Sacombank phát triển gắn liền với tên tuổi và gia đình ông Đặng Văn Thành. Sau bao nhiêu nỗ lực để xây dựng nên Sacombank thuộc hàng top các ngân hàng cổ phần Việt Nam, bây giờ ông Thành đang phải vất vả chống lại nguy cơ thâu tóm khiến ông mất đi vị trí làm chủ Sacombank.

20 năm cho vị thế hàng đầu


Chính thức được thành lập và đi vào hoạt động vào ngày 21/12/1991, Sacombank xuất phát điểm là một ngân hàng nhỏ, ra đời trong giai đoạn khó khăn của đất nước với số vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng và hoạt động chủ yếu tại vùng ven TP.HCM.


Cho tới thời điểm hiện tại, với tổng tài sản hiện có là 160.000 tỉ đồng, hơn 10.000 nhân viên, 400 chi nhánh, phòng giao dịch ở ba nước Đông Dương, 1 triệu khách hàng và tới 80% các điểm giao dịch là bất động sản thuộc sở hữu riêng, Sacombank thực sự là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.


Một trong những điểm nổi bật của Sacombank là chiến lược hướng tới cho vay bán lẻ với tính bền vững, ổn định, lâu dài được đặt lên hàng đầu và một ông chủ rất tâm huyết ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Sacombank.


Trước đó, ông Thành đã có một thời gian kinh doanh trong lĩnh vực phân phối đường cát tại miền Nam với Công ty Thành Thành Công chuyên kinh doanh phân phối đường cát, mật rỉ, thực phẩm công nghệ, sản xuất kinh doanh cồn... Đây là một doanh nghiệp làm ăn khá thành công và giúp gia đình ông lọt vào tốp những người giàu nhất Việt Nam.


Thôn tính Sacombank: Gia đình ông Thành khó đỡ?

Sau đó, ông đã giao công ty cho vợ quản lý và chuyển sang lĩnh vực tài chính tín dụng với việc xây dựng Ngân hàng Sacombank.


Ngay từ năm 2000, ông Thành cho biết đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2015 với mục tiêu đưa Sacombank trở thành ngân hàng hàng đầu của Việt Nam và có tiếng nói trong khu vực.


Quan điểm này đã được thể hiện rất rõ trong suốt 20 năm qua và đặc biệt từ khi Sacombank thông qua dự án trở thành tập đoàn tài chính tư nhân hàng đầu tại Việt Nam và vươn ra khu vực hồi tháng 5/2008.


Đến năm 2009, các nhà đầu tư đã chứng kiến Sacombank tạo dựng được chỗ đứng của mình trong khu vực bằng việc mở chi nhánh ở Campuchia, Lào. Không dừng lại ở đó, Sacombank còn tính bước thêm một bước tiến mới đó là nâng cấp các chi nhánh tại Lào, Campuchia thành các ngân hàng con.


Việc mở chi nhánh tại 2 thị trường này để làm tiền đề giao thương cho các doanh nghiệp ở 3 nước Đông Dương. Về chiến lược dài hơi, theo ông Thành, 2 thị trường này sẽ phát triển. Điều quan trọng nhất đối với người làm kinh doanh là tạo cho mình vị thế người đi đầu.


Trường kỳ mua gom


Với động thái mới nhất, một nhóm cổ đông bao gồm cả Eximbank đã công khai âm mưu thôn tính. Tuy nhiên, phi vụ này dường như đã được khởi động và thực hiện từ trước.


Đầu tháng 7/2011, trên TTCK xuất hiện nhiều tin đồn về Sacombank sẽ bị thâu tóm. Giới tài chính khi đó kháo nhau câu chuyện có một "đại giađang dòm ngó STB nên đã âm thầm gom cổ phiếu trong thời gian gần đây.


Thống kê từ phiên 27/06/2011 đến 08/07/2011 đã có tổng cộng trên 26.34 triệu cổ phiếu STB được giao dịch thỏa thuận (với hơn 4 triệu cổ phiếu mỗi phiên nhưng đều ở giá sàn). Theo dõi giao dịch cuối phiên ngày 08/07/2011 có thể thấy vẫn còn đến 4 triệu cổ phiếu STB được chào mua thỏa thuận nhưng lại không có người bán.


Trên thực tế, việc mua gom đã bắt đầu từ tháng 4/2010 khi giá cổ phiếu STB rớt xuống 22.000 đồng. Cho đến thời điểm đầu tháng 7/2011, sau 15 tháng, việc bỏ vốn vào Sacombank của nhóm vẫn được tiếp tục. Giá càng xuống, họ càng mua mạnh.


