Cập nhật 10/04/2014 8:21 AM
Hơn một giờ trò chuyện nhưng có đến 30 phút phải giải quyết công việc qua điện thoại, vừa bỏ máy xuống, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, nói ngay: "Làm ăn lu bu vậy đó. Một ngày có không biết bao nhiêu việc phải xử lý”.

Ảnh: Quý Hòa

- Làm doanh nghiệp khổ vậy đấy, cái khó, cái cực chẳng ai biết, nhiều lúc như ngồi trên đống lửa nhưng vẫn phải tỏ ra bình thản. Riêng những người làm thương mại như tôi dù bận mấy cũng phải chăm chút bản thân từ đầu tóc đến trang phục, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói vì mình là người mang đến cho đối tác niềm tin, không ai đi ký hợp đồng với một người ăn mặc xuềnh xoàng, tác phong luộm thuộm cả.

Cũng vì vậy mà nhìn bề ngoài ai cũng tưởng người kinh doanh giàu lắm, đâu có ngờ họ cũng cực nhọc vô cùng, nào là tiền vay bạc mượn, thế chấp nhà cửa, nhất là những năm kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng cao, không ít doanh nghiệp điêu đứng khổ sở, phải chắt bóp từng đồng từng cắc.

Thậm chí có những gia đình xào xáo vì kinh doanh thua lỗ, nhưng khi bước ra xã hội vẫn phải làm như không. Tôi từng biết có những anh chị doanh nhân khi công việc kinh doanh gặp khó khăn, bế tắc, không biết bao đêm họ mất ngủ, chảy nước mắt vì lo lắng, không biết xoay xở thế nào để có tiền duy trì công ty, trả lãi vay.

* Xin lỗi, nghe bà trao đổi qua điện thoại thấy hình như việc kinh doanh của San Hà đang gặp khó khăn. Bà có thể chia sẻ phần nào?

- Khó khăn thì muôn vàn, từ khách quan đến chủ quan. Và dù rất e ngại nhưng cuối cùng tôi cũng phải cậy đến sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền. Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp làm hàng bình ổn như chúng tôi đang phải gồng mình vượt qua là sức tiêu thụ giảm.

Dù sản phẩm đã giảm giá ở mức không thể giảm thêm nhưng vẫn không có người mua. Điều lo lắng là sức mua yếu kéo dài, giá gia cầm tiếp tục rớt trong khi chi phí chăn nuôi tăng cùng với dịch bệnh bùng phát.

Trong tình cảnh như vậy, doanh nghiệp cũng khó trông cậy vào đâu được, chủ yếu vẫn dựa vào thực lực để giữ nguồn hàng từ các đơn vị liên kết chăn nuôi. Nếu bỏ rơi đối tác liên kết trong thời điểm này, họ bỏ chuồng, sau này không tiếp tục cung cấp hàng thì khó khăn còn gấp bội.

* Phải đối mặt với không ít khó khăn, chắc hẳn nhiều lúc bà cũng thấy mệt mỏi?

- Thương trường mà không trắc trở, khó khăn thì đâu có ai ví thương trường như chiến trường. Song, nếu được các cơ quan, ban ngành nhà nước hỗ trợ, chia sẻ, song hành thì dù khó đến đâu doanh nghiệp cũng vượt qua được và không bao giờ thấy mệt mỏi.

Trải qua nhiều năm trên thương trường, tôi thấy đâu đó vẫn có một vài "con sâu" làm rầu nồi canh, họ là những người được Nhà nước giao trách nhiệm, quyền hạn nhưng lại sử dụng quyền hạn đó như một "công cụ” để làm khó doanh nghiệp.

Thậm chí có người còn xem doanh nghiệp như một "cây khế ngọt" để hái trái mỗi ngày. Tuy những người này chỉ là số ít nhưng cũng làm biết bao doanh nghiệp phải vất vả, lao đao.

Làm ăn trong một cơ chế luôn có những người xấu làm khó, nhũng nhiễu, doanh nghiệp rất mệt mỏi, nhưng đã dấn thân vào con đường kinh doanh rồi thì phải chấp nhận và tìm cách tự cứu mình thôi.

* Có bao giờ bà thấy mình đã sai lầm khi chọn con đường kinh doanh không?

