Khi cái tên Lê Văn Quang được xướng lên ở vị trí cao nhất trong lễ công bố danh sách 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc năm 2014 do NCÐT tổ chức vừa qua, một số đồng nghiệp ngồi cạnh người viết đã tỏ vẻ khá bất ngờ.
Ông Lê Văn Quang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Phản ứng này có thể dễ dàng lý giải, bởi ông Lê Văn Quang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu tôm. Mặc dù Minh Phú là doanh nghiệp lớn trong ngành, nhưng xét về mặt truyền thông, lĩnh vực xuất khẩu thường ít gây được sự chú ý giống như những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng hay lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, ở tầm thế giới, doanh nhân Lê Văn Quang lại là một người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản. Năm 2014, ông Quang lọt vào tốp 100 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành thủy sản toàn cầu, với thứ hạng thứ 54 do Intrafish Seafood, tạp chí chuyên về thủy sản nổi tiếng bình chọn.

Thực tế, sự ghi nhận của thế giới về tầm ảnh hưởng của ông Quang không chỉ đến từ thành công của Minh Phú ở lĩnh vực xuất khẩu. Từ năm 2012 đến nay, khi mà các doanh nghiệp cùng ngành đang chìm trong khó khăn thì Minh Phú lại bứt phá ngoạn mục với kết quả kinh doanh khá ấn tượng.

Cụ thể, năm 2014, Minh Phú đạt doanh thu gần 16.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.057 tỉ đồng. Con số này vượt 36% kế hoạch doanh thu và vượt 2,17 lần kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra trước đó.

Theo ông Quang, đây là thành quả đến từ quyết định đầu tư nhiều năm trước của Minh Phú. Ngay từ năm 2009 Công ty đã đổi mới công nghệ sản xuất hoàn toàn để sản xuất hàng giá trị gia tăng như tôm cao cấp hay tôm ăn liền. Đây là những mặt hàng mà các đối thủ khác không sản xuất được, hoặc không dám sản xuất vì phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ cũng như con người. Với công nghệ tiên tiến, Minh Phú cũng giải quyết được các điểm thắt cổ chai trong quá trình sản xuất, giảm thiểu hao hụt nguyên vật liệu và gia tăng năng suất.

Quan trọng hơn, Minh Phú đã xây dựng được mối quan hệ bền vững với người nuôi tôm để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Chiến lược của ông Quang là luôn mua tôm theo giá thị trường, không cao hơn hay thấp hơn, trong mười mấy năm qua. Điều này đã tạo thói quen cho những người nuôi tôm hay thương lái tin rằng giá của Minh Phú là giá thị trường. Do đó, nguồn tôm nguyên liệu luôn được bán cho Công ty. Hiện Minh Phú có hơn 900 ha tự nuôi tôm, cùng hơn 12.000 ha nuôi tôm sinh thái liên kết và hơn 100.000 ha của các hộ nuôi tôm trong chuỗi cung ứng. Quy mô này đủ cung cấp nguồn tôm nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà máy của Công ty.

Dù vậy, ở góc độ kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, vẫn còn nhiều câu hỏi cần được đặt ra với Minh Phú. Cuộc trò chuyện với Chủ tịch Lê Văn Quang của Công ty đã để lại cho người viết ấn tượng về một doanh nhân có tầm nhìn xa và tham vọng không chỉ dừng lại ở việc trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.

Bên cạnh chiến lược đầu tư cho công nghệ và con người, nhờ đâu mà kết quả kinh doanh của Minh Phú lại vượt khá xa so với kế hoạch khi thị trường vẫn chưa mấy thuận lợi?

Trong những năm qua, hội chứng tôm chết sớm EMS khiến nguồn cung tôm của thế giới bị thiếu hụt trầm trọng. Minh Phú lại có thể huy động nguyên liệu rất tốt nên có khả năng đáp ứng đơn hàng. Thế là các khách hàng tìm đến với Minh Phú khá nhiều.

Trước kia, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2013, dịch EMS đã khiến cho các doanh nghiệp Thái không có đủ tôm để cung cấp. Một lượng lớn khách hàng này đã về với Minh Phú. Ngoài ra, do tôm bị thiếu hụt nên giá bán cũng tăng, khiến lợi nhuận tăng mạnh.

Làm sao Minh Phú có thể kiểm soát được chất lượng tôm nuôi của nông dân, trong bối cảnh dịch EMS đe dọa tất cả các doanh nghiệp cùng ngành?

Hiện Minh Phú chỉ chủ động được khoảng 5% nguồn nguyên liệu, phần còn là thu mua từ người nông dân. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu từ nông dân đều nằm trong chuỗi cung ứng tôm của Minh Phú. Theo đó, người nuôi tôm được Công ty cung cấp con giống chất lượng cao, chế phẩm vi sinh xử lý đầm ao, thức ăn, hướng dẫn quy trình nuôi, kỹ thuật nuôi và mua sản phẩm cuối cùng. Minh Phú cũng đã thành lập Công ty AquaMekong chuyên tầm soát và xử lý mầm bệnh và tư vấn kỹ thuật cho người nuôi. Tất cả các quy trình nuôi và thu hoạch của người dân đều được kiểm soát nên chất lượng nguyên liệu rất ổn định.

Ðối thủ cạnh tranh của Minh Phú trên thị trường quốc tế là những ai?

