Lịch thiệp và hóm hỉnh; thẳng thắn và gần gũi là những cảm nhận của các đối tác khi tiếp xúc với Costantino Sambuy, Chủ tịch Piaggio châu Á - Thái Bình Dương, Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam.
TGĐ piaggio việt nam: “chiến đấu với giao thông khủng khiếp của hà nộiNhưng ông không phải một nhà quản lý theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, mà chấp nhận “chiến đấu với thực tiễn giao thông khủng khiếp” của Hà Nội để hiểu nhu cầu của khách hàng và sáng tạo trong quản lý.

Một người Ý đích thực

Chỉ cần một chút tinh tế cũng có thể nhận ra, Costantino Sambuy là một người Ý đặc sệt với cách phát âm chữ “R” nhảy nhót, ngân nga trên đầu lưỡi. Ngay cả phong cách hóm hỉnh của vị Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam, có lẽ cũng được nuôi dưỡng từ dòng máu Ý.

“Người Ý có khiếu hài hước đặc biệt. Họ luôn muốn thể hiện mình trong mọi lĩnh vực. Vì thế, mọi người thường kỳ vọng lớn vào chúng tôi”, ông nói.

Đặc biệt, đối với người Ý, nghệ thuật là điều không thể thiếu, như hơi thở và ánh sáng mặt trời. Nghệ thuật luôn hiện diện trong từng sản phẩm của người Ý.

“Bản thân các sản phẩm Ý luôn là hình mẫu của vẻ đẹp đa dạng, sự tinh tế trong thiết kế. Các sản phẩm của Piaggio cũng vậy, mỗi mẫu xe là một sản phẩm không lặp lại. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu quảng cáo, Piaggio đã mời các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia. Chẳng hạn, từ những năm 50 của thế kỷ trước, danh họa nổi tiếng nhất thế kỷ XX của Tây Ban Nha - Salvador Dali đã được Piaggio mời đến vẽ lên chiếc xe Vespa. Bây giờ, chiếc xe tuyệt đẹp đó vẫn còn ở trong bảo tàng của Hãng”, Tổng giám đốc Costantino Sambuy say sưa nói.

Quan điểm của Costantino Sambuy rất rõ ràng, công việc và gia đình là hai phạm trù không thể tách rời, nhưng không được phép lẫn lộn. Ông thường chu toàn công việc trong ngày, để về nhà lúc 8h tối. Và khi đã về tổ ấm của mình, thì ông không nghĩ đến công việc.

Cuối tuần, ông dành toàn bộ thời gian cho vợ con. Cả nhà cùng đi chơi, hoặc vợ chồng ông cùng con tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, xem chúng chơi bóng rổ, tập taekwondo…

Do tính chất công việc, Costantino Sambuy thường phải di chuyển rất nhiều nơi, từ Anh sang Mỹ, tới Việt Nam. Điều đó gây ra ít nhiều xáo trộn trong gia đình. Những đứa con của ông luôn thích thú với việc đi xa. Tuy nhiên, điều đó lại gây ra nhiều khó khăn cho vợ ông.

“Cô ấy là người phải sắp xếp mọi thứ. Cách tốt nhất để giải quyết điều này là cố gắng làm cho cô ấy hạnh phúc, bởi người vợ hạnh phúc thì gia đình sẽ hạnh phúc”, Costantino Sambuy chia sẻ.

Việt Nam - điểm đến của sáng tạo

Ông Costantino Sambuy rất hào hứng khi nhận thông tin được đến Việt Nam làm việc. Bởi lẽ, đối với Piaggio, châu Á và Việt Nam là hướng phát triển mới của Tập đoàn. Đảm nhận một nhiệm kỳ ở thị trường phát triển năng động này là vinh dự và cũng là thách thức với ông.

Với sự tinh thế vốn có, Costantino Sambuy nhìn ra nhiều điểm tương đồng về văn hóa, sinh hoạt giữa Việt Nam và Ý. Trong đó, Napoli - thành phố miền Nam nước Ý giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và ẩm thực, là nơi giống Hà Nội nhất, đặc biệt là “sự lộn xộn khá đặc thù”, khó lẫn nơi nào khác. Và khắp ngõ, phố, luôn có thật nhiều xe máy.

Theo suy nghĩ của Sambuy, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với nước Ý những năm 1950 – 1960, thời kỳ phát triển nổi bật của quốc gia này. Khi đó, mọi thứ phát triển rất nhanh. Cả đất nước đứng trước cơ hội chuyển mình rất lớn, và mọi người nỗ lực tìm kiếm những giá trị của bản thân. Sức sống đó có thể thấy ở khắp phố phường.

“Có cả một danh sách dài các hãng công nghiệp Tây Âu tìm cách khai thác thị trường châu Á khổng lồ. Và chỉ có một danh sách ngắn ngủi ghi tên người chiến thắng. Từ vài năm trước, Piaggio từng có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, nhưng lần trở lại năm 2007, họ phải tìm cách để không trở về tay trắng, và Việt Nam là sự lựa chọn”, ông Sambuy nhớ lại.

