Giá cổ phiếu giảm mạnh là nguyên nhân khiến tài sản của nhiều đại gia giàu nhất Việt Nam sụt giảm hàng nghìn tỷ từ đầu năm. Riêng ông Phạm Nhật Vượng đã mất gần 20.000 tỷ tài sản.

Tính từ phiên giao dịch đầu năm 2/1 đến nay, chỉ số chứng khoán lớn nhất thị trường trong nước VN-Index đã giảm gần 35 điểm, tương đương 3,6%. Trong đó, đà giảm chủ yếu đến từ một loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh.

Cổ phiếu lớn giảm mạnh cũng khiến nhiều ông, bà chủ các doanh nghiệp và là những người giàu nhất thị trường mất hàng chục nghìn tỷ đồng từ đầu năm.

Người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng - cũng chính là người có tài sản sụt giảm nhiều nhất tính từ đầu năm. Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã giảm 9% thị giá là nguyên nhân trực tiếp khiến khối tài sản của vị tỷ phú này giảm mạnh.

Hiện tại, cá nhân ông Vượng đang sở hữu trên 876 triệu cổ phiếu VIC (25,9% vốn) và gián tiếp sở hữu hơn 1 tỷ cổ phiếu thông qua đa số vốn nắm giữ tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (cổ đông lớn nhất nắm 33,13% vốn Vingroup).

Tài sản trên thị trường chứng khoán ông Phạm Nhật Vượng đã giảm gần 20.000 tỷ đồng từ đầu năm. Ảnh: Bloomberg.

Đà giảm giá của cổ phiếu VIC hai tháng qua đã khiến tài sản trên thị trường chứng khoán của vị tỷ phú này “bốc hơi” gần 20.000 tỷ đồng.

Hai người thân của ông Vượng đồng thời là những lãnh đạo cấp cao tại Vingroup gồm bà Phạm Thu Hương (vợ) và Phạm Thúy Hằng (em vợ) cũng đã mất hàng nghìn tỷ từ đà giảm giá cổ phiếu nói trên.

Trong đó, khối tài sản từ chứng khoán của hai vị nữ doanh nhân này đã giảm lần lượt 1.555 tỷ và 1.040 tỷ đồng từ đầu năm. Tính tổng số tài sản của ông Vượng và người thân trong gia đình sụt giảm, con số quy đổi đã xấp xỉ 1 tỷ USD.

Cùng mất hàng nghìn tỷ từ đầu năm là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ hãng hàng không Vietjet Air.

Trong khi giá cổ phiếu HDBank (nơi bà Thảo là Phó chủ tịch) tăng 4% thì cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã giảm 13% từ đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ dịch virus Covid-19 bùng phát sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán 2020 khiến cổ phiếu các doanh nghiệp hàng không bị tác động mạnh nhất. Riêng VJC đã trải qua 3 phiên giảm mạnh từ ngày 30/1 đến 3/2, trong đó có 1 phiên giảm sàn kịch biên độ 7%.

Phần tài sản trên sàn chứng khoán của bà Thảo đến từ số cổ phiếu VJC sở hữu nên đà giảm nói trên đã khiến khối tài sản của nữ tỷ phú USD giảm gần 3.900 tỷ, tương đương 13% tổng tài sản sở hữu.

Nếu xét theo tỷ lệ sụt giảm, các ông chủ của Tập đoàn Masan là những người có đà giảm tài sản mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Không chỉ chịu ảnh hưởng từ virus Covid-19, cổ phiếu MSN còn chịu tác động từ thương vụ nhận chuyển giao chuỗi VinMart và VinMart+.

Hiện cổ phiếu MSN đang giao dịch với giá 49.450 đồng (18/2), giảm hơn 14% so với đầu năm. Điều này khiến khối tài sản từ chứng khoán của ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh đều sụt giảm xấp xỉ 2.000 tỷ.

Nhiều đại gia khác trên sàn chứng khoán Việt cũng đã mất hàng trăm tỷ đồng tài sản từ đầu năm do giá cổ phiếu sụt giảm.

Theo cập nhật của Forbes, tại ngày 17/2, ông Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng 6,9 tỷ USD, giảm hơn 344 triệu USD so với 1 ngày trước đó.

Khối tài sản của bà Thảo sở hữu được ước tính trị giá 2,4 tỷ USD; ông Trần Bá Dương sở hữu 1,7 tỷ USD; ông Hồ Hùng Anh sở hữu 1,3 tỷ USD, tăng 19 triệu USD so với ngày hôm qua nhưng giảm 400 triệu USD từ đầu năm 2019.

Riêng ông Nguyễn Đăng Quang đã không còn xuất hiện trong danh sách tỷ phú khi giá trị tài sản ròng giảm xuống dưới mốc 1 tỷ USD.

Quang Thắng (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.