- Tôi vốn xuất thân từ gia đình buôn bán, cha tôi chuyên làm thầu, thầu chợ, thầu xây dựng, thầu bến đò... ở Long An, má tôi và cậu ruột làm ghe đáy, hằng ngày, đánh cá trên sông rồi đem ra chợ bán. Mới ba, bốn tuổi tôi đã được bà nội ẵm ra chợ ngồi bán hàng. Lớn lên trong môi trường như vậy nên tôi rất mê kinh doanh.

Khi lên Sài Gòn, tôi lại sống ở khu vực người Hoa ở quận 8, nơi tập trung các vựa hột gà, hột vịt bỏ mối cho các chợ trong thành phố và các tỉnh miền Đông. Năm 16, 17 tuổi, tôi bắt đầu buôn hột gà, hột vịt bỏ mối sỉ và lẻ.

Nhờ nhân hòa, địa lợi, khu vực quận 8 là nơi buôn bán đông đúc, lâu đời của người Hoa, lại có bến xe Cần Giuộc là cửa ngõ nơi dân buôn các tỉnh miền Tây đổ về nên việc kinh doanh của tôi khá thuận lợi.

Rồi khi các tập đoàn nước ngoài như Việt Thái, CP vào Việt Nam đã mang theo nguồn gà Tây nhập khẩu. Thời điểm đó không có thông tin nên tôi không biết gà Tây chính là gà công nghiệp. Suy nghĩ theo cảm tính, tôi cho gà Tây là tốt, sẽ mang lại sinh khí mới, mở ra luồng thương mại mới nên chủ động tìm đến các tập đoàn này đề nghị làm nhà phân phối.

Năm 1986, tôi hợp tác với Việt Thái, CP với tư cách là nhà phân phối cấp 1. Gần 20 năm trong nghề, vui, buồn, thành công, trắc trở đều đã trải qua nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ từ bỏ kinh doanh. Thấy tôi cứ xông xáo hết dự án này đến kế hoạch khác, có người hỏi: "Sao lớn tuổi rồi mà chị còn "máu lửa" với nghề vậy?".

Tôi trả lời: "Điều tôi sợ nhất trong cuộc đời là rơi vào tâm trạng chán công việc mình đang làm". Nhưng may mắn là tôi chưa bị "nghề chán" cũng như chưa bao giờ thấy chán nghề. Ngay cả lúc khó khăn nhất tôi cũng không hề thấy nản, muốn bỏ nghề.

* Theo bà, ngoài nguồn lực về tài chính, bà có ưu điểm nào vượt trội để hai tập đoàn CP và Việt Thái đồng ý chọn bà làm đại lý cấp một cho họ trong khi có rất nhiều người cũng đề nghị hợp tác với họ như bà?

- Có lẽ tôi là người đầu tiên đề nghị hợp tác với họ nên được họ ưu tiên. Hoặc cũng có thể do tôi có những thỏa thuận rất nhanh, dứt khoát, tự tin trong quá trình đàm phán. Chẳng hạn, khi họ đưa ra nhiều mức chiết khấu tùy theo số lượng hàng, tôi đã không ngần ngại chọn số lượng cao nhất.

Bởi tôi chỉ tính toán đơn giản rằng, khi mình lấy số lượng nhiều thì sẽ được hưởng chiết khấu cao, và tôi sẽ san sẻ chiết khấu cho những người mua hàng ít, không được hưởng chiết khấu. Tôi sẵn sàng cho họ chiết khấu nhiều hơn mình nếu họ lấy số lượng nhiều, bù lại tôi sẽ đạt doanh số phân phối cao nhất, trở thành nhà phân phối cấp 1.

Nhiều năm làm việc cùng nhau, tôi nhận thấy họ cũng rất quý tôi, một phần vì tính cách vui vẻ, cởi mở, phong cách năng động, tích cực của tôi. Mặt khác, tôi cũng luôn thực hiện những gì đã cam kết với họ, nghĩa là họ cần ở tôi điều gì, mong muốn điều gì, tôi đều đáp ứng.

Đơn cử khi đại diện CP hỏi tôi: "Chúng tôi muốn tháng này sản lượng gà bán ra phải gấp đôi, bà có làm được không?". Tôi trả lời rất tự tin và sòng phẳng: "Tôi làm được, nhưng các ông phải hỗ trợ tôi những vấn đề như...".