Thật ra người ta nói là Minh Phú không có đối thủ. Còn theo tôi thì có một vài đối thủ nhưng không đáng ngại. Năm ngoái, Minh Phú đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới xét về giá trị. Còn về sản lượng, Minh Phú hiện chỉ đứng sau một doanh nghiệp ở Ecuador. Doanh nghiệp này có sản lượng lớn do họ chỉ xuất khẩu tôm dạng chế biến thô.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu của Công ty được phân chia như thế nào?

Sản phẩm của Minh Phú là hàng giá trị gia tăng và chất lượng nên chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường lớn của thế giới. Hiện nay, trong tỉ lệ xuất khẩu của Minh Phú, thị trường Mỹ chiếm khoảng 35%, Nhật 25%, châu Âu 10%, Canada 10%, Úc 10%. Còn lại là các thị trường khác.

Theo ông, để mở rộng ra toàn cầu, doanh nghiệp Việt nên tập trung thâm nhập những thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu trước rồi mới đến các thị trường nhỏ hơn, hay ngược lại?

Nên tùy theo từng doanh nghiệp và từng cơ cấu mặt hàng để xây dựng chiến lược. Với Minh Phú, chúng tôi có hơn 20 năm kinh nghiệm xuất khẩu. Xuất phát điểm của Minh Phú cũng là xuất khẩu những mặt hàng sơ chế đến những thị trường nhỏ, sau đó phát tiển lên dòng sản phẩm cao cấp và tiến vào thị trường lớn.

Thị trường nội địa vẫn chiếm tỉ lệ khiêm tốn trong cơ cấu doanh thu của Minh Phú. Định hướng của Công ty đối với thị trường này ra sao?

Hiện thị trường nội địa chiếm 0,18% doanh thu của Minh Phú. Kế hoạch từ nay đến năm 2020, Minh Phú sẽ đẩy mạnh mảng thị trường nội địa với mục tiêu đóng góp 3 - 5% doanh thu. Để thực hiện chiến lược này, Minh Phú sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống bán hàng và phân phối đến hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn, siêu thị...

Năm 2015, Việt Nam có thể sẽ ký kết một số hiệp định tự do thương mại như TPP hay AEC. Ðiều này sẽ có tác động như thế nào đến Minh Phú?

Các hiệp định này mang lại ít lợi ích cho ngành tôm, trong khi áp lực lại nhiều hơn. Bởi thực chất những doanh nghiệp tôm ở các nước ký kết những hiệp định này, phần lớn đều đã được hưởng mức thuế bằng 0. Thế nên thuế cũng không giảm thêm được nữa. Trong khi đó, các hiệp định này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư, hoàn thiện thêm nhiều tiêu chí để phù hợp với quy định của những nước tham gia.

Vừa qua có thông tin Minh Phú sẽ nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Ông có thể chia về chiến lược này?

Tôi xin không chia sẻ về vấn đề này.

Gần 2 năm trước, Minh Phú từng có kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện. Công ty đang hoạt động khá tốt, vì sao ông lại quyết định như vậy?

Chúng tôi muốn tái cơ cấu lại cho tốt hơn. Minh Phú dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 20%, lên 840 tỉ đồng. Nếu tiếp tục niêm yết trên sàn, chúng tôi sẽ không thể huy động đủ vốn như mục tiêu đề ra. Hiện Minh Phú đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài chiến lược có thể giúp Công ty mở rộng sản xuất và kinh doanh ở thị trường nước ngoài, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một doanh nghiệp tôm quốc tế vào năm 2020.

Kế hoạch hủy niêm yết của Minh Phú đã thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

Hiện Minh Phú vẫn đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt. Thủ tục của Minh Phú thì rất đầy đủ, nhưng hiện còn 1% các cổ đông nhỏ lẻ vẫn quyết nắm giữ cổ phiếu nên chưa thể hủy niêm yết.

Nếu không hủy niêm yết được, Minh Phú có tiếp tục bán cổ phần cho cổ đông ngoại?

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 10% vốn tại Minh Phú, do đó room cho nhà đầu tư nước ngoài còn khoảng 39%. Hiện có nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật và Canada quan tâm đến thương vụ bán cổ phần của Minh Phú. Chúng tôi sẽ chọn 1 hoặc 2 đối tác trong năm nay.

Kế hoạch kinh doanh Minh Phú đặt ra cho năm 2015 cụ thể sao?

Mục tiêu doanh thu đặt ra cho năm 2015 là 950 triệu USD. Tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt 1 tỉ USD. Theo kế hoạch, doanh thu và lợi nhuận của Minh Phú sẽ tăng 15 - 20%/năm trong vòng 5 năm tới.

Ông hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, công việc sắp tới sẽ ngày càng nặng nề. Liệu ông đã có kế hoạch chuyển giao hoặc chia sẻ vai trò lãnh đạo hay chưa?

Theo tôi, vừa làm Tổng Giám đốc vừa làm Chủ tịch thì vẫn tốt hơn nên việc này cũng không gấp. Hiện những lãnh đạo kế thừa vẫn đang được đào tạo, sàng lọc. Ngoài ra, với tôi công việc là niềm đam mê. Tôi làm vì niềm vui chứ không phải vì tiền, nên khi nào không còn làm được thì nghỉ.

Xem thêm bài viết về: Ông Lê Văn Quang
Nguyễn Hùng (Nhịp cầu đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.