo…

Khi còn đương nhiệm, ông Tony Blair đã có nhiều quyết định táo bạo trong cải cách kinh tế Anh và sau đó tư vấn cho chính phủ nhiều nước về quá trình tái cơ cấu.

"Ông Tony Blair không chỉ ảnh hưởng tới những nhà làm chính sách ở Anh, châu Âu mà còn có kinh nghiệm trong quá trình cải cách và hỗ trợ các nước. Với những người như vậy, tri thức của họ vô cùng quý giá. Việt Nam đang chờ đợi những cải cách ở tầm vĩ mô và chỉ có những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ mới có thể hiểu sâu sắc", bà Lan nhấn mạnh.

Đầu tháng 7, trong lần thăm Việt Nam đầu tiên của mình, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Jong Kim tuyên bố giúp Việt Nam nghiên cứu về những giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách và tăng trưởng kinh tế. "Nếu tiến hành cải cách quyết liệt ngành tài chính và các doanh nghiệp nhà nước, tạo ra một mức độ minh bạch và trách nhiệm cao hơn thì Việt Nam sẽ có thể quay trở lại con đường tăng trưởng nhanh", ông Kim nói.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton mới đây cũng có chuyến thăm thứ ba tới Việt Nam. Ông là người đã quyết định dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995. Cuộc gặp gỡ với nhân vật từng là ông chủ của Nhà Trắng mang ý nghĩa giúp mối quan hệ hai nước thắt chặt hơn và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.

"Tiếng nói chung của những người từng là lãnh đạo các nền kinh tế lớn đều thể hiện mong muốn Việt Nam cải cách thành công và phát triển mạnh hơn", bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tái cơ cấu được nhận định là yêu cầu tất yếu và cần thiết để kinh tế Việt Nam có thể thoát đáy, tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, sau khi phê duyệt đề án tái cơ cấu kinh tế đến nay, dù đã đặt rất nhiều tham vọng nhưng quá trình diễn ra chậm chạp, chưa thu được nhiều kết quả.

"Người nước ngoài đã nhìn thấy thực trạng của Việt Nam. Tuy nhiên, để vượt qua nút thắt phải có đột phá", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế đánh giá. Theo ông , việc ông Tony Blair đến Việt Nam và hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế sẽ là động thái tích cực cho sự chuyển biến thời gian tới.

Không chỉ ở tầm cải cách vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch địa phương cũng nhận được sự quan tâm của nhiều công ty tư vấn quốc tế. Tại Quảng Ninh, ít nhất đã có 5 đơn vị tư vấn ngoại làm việc trên địa bàn như Mc Kensey tư vấn quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, liên danh Perkins Will (Mỹ) với Aurecon (Australia) tư vấn lập quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh Quảng Ninh, Nikken Sekkei (Nhật Bản) làm tư vấn quy hoạch về đô thị và hạ tầng, Nippon Koei làm tư vấn quy hoạch bảo vệ môi trường.

Với Ninh Thuận, hãng tư vấn Monitor (Mỹ) và Arup (Anh) cũng ghi dấu ấn khi giúp tỉnh leo tăng gần ba chục bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh.

"Các chuyên gia nước ngoài có kiến thức, phương pháp đánh giá ưu việt. Những ý kiến tư vấn của họ sẽ giúp ích lớn cho Việt Nam xây dựng chiến lược, quy hoạch", tiến sĩ Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá. Không chỉ vậy, theo bà Phạm Chi Lan, những người nước ngoài thường "nói thật làm thật" và không bị chi phối bởi những lợi ích chính trị.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là Việt Nam phải tự cố gắng vươn lên. "Nếu Việt Nam không tự cố gắng, quyết tâm mạnh mẽ thì có bao nhiêu lời khuyên cũng không mang lại kết quả gì", vị đại diện đến từ VCCI cho biết.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là đến năm 2015, khi cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành và Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán các hiệp định lớn như TPP, FTA-EU, cải cách kinh tế phải được đẩy nhanh và làm thực chất. "Việt Nam phải tự cứu mình. Chúng ta không thể kêu gọi đầu tư nếu không chuẩn bị trước những điều kiện cho họ", bà Lan nhấn mạnh.

Phương Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.