Cập nhật 19/06/2015 3:13 PM
Không khó để nắm giữ vị trí quan trọng trong công ty gia đình nhưng dường như phận làm sếp của ái nữ giàu nhất sàn chứng khoán lại khá long đong.

Long đong phận làm sếp

Không lâu sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa, hàng loạt đại gia đã ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch công ty Kinh Bắc.

Bên cạnh 2 vị đại gia lừng danh nay, vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang và Chu Thị Bình cũng được nhắc tới khi sở hữu khối tài sản khổng lồ. Cả hai đều có thứ hạng cao trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong khi ông Quang và bà Bình không ngại xuất hiện trước đám đông thì bốn cô con gái của ông rất kín tiếng. Đáng kể nhất là cô chị cả Lê Thị Dịu Minh, dù sớm tham gia thương trường cùng bố mẹ nhưng cô chưa bao giờ xuất hiện trước báo giới.

Người ta chỉ biết rằng Lệ Thị Dịu Minh, cô con gái cả sinh năm 1986 của ông Quang là người tham gia tích cực nhất vào hoạt động của Minh Phú. Tròn 20 tuổi, Dịu Minh được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng quản trị Minh Phú.

Dù rất nổi danh nhưng Lê Thị Dịu Minh vẫn là ẩn số lớn

Năm 2007, Dịu Minh làm trợ lý cho bố mình là ông Lê Văn Quang. Đến tháng 3/2015, cả Minh Phú và Lê Thị Dịu Minh ít nhiều gây được sự chú ý khi Dịu Minh được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc Minh Phú, phụ trách Nghiên cứu Phát triển kiêm Giám đốc Bộ phận chiến lược Nghiên cứu và Phát triển của MPC. Có thời, cô là ái nữ giàu nhất sàn chứng khoán.

Có thể thấy, con đường công danh sự nghiệp khá rộng mở với Lê Thị Dịu Minh. Thế nhưng, nghịch lý xuất hiện kể từ khi cô đạt được chức vị lớn nhất trong sự nghiệp của mình - Phó Tổng giám đốc Minh Phú. Sếp nữ 8X dường như chưa suôn sẻ lắm khi đứng ở cương vị là sếp lớn.

Đầu tiên, dù được chính Minh Phú chính thức công bố đã bổ nhiệm cô vào ghế Phó Tổng giám đốc nhưng trên website của công ty, tên cô không hề có trong Ban Tổng giám đốc.

Cụ thể, theo giới thiệu của Minh Phú, công ty có Tổng giám đốc Lê Văn Quang và 5 Phó Tổng giám đốc. Đó là bà Chu Thị Bình, ông Chu Văn An, ông Thái Hoàng Hùng, ông Nguyễn Tấn Anh và ông Lê Văn Điệp.

Với giới thiệu này của Minh Phú, không ít người đặt ra câu hỏi liệu đây là sai sót của Minh Phú hay Phó Tổng giám đốc Lê Thị Dịu Minh sớm phải rời ghế sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm.

Cái sự long đong của sếp nữ trẻ tuổi còn thể hiện ở chỗ không lâu sau ngày nhậm chức, Minh Phú công bố các số liệu kinh doanh thụt lùi.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2015, lợi nhuận sau thuế của Minh Phú chỉ đạt 25,7 tỷ đồng, bằng 15,5% cùng kỳ năm ngoái và đạt 2,2% kế hoạch cả năm.

Có giúp công ty bứt phá?

Kể từ khi ái nữ nhà “Vua tôm” được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc và cổ phiếu MPC rời sàn tự nguyện, giới đầu càng quan tâm tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hơn. Vì vậy, báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2015 của Minh Phú khiến không ít người thất vọng.

Càng thất vọng hơn nữa khi trước đó, Minh Phú công bố kế hoạch 2015 rất hoành tráng và rực rỡ. Năm 2015, Minh Phú dự kiến doanh thu sẽ tăng 28% lên 19.333 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 54% lên 1.452 tỷ đồng.

Sản lượng sản xuất tôm cũng sẽ tăng thêm khoảng 10% lên trên 60.000 tấn, con số này mới chiếm gần 80% tổng công suất hai nhà máy chế biến của Minh Phú tại Cà Mau và Hậu Giang.

Với nhiều tham vọng như vậy, Minh Phú cần nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, về vốn, có lẽ Minh Phú không phải quá lo lắng vì có không dưới 1 đại gia sẵn sàng rót vốn cho Minh Phú.

Gemadept, đại gia bất động sản tuyên bố sẽ rút khỏi lĩnh vực cốt lõi của mình để hợp tác với Minh Phú. Gemadept và Minh Phú cùng đầu tư trung tâm logistics ở Hậu Giang với kho lạnh sức chứa 50.000 ballets và diện tích kho thường 15.000m². Tổng vốn đầu tư của dự án gần 670 tỷ đồng trong đó GMD nắm 51% và MPC nắm 49%.

Vietinbank thậm chí còn rót nhiều hơn cho Minh Phú. Chỉ trong quý 2, sau 2 đợt mua vào, Vietinbank đã có 2.500 tỷ đồng trái phiếu MPC.

Bên cạnh đó, Minh Phú đã thông qua 2 kế hoạch huy động vốn bao gồm 30 triệu cổ phiếu với giá dự kiến không thấp hơn 100.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng giá trị thu về 3.000 tỷ đồng) và 2.500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi.

Trong năm 2015, vốn không phải bài toán khó của Minh Phú. Nhưng điều đó cũng không đảm bảo Minh Phú sẽ thực hiện được kế hoạch kinh doanh “rực rỡ” như đã đề ra trong đại hội cổ đông vì nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận một phần lại nằm ở vốn.

Cụ thể, lợi nhuận quý 1 của Minh Phú chỉ đạt 25,7 tỷ đồng. Trong khi chi phí tài chính đạt 55,8 tỷ đồng. Cùng với chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng rất mạnh nhưng doanh thu lại suy giảm.

Vì vậy, quản lý các chi phí và thúc đẩy hiệu quả bán hàng mới là điều Minh Phú cần cải thiện trong năm nay, chứ không phải vốn. Vốn thậm chí còn góp phần gia tăng chi phí tài chính cho Minh Phú.

Có thể thấy, ngay sau khi ái nữ nhà “Vua tôm” lên chức sếp lớn, những khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều. Để giúp công ty bứt phá cũng như khẳng định được năng lực của mình, chắc chắn Lê Thị Dịu Minh phải nỗ lực rất nhiều.

Bảo Linh (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….