Cập nhật 03/12/2019 4:39 PM
Tập đoàn Vingroup và Masan vừa có "cú bắt tay" được giới tài chính đánh giá là thương vụ M&A lớn nhất năm nay...

Theo đó, thông tin công bố từ Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan cho biết đã đạt thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần tại VinCommerce và VinEco với Công ty Hàng tiêu dùng Masan. Hiện hai bên tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.

Vingroup chuyển nhượng Vincommerce và VinEco cho Tập đoàn Masan

Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần sở hữu trong VinCommerce và VinEco thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Tại công ty mới, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động và Vingroup giữ vai trò là cổ đông.

Đại diện tập đoàn Vingroup cho biết, đây không phải thương vụ M&A, bán mình mà là hợp lực. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi cổ phần tại 2 công ty này với Masan. Tỷ lệ hoán đổi và giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ.

Trao đổi trên Zing, ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup xác nhận thông tin về thương vụ bom tấn và cho biết, đây là câu chuyện “chọn mặt gửi vàng”.

"Trước hết, phải khẳng định là ngay từ đầu chúng tôi đã quyết chí chỉ chọn doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước. Yếu tố quan trọng thứ hai là doanh nghiệp được chọn phải có năng lực và nền tảng tốt để tiếp quản và phát triển VinCommerce và VinEco lên một tầm cao mới", ông Quang thông tin.

Trong thư gửi nhân viên phát đi sáng nay, Vingroup cũng tiết lộ sau khi hoán đổi cổ phần, tỷ lệ sở hữu của tập đoàn trong công ty mới không còn nhiều, do đó quyết định chuyển giao toàn bộ Công ty VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và Công ty VinEco sang cho Tập đoàn Masan.

Trong thư, Lãnh đạo Vingroup cũng chia sẻ muốn dồn toàn tâm thương vụ này cho lĩnh vực công nghiệp và công nghệ với hai thương hiệu chủ lực là VinFast và VinSmart.

Như vậy, công ty mới sẽ thuộc quyền chi phối của Masan với mạng lưới 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Với thương vụ "bom tấn", Masan cho biết sau khi tiếp quản mảng bán lẻ từ Vingroup, tập đoàn sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi từ Vingroup. Toàn bộ nhân viên của VinMart và VinMart+ cũng sẽ tiếp tục các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Sau thương vụ, Masan sẽ tập trung làm bán lẻ, và Vingroup tập trung làm ôtô - điện thoại…

Công ty VinCommerce hiện có vốn điều lệ 6.436 tỷ đồng, là chủ sở hữu, vận hành chuỗi Vinmart và Vinmart+. Trong khi VinEco có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, là công ty nông nghiệp áp dụng công nghệ của Vingroup.

Trước đó, nhóm các quỹ đầu tư nước ngoài, đứng đầu là Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đã rót 500 triệu USD để sở hữu 16% vốn Công ty VCM hồi tháng 9.

Trong khi đó Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan có vốn điều lệ gần 7.300 tỷ đồng và được mệnh danh là "ông vua" hàng tiêu dùng tại Việt Nam với nhiều sản phẩm gồm mì ăn liền, nước mắm, nước tương, tương ớt, nước khoáng, cà phê, bia…

Thương vụ giữa hai tỷ phú đã cho thấy một ví dụ điển hình về những xu hướng M&A trong những năm gần đây.

Theo báo cáo "Xu hướng M&A Hàng tiêu dùng - Bán lẻ: Cuộc đua chuyển đổi chiến lược và tăng trưởng chiến lược năm 2019", KPMG đánh giá, M&A trong lĩnh vực này đang tập trung vào 3 xu hướng chính: Thứ nhất, là tối ưu hóa danh mục đầu tư, tạo ra sự kết hợp phù hợp khi các doanh nghiệp định hình lại danh mục đầu tư để đáp ứng với việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Thứ hai là hướng tới sự lành mạnh, có đạo đức và tính xác thực, các doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi khi người tiêu dùng đang tập trung vào mục tiêu ăn uống lành mạnh hơn, tiêu dùng bền vững và thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Thứ ba là chuyển đổi số.

Cụ thể trong trường hợp của thương vụ vừa công bố tại Việt Nam, thoả thuận được các bên tham gia cho biết là để tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam, phù hợp với việc tối ưu hóa danh mục đầu tư như KPMG nhận định.

Sau thông tin nhận sáp nhập Vinmart và Vinmart+ từ Vingroup, đầu phiên giao dịch sáng nay (3/12), cổ phiếu MCH vẫn giao dịch ở mức giá tham chiếu so với phiên hôm qua 74.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi Tập đoàn Vingroup phát đi thông báo về việc đạt thoả thuận nguyên tắc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco với Công ty Hàng tiêu dùng Masan, cổ phiếu MCH đã tăng vọt 7,5%.

Hiện tại, thị giá cổ phiếu MCH đã lên mức 80.000 đồng, tăng 5.600 đồng so với cuối phiên hôm qua. Đây đồng thời là mức tăng giá mạnh nhất của cổ phiếu này từ đầu năm 2019.

Hiện tại, vốn hóa của công ty hàng tiêu dùng này vào khoảng 58.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua.

Trái ngược với đà tăng của MCH, cổ phiếu MSN của Công ty CP Tập đoàn Masan (doanh nghiệp trung tâm trong hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang) vẫn giao dịch ở giá đỏ, giảm 1%. Hiện thị giá MSN ở mức 68.300 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa doanh nghiệp đạt gần 80.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup (công ty mẹ của Công ty VinCommerce và Công ty VinEco) vẫn giao dịch ở mức giá tham chiếu, hiện đạt 115.000 đồng/cổ phiếu.

Nha Trang (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….