Piaggio khởi đầu bằng cách xây dựng một nhà máy ở Việt Nam, giúp giảm được 80% thuế nhờ sản xuất trong nước. Thay vì thiết kế lại các sản phẩm để thích ứng với thị trường mới như cách làm thông thường, Hãng lại tung ra Vespa nguyên gốc - sản phẩm y hệt với mẫu được sản xuất tại Ý.

Vespa Việt Nam có giá bán cao gấp 3 lần giá xe tay ga trung bình do các hãng Nhật Bản như Honda và Yamaha sản xuất.

Tuy nhiên, với thiết kế quá khác biệt, mức giá chỉ dành cho giới thu nhập cao lại trở thành lợi thế. Và rất nhanh chóng, Vespa trở thành biểu tượng được ngưỡng mộ trên những con đường nườm nượp xe cộ tại Việt Nam.

Trên “chiến trường”, khi đã phải đối đầu với những đối thủ đã có vị trí vững chắc, hơn nữa, giá bán lại rẻ hơn nhiều, Piaggio lại liều lĩnh tự phát triển thị trường mới cho những chiếc motorscooter (xe máy không theo kiểu dáng thông thường) đắt tiền và nắm bắt được cơ hội từ vị trí này.

Và sự thành công ấy của Piaggio tại Việt Nam được vị Tổng giám đốc có sẵn máu hài hước mô tả một cách khá độc đáo, hóm hỉnh:

“Khi tôi đến Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam mới chỉ có mấy chục người, nên việc đi chúc Tết rất dễ dàng. Sang năm thứ hai, con số đã lên tới hàng trăm, tôi không đi chúc Tết từng người được nữa. Nhưng khi tôi càng phải đi chúc Tết nhiều, nghĩa là Piaggio Việt Nam càng phát triển. Bây giờ, chúng tôi có một nghìn người. Chúng tôi đang hòa vào nhịp phát triển của đất nước các bạn”.

Không “cưỡi ngựa xem hoa”

Khi đã có vị thế, Piaggio bắt đầu gia tăng ảnh hưởng, mở rộng thị phần tại Việt Nam. Hãng tận dụng nguồn phân phối mới cũng như khả năng sản xuất tại địa phương nhằm tạo ra những chiếc motorscooter thương hiệu Piaggio bán ra với giá rẻ hơn sản phẩm thương hiệu Vespa.

Với quan điểm “sáng tạo phải xuất phát từ thực tiễn”, những chiếc motorscooter Piaggio được thiết kế lại phù hợp với khách hàng địa phương, như yên xe dài hơn, cốp xe rộng hơn, bởi tại Việt Nam, không phải lúc nào cũng chỉ có một hoặc hai người trên một chiếc xe máy; chiếc xe máy cũng không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn được sử dụng vào những mục đích khác nhau.

Đây chính là nền tảng cho việc ra mắt Piaggio Fly hoàn toàn mới, được thiết kế dựa trên chính những khảo sát thực tế nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Piaggio không tìm cách đối đầu với những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp mô tô tại những thị trường quan trọng nhất của họ, mà tìm đến những nơi đủ lớn, nhưng dễ thâm nhập hơn.

“Việt Nam vẫn có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm cao cấp, đòi hỏi phải có điều gì đó khác biệt và động cơ đầu tư thực sự”, Costantino Sambuy đánh giá.

Hãng xe Ý cũng nhận ra những khác biệt giữa chính các thị trường châu Á. “Người giàu hay nghèo ở Việt Nam đều có một chiếc xe máy. Có đến 35 triệu chiếc chạy trên đường. Ngay cả những người lái Mercedes cũng có một chiếc xe 2 bánh. Piaggio lĩnh hội điều đó như một cách để tìm hiểu, chứ không phải xác định phân khúc sản phẩm. Ở Ấn Độ thì không giống thế, và chắc chắn cũng không giống ở Trung Quốc, nơi xe 2 bánh là thị trường dành cho khách hàng ở nông thôn”, vị Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam bình luận.

Một bí mật khác trong thành công của Piaggio nằm trong cách họ quan sát và quyết định sự hiện diện của mình.

Nhiều hãng đa quốc gia đặt trụ sở tại những nơi phát triển hơn như Singapore hay Hồng Kông. Còn Piaggio và Costantino Sambuy lại ở Hà Nội, sát bên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Hãng.

Ông phải “chiến đấu” với thực tế giao thông khủng khiếp mỗi ngày để đến văn phòng. Điều đó khiến ông hiểu nhu cầu của khách hàng theo một góc nhìn sống động và thực tế hơn nhiều, chứ không phải cách nhìn của một nhà quản lý kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Theo Baodautu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.