Dù quần đảo Trường Sa cách xa bờ biển Hải Nam của TQ, nhưng TQ đang toan tính thiết lập chủ quyền về phạm vi pháp lý 200 hải lý tính từ một đảo họ tự dựng lên hoặc có quyền kiểm soát ở Biển Đông.

Chuyên gia lo ngại, nếu không có chủ quyền, TQ sẽ xây dựng đảo để có vùng đặc quyền tính theo quy định của UNCLOS. Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez tin rằng, việc hoàn thành một căn cứ quân sự TQ ở gần đảo Gạc Ma (Philippines gọi là bãi Mabini) ở Biển Đông có thể thay đổi cục diện không chỉ với Philippines mà còn với toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hình ảnh bãi Gạc Ma bị TQ thay đổi hiện trạng từ 25/2-11/3/2014. Ảnh : Phil Star

Ông Golez nói rằng, TQ có thể đủ khả năng xây dựng một hòn đảo nhân tạo gần Bãi Chữ thập với căn cứ quân sự rộng 5km tại đây. Trang tin trực tuyến Qianzhan của TQ trước đó ước tính, căn cứ này mất khoảng 5 tỉ USD xây dựng.

Chuyên gia này cho hay, TQ luôn theo một khuôn mẫu: đầu tiên xây dựng cơ sở ẩn trú tạm thời cho ngư dân ở các vùng tranh chấp, trước khi cải tạo chúng thành những công trình bê tông và tiền đồn vững chắc như từng làm với bãi đá Vành khăn (Mischief).

Đảo Gạc Ma, Bãi Chữ Thập - Fiery Cross Reef - đều thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị TQ chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988. Bãi đá Mischief - tức bãi đá Vành Khăn - ở quần đảo Trường Sa của VN.

"Có lẽ là một đường băng dài với những cơ sở hỗ trợ, một bến cảng cho tàu trú ngụ. Nó có thể tiếp tế cho tàu khu trục. Nhưng điều đe dọa nhất là với đường băng, giờ đây, họ có thể đưa máy bay chiến đấu tới đó. Tôi đang nghĩ về loại máy bay chiến đấu J-11 với tầm vào khoảng 3.200km”, ông Golez nói.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines nhấn mạnh, nếu căn cứ quân sự hoàn thành, máy bay TQ có thể dễ dàng tiếp cận Philippines, Việt Nam và các phần của Malaysia trong vòng bán kính 1.600km tính từ căn cứ này.

"Bãi Mabini là điểm ở giữa. Một khi TQ hoàn thành căn cứ, nó sẽ đe dọa các cơ sở kinh tế, quân sự sống còn của chúng tôi. Trong vòng 2,3 năm nữa, nó sẽ giống như một con tàu sân bay không bao giờ chìm”, ông nói. Theo cố vấn Golez, động thái của TQ có thể được coi là cách củng cố quyền lực của Bắc Kinh tại Biển Đông và “biến biển thành hồ" của TQ.

"Họ thực sự muốn củng cố tuyên bố chủ quyền của họ, thứ tuyên bố mà họ gọi là đường 9 đoạn. Họ muốn thay đổi cân bằng quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương bởi cường quốc chiếm ưu thế hiện nay vẫn là Mỹ”, ông nói.

Thay đổi thực tế

Trong khi đó, GS Richard Javad Heydarian, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Ateneo De Manila (ADMU) nhận định, động thái xây dựng mới đây của TQ ở Biển Đông không phải là bất ngờ.

"Cuối năm 2012, TQ đã lập cái gọi là TP Tam Sa để quản lý hầu hết Biển Đông … Đây là một phần của kế hoạch TQ đặt ra từ rất sớm. TQ rất nhạy cảm với sự cân bằng quyền lực. Một khi sức mạnh ấy bị thu hẹp, TQ trở nên quả quyết hơn”, ông phân tích.

Nhưng xét khía cạnh pháp lý trong động thái TQ xây dựng các cơ sở và lập đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp, GS Heydarian cho rằng, vì sự chồng lấn trong tuyên bố chủ quyền mà TQ sẽ phải đối mặt với quan điểm pháp lý.

Và những gì TQ đang làm là xây dựng các công trình, dự án để tư tạo lập một vùng đặc quyền kinh tế, rồi đưa ra lý lẽ pháp lý để duy trì tuyên bố chủ quyền.

“Họ cơ bản đang thay đổi thực tế. Mặc dù quần đảo Trường Sa cách xa bờ biển Hải Nam của TQ, nhưng TQ đang toan tính một phạm vi 200 hải lý của các tính năng khác mà họ kiểm soát tại Biển Đông. Nếu TQ thiết lập chủ quyền hiệu quả theo cách này, họ có thể đưa ra quan điểm pháp lý rằng họ thực sự đang là chủ sở hữu”, Heydarian nhấn mạnh.

GS Heydarian cho rằng một lý do khác cho sự gây hấn của TQ ở Biển Đông là an ninh năng lượng. TQ gần đây nhập khẩu rất nhiều hydrocarbon từ Trung Đông và năng lượng được vận chuyển tới TQ qua rất nhiều “huyết mạch” hoặc các quốc gia “đồng cảm” hay là đồng minh của Mỹ.

Ông phân tích, trong tình huống xảy ra xung đột giữa TQ và Mỹ hoặc Nhật Bản, các nước này có thể “đóng cửa các huyết mạch và làm ảnh hưởng tới nền kinh tế TQ".

Để đối phó điều này, TQ đang tạo ra “chuỗi hạt trai” – đầu tiên là xây dựng nhiều căn cứ, sau đó mua cổ phần tại các cảng tư nhân ở Singapore, Trung Đông, Hy Lạp, Bỉ và kênh đào Panama”.

Còn cố vấn Golez nhấn mạnh, theo UNCLOS 1982, không thể thay đổi một tính năng như bãi cạn, vỉa đá ngầm thành một hòn đảo chỉ vì nó có khả năng xây dựng.

“Nói một cách khác, bạn sẽ có một cuộc cạnh tranh lớn ở đây, cạnh tranh xây dựng" – theo Golez.

Ông cũng bày tỏ quan ngại rằng, TQ có thể thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, đặc biệt là ở các khu vực TQ có công trình xây dựng.

Kiểu đối ngoại gây hấn của TQ, theo cố vấn an ninh Philippines, là tạo ra một liên minh các quốc gia cáo buộc mạnh mẽ các động thái của TQ nhằm kiểm soát lãnh thổ tranh chấp.

Thái An (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.