Sau hơn 5 năm phải làm thí điểm, doanh nghiệp sẽ chính thức được cấp phép cung cấp dịch vụ ví điện tử từ tháng 3/2015.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, ví điện tử sẽ chính thức được công nhận là một dịch vụ hỗ trợ thanh toán, bên cạnh các loại hình khác như thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử.

Các tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm làm ví điện tử từ ngày 1/3/2015 có thể hoàn thiện thủ tục và gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép để Ngân hàng Nhà nước xem xét. Đến tháng 12/2015, các giấy phép cho phép làm thí điểm dịch vụ ví điện tử sẽ không còn hiệu lực.

vi-dien-tu-7333-1418285192.jpg

Ví điện tử sẽ được cấp phép chính thức từ 1/3/2015.

Ra đời tại Việt Nam từ năm 2008 trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử cần gấp những công cụ thanh toán phù hợp, tuy nhiên, cả 9 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép làm dịch vụ này đều chỉ dưới hình thức thí điểm do chưa có hành lang pháp lý cụ thể. Đại diện Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nhận định việc ban hành Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán sẽ là cơ sở cho dịch vụ ví điện tử phát triển kỳ, sau nhiều năm phải làm thí điểm.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu doanh nghiệp ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để hạn chế rủi ro, hoàn trả tiền cho khách hàng khi phát sinh sự cố hoặc nhận được yêu cầu. Số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử của khách hàng tại cùng một thời điểm.

Doanh nghiệp ví điện tử cũng không được phép phát hành quá 1 ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng, không được cấp tín dụng cho khách hàng, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát tổng số tiền của khách hàng trên các ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán. Việc nạp, rút tiền ra khỏi ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2013, cả nước có trên 1,84 triệu ví điện tử, tổng lượng giao dịch trong năm đạt 23.350 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD). So với quy mô của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, con số này còn khiêm tốn. Chỉ tính riêng thị trường thẻ, đến năm 2013 cả nước đã có hơn 66 triệu chiếc, tổng doanh số giao dịch nội địa lên tới 1,1 triệu tỷ đồng (52 tỷ USD).

Ví điện tử là một ví tiền ảo được tạo trên điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác như máy tính, chịp điện tử, có chức năng dùng để thanh toán thay thế tiền mặt. Với dịch vụ này, người dùng không cần mang theo những chiếc ví truyền thống, các loại thẻ mà chỉ cần đến thiết bị di động cũng có thể nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa dơn, mua hàng trực tuyến...

Chẳng hạn, với một website bán hàng online đã tích hợp sẵn chức năng thanh toán qua ví điện tử, người mua sau khi chọn được món hàng chỉ cần nhập lệnh, chọn loại tài khoản cần thanh toán có sẵn trong các “ngăn” ví điện tử rồi nhấn nút là đã xong bước trả tiền và ngồi chờ người giao hàng. Nhà cung cấp cũng biết ngay được tiền đã được người mua chuyển sang “ví” của mình và được các ngân hàng đảm bảo.

Phương Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.