Động thái mua bền bỉ lộ diện sau khi STB giảm xuống mức đáy (11.600 đồng/cổ phiếu) của 52 tuần. Cả tháng sau đó trên sàn TP.HCM, giá Sacombank gần như giẫm chân tại chỗ quanh mốc 12.000 đồng/cổ phiếu. Khá nhiều ngày, những lệnh bán lớn khoảng 500.000 - 1 triệu cổ phiếu bất chợt được đưa vào ở mức giá trên và chỉ vài phút sau lại được huỷ.


Kế tiếp từ đầu tháng 7/2011, những giao dịch thoả thuận STB lô lớn 4 - 4,5 triệu cổ phiếu/ngày được tiến hành. Và một số nguồn tin khi đó khẳng định nhóm nhà đầu tư trường kỳ kể trên có khả năng đã có trong tay tỷ lệ khoảng 17 - 18% cổ phiếu Sacombank. Giá trị sổ sách của Sacombank khi đó là 16.100 đồng/cổ phiếu trong khi giá giao dịch trên sàn 13.500 đồng/cổ phiếu (giá ngày 14/7/2011).


Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn và nguy cơ thâu tóm dần hiện hữu khi một loạt các cổ đông lớn của Sacombank đăng ký bán cổ phiếu.


Đầu tiên phải kể đến là Dragon Capital - cổ đông chiến lược nước ngoài tại Sacombank, từ đầu tháng 8 bắt bán toàn bộ hơn 61 triệu cổ phiếu STB (tương ứng 6,66%) mà tổ chức này nắm giữ. Ông Chang Hen Jui, chồng bà Huỳnh Quế Hà - phó chủ tịch thứ nhất HĐQT Sacombank, đã mua vào hơn 30,672 triệu cổ phiếu STB do Dragon Capital bán ra theo phương thức thỏa thuận.


Sau đó vài tháng, ngày 6/1/2012, Công ty CP Cơ điện lạnh REE (REE) bán toàn bộ hơn 42 triệu cổ phiếu STB, tương đương 3,92% vốn cổ phần của Sacombank.


Ngày 9/1, Ngân hàng Australia and New Zealand Banking Group Limited (ANZ) - cổ đông nước ngoài lớn nhất của Sacombank - đăng ký bán toàn bộ hơn 103 triệu cổ phiếu STB, tương đương 9,61% cổ phần của Sacombank. Người nhận chuyển nhượng là Eximbank, tỉ lệ nắm giữ sau giao dịch này là 9,73% vốn cổ phần của Sacombank.


Đây là những động thái đã được giới đầu tư dự báo từ trước cho dù ông Thành trước đó "bật mí" cả REE và Dragon Capital đều không có ý định thoái vốn khỏi Sacombank vào thời điểm này.


Trước những tin đồn hồi tháng 7/2011, ông Thành cho rằng trường hợp có cá nhân nào thu gom cổ phiếu và giữ vị trí trong HĐQT của Sacombank thì cũng chỉ giữ một lá phiếu. Không những vậy, hoạt động của HĐQT còn chịu sự giám sát của cổ đông sáng lập. Mặc dù vậy, trên thực tế quá trình tự vệ trước nguy cơ thâu tóm đã diễn ra rất mãnh liệt và tất nhiên, ông Thành buộc phải có những bước đi tự vệ.


Vất vả chống đỡ


Ngay trong tháng 7/2011, giới đầu tư đã xôn xao câu chuyện người nhà ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT của STB đăng ký bán thỏa thuận hết 14.84 triệu cổ phiếu đang sở hữu, tương ứng 1.62% vốn điều lệ. Đối tác đăng ký mua công khai là công ty Thành Thành Công. Những cổ đông của Sacombank, rõ ràng, không thể không đặt câu hỏi về lý do bán tại thời điểm nhạy cảm hiện nay.


Khi đó, ông Thành cho biết: "Trước đây gia đình tôi đầu tư STB, nay chuyển nhượng cho Thành Thành Công, cùng trong một group (nhóm công ty). Chúng tôi không bán ra bên ngoài". Sau khi nhận chuyển nhượng Thành Thành Công sẽ nắm giữ hơn 20 triệu cổ phiếu STB.


Việc này, giới đầu tư thạo tin cho rằng: một động tác phòng thủ trước áp lực bị thâu tóm, chứ không phải là bán cổ phiếu để đè giá, nhằm mua lại với mức giá rẻ hơn.


