Ông Phạm Hữu Phú chia sẻ trong thâm tâm không muốn có sự chuyển giao lãnh đạo và thấy áp lực từ cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm Đặng Văn Thành.

Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Phạm Hữu Phú trao đổi tại cuộc họp báo do ngân hàng tổ chức chưa đầy một ngày sau khi ông Đặng Văn Thành từ chức.

- Thưa ông, vì sao ông Đặng Văn Thành lại xin thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank?

- Thực ra, bản thân ông Đặng Văn Thành đã từng đề nghị được thôi chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 27/7. Tuy nhiên, do một số cổ đông đề nghị ông Thành tiếp tục giữ chức vụ này cho đến hết thời gian Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra Sacombank (gần 2 tháng) nên đề nghị của ông Thành chưa được HĐQT chấp thuận.

Đến ngày 5/10, quá trình thanh tra Sacombank kết thúc. Cùng với đó là cơ quan công an mời ông Thành lên làm việc, HĐQT có cuộc họp và thống nhất bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 2/11, theo đề nghị của ông Thành trước đây.

Động thái mới nhất là hiện ông Thành cũng vừa đệ đơn xin rút khỏi thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, Ban quản trị Sacombank vẫn đang trong quá trình xem xét.

Ông Phạm Hữu Phú, tân Chủ tịch Sacombank. Ảnh: Lệ Chi.

- Ông Đặng Văn Thành là người gắn bó lâu dài với Sacombank hơn 20 năm qua. Vậy sự ra đi của ông ấy có tác động như thế nào đến hoạt động của Sacombank?

- Cá nhân tôi thừa nhận vai trò của ông Đặng Văn Thành rất lớn trong việc xây dựng Ngân hàng Sacombank phát triển như ngày hôm nay. Và tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Sacombank là hơn 10.400 tỷ đồng, trong đó ông Đặng Văn Thành vẫn đang nắm giữ hơn 3,98% cổ phần Sacombank, ông Đặng Hồng Anh (con trai ông Thành) nắm giữ 3,46% cổ phần Sacombank.

Tuy nhiên, việc ra đi của ông Thành đã có sự chuẩn bị từ trước nên không gây những tác động lớn. Bởi trên thực tế, ngay trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên Sacombank tổ chức ngày 26/5, ông Thành đã có bài phát biểu chuyển giao trách nhiệm quản trị và điều hành nhà băng. Sau đại hội, ông cũng đã ủy quyền quản trị Sacombank cho ông Trầm Bê và tôi vì lý do cá nhân. Từ tháng 5 đến nay, ông Thành không tham gia vào công tác điều hành Sacombank nữa.

Người đại diện pháp luật hiện nay của Sacombank cũng là Tổng giám đốc. Do vậy việc ông Thành thôi chức Chủ tịch HĐQT không gây xáo trộn gì trong công tác quản trị và điều hành của ngân hàng. Theo quy định mới, chức danh Chủ tịch HĐQT mới có hiệu lực ngay lập tức. Hiện chúng tôi đang gửi hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước đề nghị thay đổi chức danh này.

Hoạt động của Sacombank tính đến sáng nay cũng diễn ra bình thường. Lượng khách gửi tiết kiệm vẫn tăng lên, không có hiện tượng nhiều người đi rút tiền. Thậm chí, trong ngày 1/11, số tiền mà Sacombank huy động được tăng hơn 256 tỷ đồng; ngày 2/11, số tiền huy động trong dân cư tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, để phòng ngừa những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Sacombank vẫn tập kết một lượng tiền rất lớn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách. Song song đó, nhà băng còn nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước, Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP HCM trong việc đảm bảo an toàn hệ thống.

Trong đó, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh được Ngân hàng Nhà nước Trung ương cử sang túc trực 24/24 giờ tại Sacombank để phối hợp và sẵn sàng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra. Nhưng đến nay thì lượng tiền gửi của dân vẫn tăng. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho chúng tôi.

- Tiếp nhận vị trí Chủ tịch Sacombank thay ông Đặng Văn Thành, ông gặp khó khăn gì?

- Dù việc thay Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank đã được chuẩn bị từ trước nhưng để ngồi trên chiếc ghế này thật sự không dễ, chưa nói là rất khó khăn với tôi. Trong đó, cái khó lớn nhất chính là cái bóng của ông Đặng Văn Thành quá lớn.

Bởi sự ra đi của anh Thành khỏi Sacombank tuy không có tác động lớn nhưng vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của các thành viên trong ngân hàng và các cổ đồng. Cá nhân tôi, tận sâu trong thâm tâm cũng không muốn có sự chuyển giao này. Do đó, khi giữ vị trí ấy, bản thân tôi không những thấy không bình an mà còn bị áp lực rất lớn.

Tuy nhiên, trong mấy tháng qua, bên cạnh sự hỗ trợ trực tiếp từ ông Đặng Văn Thành, sự ủng hộ của các thành viên khác trong ngân hàng cùng với kinh nghiệm, sức trẻ và năng động của cá nhân, tôi cũng đã làm quen với công việc quản trị của ngân hàng này rất nhanh.

Là người đại diện cho số vốn của Eximbank, tôi đang nỗ lực hết sức để làm sao cho nguồn vốn của nhà băng đang có tại Sacombank sinh sôi nảy nở cùng với vốn của các nhà đầu tư khác.

- Vậy ông dự định sẽ điều hành Sacombank như thế nào trong thời gian tới?

- Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp tục bắt tay vào việc tái cơ cấu ngân hàng. Hiện nay Sacombank có 27 hội đồng ủy ban, trong thời gian tới có thể sẽ được thu gọn lại còn 15 hoặc 17 để bộ máy gọn hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Riêng kế hoạch tìm kiếm đối tác nước ngoài để bán 15% cổ phần của nhà băng, hiện nay Sacombank đang có một danh sách 7 nhà đầu tư. Đến nay, chúng tôi đang trong giai đoạn cuối của tìm hiểu nên trong vòng khoảng 4 tháng nữa Sacombank sẽ ký kết được hợp đồng hợp tác với một trong những đối tác này, và khả năng rất lớn sẽ là một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Đối với Công ty chứng khoán SBS, Sacombank chỉ sở hữu 11% nên tác động là không lớn. Qua điều tra của công an khi khởi tố vụ án cũng như là kiểm toán của Ernst & Young thì xác định SBS lỗ khoảng 1.772 tỷ đồng. Với tư cách là cổ đông lớn, chúng tôi cũng có trách nhiệm cùng với công ty này xử lý. Cụ thể là thay đổi nhân sự, cử ông Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch Sacombank sang làm Chủ tịch của SBS. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có phương án tái cấu trúc lại SBS.

Cuối cùng, trách nhiệm của tôi sẽ là tạo cho Sacombank định hướng mà ông Đặng Văn Thành đã vạch ra trước đó, tức hướng nhà băng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam cũng như khu vực Đông Dương. Còn sau này khi bán được 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với định hướng của đối tác lớn nước ngoài.

Xem thêm bài viết về: Ông Kiều Hữu Dũng, Ông Đặng Văn Thành
Theo Lệ Chi (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.