Phải nói rằng, những năm làm việc với các tập đoàn nước ngoài, nhờ sự hỗ trợ, quý mến của họ nên công việc của tôi cũng thuận lợi và tinh thần luôn phấn chấn.

* Cái lợi lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài là học được nhiều kinh nghiệm, cách quản lý, cung cách làm ăn của họ, vậy bà đã học được điều gì ở đối tác của mình?

- Tôi học được rất nhiều, nhất là năm 1986, tôi được Tập đoàn Việt Thái mời đi Thái Lan. Lần đầu tiên ra nước ngoài, tôi đã có ngay nhận thức và suy nghĩ mới: "Tất cả những việc mình đang làm phải thay đổi thì mới phát triển xa được". Tuy nhiên, một doanh nghiệp muốn phát triển thì xã hội phải phát triển, phải dựa vào cơ chế, chính sách của Nhà nước mới đi lên được.

Mà thời điểm đó, môi trường kinh doanh chưa phát triển, nhất là ngành chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ nên các doanh nghiệp như tôi vẫn phải đi chậm chạp từng bước theo sự đi lên của xã hội. Có thể nói, chuyến đi Thái Lan ấy là một bước phát triển với tôi.

Trong chuyến đi đó, tôi được gặp Chủ tịch Tập đoàn là anh Nguyễn Trung Tín, gặp tổng giám đốc, các cán bộ cấp cao trong Tập đoàn, được nghe họ trao đổi, dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm, bàn luận những cách làm mới, tầm nhìn xa và tôi đã học hỏi, mở mang đầu óc rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực phân phối, phải chủ động phát triển thương mại, mở rộng thị phần bằng việc mở rộng quan hệ thông qua các công ty chân rết... Lúc đó các tập đoàn chăn nuôi đang phát triển và tôi gần như là nhà phân phối bao tiêu toàn bộ thị trường cho họ.

* Một trong những điều tối kỵ của kinh doanh là một người làm việc cho hai công ty đối thủ, thế nhưng bà lại làm nhà phân phối cho cả CP lẫn Việt Thái, vậy bằng cách nào bà vẫn đảm bảo thị phần cam kết cho cả hai?

- Thuận lợi lớn nhất của tôi là thời điểm đó rất ít công ty làm công việc phân phối như San Hà nên tôi không bị làm khó. Tuy nhiên, vì mình làm cùng lúc cho hai công ty nên chắc chắn cũng sẽ có lúc có bên không bằng lòng, vì vậy mình phải khéo léo, phải cho họ thấy những gì mình đàm phán, cam kết với họ đều được thực hiện đúng và mình luôn làm tròn trách nhiệm.

Đặc biệt, tôi tự đặt cho mình một quy tắc, đó là không được tiết lộ thông tin của công ty này cho công ty kia. Và đối với công ty nào mình cũng tận tâm, giữ chữ tín.

* Tuy quan hệ giữa San Hà với CP, Việt Thái đang tốt đẹp, nhưng có bao giờ bà lo lắng có ngày các công ty này "bỏ mình" không?

- Tôi có nghĩ, có lường trước nhưng tự nhủ: Mình là nhà phân phối, lúc nào cũng song hành, chia sẻ khó khăn với họ và họ cũng cần vệ tinh như mình, nếu mình làm tốt họ sẽ hợp tác lâu dài.

Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác tôi cũng gặp rủi ro, đó là khi các công ty này muốn mở rộng thị trường, muốn có nhiều khách hàng như tôi nên lúc đó họ cân nhắc lại các chính sách áp dụng cho tôi, đưa ra những điều khoản khó khăn hơn.

Bản chất của thương mại là sự thôn tính, làm lớn thì thôn tính lớn, làm nhỏ thôn tính nhỏ, hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh tài chính, nguồn lực, có kinh nghiệm, tuy bên ngoài họ giữ thái độ dĩ hòa vi quý với mình nhưng bên trong là những kế hoạch giành thị trường rất quyết liệt.

Trong khi đó, mình chỉ là doanh nghiệp nhỏ, nằm trong guồng máy đó nên phải chịu ảnh hưởng, nhưng tất nhiên phải có những phương án, cách đi riêng.