Ông Đặng Văn Thành khi đó cũng thẳng thắn cho biết việc ba người phụ nữ nhà họ Đặng bán ra cổ phiếu thực chất là để chuyển cổ phần STB từ sở hữu cá nhân về sở hữu của pháp nhân là CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công. Hiện Chủ tịch HĐQT của Thành Thành Công, bà Huỳnh Bích Ngọc, là vợ của ông Thành.


Điều này phù hợp với thông tin công bố vào cuối tháng 5 về việc Thành Thành Công đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu STB từ ngày 01/06 đến ngày 01/08 để tăng tỷ lệ sở hữu từ 0.46% lên 2.1%, tương ứng 19,248,879 cổ phiếu.


Như vậy, có thể thấy chính "kế hoạch" thâu tóm quyết liệt đã buộc những người thân của ông Thành phải bán cổ phiếu, nhưng thực chất là tập trung cổ phần về ông Đặng Văn Thành để phòng thủ và nhằm giữ ghế Chủ tịch.


Mặc dù vậy, trong thời điểm giữa năm 2011, ông Thành vẫn cho biết: "Chúng tôi không có thông tin ai đang mua cổ phiếu Sacombank, nhưng quan điểm của ngân hàng là chuẩn mực - minh bạch - chào đón". Ông nhấn mạnh Sacombank là ngân hàng đại chúng, có tới 74.132 cổ đông (tính đến ngày 17.1.2011) và tất cả các nhà đầu tư bỏ vốn vào STB đều được chào đón nếu họ cùng góp sức hợp tác, phát triển.


Cũng trong thời điểm đó, ông Đặng Văn Thành tiếp tục không khẳng định việc có người đang âm thầm thâu tóm STB. Ông cho rằng nếu có nhà đầu tư mua vào và nắm giữ khối lượng lớn cổ phần thì chứng tỏ họ tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của STB, chứ không nhằm mục đích thôn tính và "thay máu" như những lời đồn đại.


Khi đó, ông Thành cho biết, Đại hội đồng cổ đông đã bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới đến 2015; nên sẽ không có khả năng thay đổi cơ cấu lãnh đạo trong nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, ngoài việc "đối vốn", HĐQT còn bị ràng buộc bởi quy định "đối nhân", tức mỗi thành viên chỉ nắm giữ một lá phiếu trong các quyết định của HĐQT. "Vì vậy, trường hợp có cá nhân nào thu gom cổ phiếu và giữ vị trí trong HĐQT thì cũng chỉ giữ một lá phiếu mà thôi. Không những vậy, hoạt động của HĐQT còn chịu sự giám sát của cổ đông sáng lập".


Nhưng cho đến nay, cho thấy nhiều dự đoán của ông Thành đã không như dự kiến nhất là khi nhóm cổ đông kia thể hiện sự quyết liệt trong thâu tóm.


Thực tế, trước đó, cho dù tỏ ra khá chắc chắn về khả năng ANZ (nắm giữ 103 triệu cổ phiếu, tương đương 9,61%) và REE (3,92%) là đối tác lâu dài và chưa thoái vốn khi đó, nhưng việc Dragon Capital thoái vốn hồi tháng 8/2011 đã khiến Sacombank thực sự lo lắng. Và bây giờ là yêu cầu bầu lại hội đồng quản trị quả là một đòn quá nặng.


Quyết định mua lại 100 triệu cổ phiếu STB để làm cổ phiếu quỹ từ 15/11/2011 được xem là động thái tự vệ của ngân hàng này trước nguy cơ bị thâu tóm ngày càng lộ diện. Mặc dù vào thời điểm đó để mua lại được 100 triệu cổ phiếu là rất khó khăn vì quy mô quá lớn nhưng cuối cùng STB cũng đã mua xong trong khoảng thời gian từ 16/11/2011 đến 03/01/2012. Đợt mua lại này đã giúp cổ phiếu STB tăng giá 21%.


Nhưng việc mua lại lần này dường như không ngăn được ý đồ thâu tóm khi mà chiều 21/2/2012, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có những phản hồi sau yêu cầu của Eximbank bầu lại toàn bộ HĐQT của Sacombank.


Theo đó, ông Dũng khẳng định trong không có chuyện muốn "hù dọa" hay "phát pháo" gì cả mà chúng tôi làm đúng trách nhiệm người đứng đầu ngân hàng được ủy quyền nắm giữ cổ phần lớn tại Sacombank.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.