Khoảng cách giữa giới siêu giàu so với phần còn lại của thế giới chưa bao giờ đạt mức "khủng khiếp" như hiện nay, theo một nghiên cứu vừa công bố của tổ chức từ thiện Oxfam.

Chỉ riêng 22 người đàn ông giàu nhất thế giới đã giàu hơn toàn bộ phụ nữ Châu Phi

Thông tin này vừa được Oxfam công bố trong báo cáo thường niên "Time to Care", ngay trước thềm diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Theo đó, liên hiệp tổ chức từ thiện này cho biết, toàn thế giới hiện chỉ có 2.153 tỷ phú, song lượng tài sản mà họ hiện sở hữu lại tương đương với tổng tài sản của hơn 4,6 tỷ người, tức khoảng 62% dân số toàn cầu.

Đồng thời, khoảng cách giàu - nghèo thậm chí còn "kinh khủng" hơn nếu lượng tài sản của những người giàu nhất thế giới được đặt lên bàn cân để so sánh với phần còn lại của thế giới. Cụ thể, top 1% người giàu nhất thế giới đang nắm giữ lượng tài sản nhiều hơn gấp 2 lần so với gần 90% dân số còn lại. Theo Oxfam, chỉ riêng 22 người đàn ông giàu nhất thế giới đã giàu hơn toàn bộ phụ nữ châu Phi.

Theo Oxfam, phương pháp duy nhất để xoá bỏ tình trạng bất bình đẳng đến mức gần như vô lý này là tăng thuế. Tổ chức này cho hay, chỉ cần tăng thêm 0,5% thuế đối với tài sản của nhóm 1% người giàu nhất trong vòng 10 năm tới là đã đủ để giúp chính phủ các nước sở hữu nguồn ngân sách cần thiết để tạo ra thêm 117 triệu việc làm trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, hưu trí và nhiều ngành nghề khác.

Và, dù không nêu đích danh bất cứ người giàu nào khi công bố báo cáo "Time to Care", song có thể thấy dường như Oxfam đang nhắm tới CEO của Amazon - tỷ phú Jeff Bezos.

"Nếu quy đổi tất cả tài sản của mỗi người thành đồng bạc xanh với mệnh giá 100 USD và cho họ ngồi lên nó, thì phần lớn dân số thế giới sẽ chỉ ngồi ở dưới sàn. Một cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu ở một nước giàu sẽ ngồi ở độ cao một chiếc ghế. Còn 2 người giàu nhất thế giới sẽ ngồi trên… vũ trụ", báo cáo của Oxfam cho biết.

Nhận định về kết quả nghiên cứu, Amitah Behar - CEO của Oxfam tại Ấn Độ - cho rằng, trong khi phần lớn phụ nữ và trẻ em - nguồn "động lực tuy vô hình" nhưng lại là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu - được trả lương bèo bọt hoặc thậm chí là làm không công, thì "những nền kinh tế bất công lại đang đánh đổi sức lao động của những con người bình thường để lấp đầy túi tiền của các tỷ phú và doanh nghiệp lớn".

"Thế nên, chẳng lạ gì khi nhiều người bắt đầu đặt ra câu hỏi, rằng liệu tỷ phú có nên tồn tại hay không?" – ông Behar nói.

Lê Duy (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.