Một mặt tôi vẫn phân phối hàng cho các công ty này, nhưng đồng thời chủ động tìm thêm sản phẩm mới, đầu ra mới để giữ thị phần, không bán sản phẩm của một công ty mà bán nhiều sản phẩm, không chỉ bán gà trong nước mà liên kết với các tập đoàn khác ở nước ngoài để nhập khẩu gà. Hiện tôi đang thiếu nguồn gà công nghiệp, nhưng chủ động được nguồn gà ta nhờ ký hợp đồng bao tiêu với các trang trại, hợp tác xã.

Và điều đáng mừng là năm 2012, mặc dù khủng hoảng giá cả đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi gà trong cả nước, gà bị rớt giá, đa số các hộ chăn nuôi đều "treo chuồng", nhưng Hợp tác xã Gò Công (đơn vị ký hợp đồng bao tiêu với San Hà) vẫn đem về cho xã viên nguồn thu khoảng 6 tỷ đồng và lãi khoảng 1,2 tỷ đồng.

* Đó cũng là lý do bà xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm và đang có kế hoạch lập trang trại chăn nuôi, điều này đồng nghĩa với việc bà đã trở thành đối thủ của CP và Việt Thái?

- So với CP, Việt Thái, San Hà chỉ là một công ty nhỏ, nên tôi không xem mình là đối thủ của các công ty này. Để chủ động nguyên liệu, giữ thị phần, nhất là vào thời điểm dịch cúm gia cầm hoành hành tại Việt Nam, tôi đã quyết định xây dựng nhà máy giết mổ.

Hiện tôi đã có ba nhà máy giết mổ gia cầm ở An Nhơn, Đồng Nai, Long An với công suất 30.000 con/đêm. Tuy nhiên, hiện nay, trước áp lực cạnh tranh rất lớn, nhiều công ty thấy tôi thành công cũng đã làm theo, nguồn cung trong nước lại bão hòa nên nếu chỉ quanh quẩn giết mổ sẽ không sống được.

Vì vậy, tôi đang có kế hoạch xây nhà máy giết mổ đúng tiêu chuẩn HACCP để xuất khẩu, tiến tới không chỉ cung cấp gà đông lạnh mà còn cung cấp gà thành phẩm, chẳng hạn như gà quay bằng lò điện ngay tại siêu thị...

Riêng kế hoạch lập trang trại chăn nuôi, dù còn rất nhiều trở ngại nhưng cũng không thể không làm. Lý do là hiện nay, số lượng nhân viên của San Hà đã gần 400 người, ba nhà máy giết mổ, hệ thống phân phối lớn nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định thì rất nguy hiểm. Song, dự án này hiện tại vẫn chưa thực hiện được vì tôi còn phải cân nhắc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Theo dự báo, đến năm 2015, chính sách bảo hộ bị dỡ bỏ, thịt gà và trứng gà của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có thể xuất khẩu tự do vào thị trường Việt Nam, trong khi đó, với thực trạng con giống, công nghệ, quy mô đàn, giá thành... như hiện nay thì rất có khả năng sản phẩm chăn nuôi trong nước khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, có chính sách đầu tư cho chăn nuôi khá bài bản, doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu thức ăn, các chất phụ gia, khoáng chất... chứ không phải nhập khẩu gần như hoàn toàn như Việt Nam.

Họ có thêm các lợi thế về vốn vay rẻ, không phải chịu thuế VAT thức ăn đầu vào và có chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ phía chính phủ nên giá thành sản phẩm thấp hơn Việt Nam ít nhất 15 - 20%.

* Theo bà, quản lý nhân sự trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia cầm có khó không?

- Nhà máy là sự nghiệp, nhân viên là tài sản, quan niệm như vậy nên tôi luôn yêu thương, tin tưởng, tạo điều kiện cho nhân viên gắn bó, song hành với mình. Song, quan trọng nhất là cách ứng xử.

Ông bà mình thường nói "Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" nên tôi luôn tế nhị trong từng lời ăn tiếng nói, ngay cả xử lý công việc cũng phải thấu tình, đạt lý, có tính thuyết phục để nhân viên nể trọng, tâm phục khẩu phục.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ rất cởi mở.

Lữ Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.