Khởi nguồn là một bài tập trên trường học, Justin Malik đã mở rộng thời gian cùng giới hạn bài tập từ đó anh nhận ra rất nhiều điều bổ ích về tiền bạc cũng như cách thức quản lý tiền.
Kiểm soát tài chính là một trong những kĩ năng cần thiết mà ai cũng nên có, thế nhưng mỗi người có một cách khác nhau để kiểm soát thu/chi cá nhân, đâu mới là cách hiệu quả?
Dưới đây là câu chuyện của Justin Malik, một người đã kiểm soát từng xu lẻ ra vào tài khoản của mình trong hơn 6 năm trời, anh cho rằng cách thức kiểm soát này khiến cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử để xem nó có phù hợp với mình hay không.
Vào tháng 1 năm 2010, khi vừa kết thúc những môn cuối cùng trong khoá MBA tại trường đại học Pepperdine, California, các giảng viên đã giao cho tôi một nhiệm vụ rất đơn giản: Thống kê toàn bộ khoản thu, chi của tôi trong 1 tuần sau đó viết lại cảm nhận của mình.
Quy định duy nhất của nhiệm vụ này là thống kê chi tiết tới từng xu một, kể cả tôi có chi hàng nghìn USD cho mua sắm hay tình cờ nhặt được một xu mẻ trên đường.
Bạn phải liệt kê mọi thứ vào trong thống kê này một cách chi tiết nhất, dù là nhặt được 1 đồng xu trên đường cũng phải thống kê vào đó.
Là một người mê mẩn với Excel, tôi nhanh chóng tạo nên một thư mục cho riêng mình, đi kèm với nó là các bảng biểu phụ giúp tôi thống kê dữ liệu theo ngày cũng như theo nhóm. Và sau 6 năm rưỡi với 7.500 dòng khác nhau, khoản thống kê này đã mang lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm mới, tôi vẫn giữ thói quen làm nó mỗi ngày.
Sau khoảng thời gian dài thống kê, dưới đây là những nhận định, kinh nghiệm mà tôi đúc kết được, mong rằng nó sẽ giúp ích cho bạn.
1. Ở ghép với người khác không tiết kiệm được nhiều lắm
Thường thì chúng ta hay nghĩ rằng ở ghép với bạn bè sẽ giúp ta tiết kiệm được rất nhiều tiền, điều này đúng với tiền thuê nhà cùng các dịch vụ đi kèm. Thế nhưng, theo kinh nghiệm bản thân tôi, cùng lối sống thì ở ghép phát sinh thêm một số chi phí, từ việc thuê người dọn dẹp, tiền ăn tăng lên, ở cùng bạn bè khiến số lần đi ăn nhà hàng cũng nhiều hơn. Đặc biệt là, khi đã ở cùng bạn bè, tiền quà tặng là thứ bắt đầu xuất hiện.
So sánh tương đồng, khi ở ghép tôi tiết kiệm được 2.000$ mỗi năm, tính ra là 166$ mỗi tháng. Số tiền không quá lớn, tôi có thể thương lượng hoặc tìm một căn nhà rẻ hơn. Thứ tôi nhận được khi ở riêng là cuộc sống riêng tư, không cần chia sẻ bếp, phòng sinh hoạt chung hay chỗ đỗ xe nữa, tôi có thể làm bất kì thứ gì mình thích.
2. Có bạn gái thật là tốn kém
Mối quan hệ của bạn có làm ảnh hưởng tới vấn đề tài chính không? Với tôi thì có đấy và nó khá nghiêm trọng.
Khi tôi độc thân, mỗi năm tôi tiêu khoảng 1.000$ cho quà tặng, chủ yếu là quà sinh nhật, các dịp lễ cho người thân hay bạn thân. Thế nhưng khi vừa có bạn gái, số tiền này tăng lên hơn 3 lần. Tôi không nói rằng nó dành toàn bộ cho bạn gái tôi, thế nhưng khi đã là một cặp, chúng tôi được mời tới rất nhiều nơi khác nhau và tất nhiên đi dự tiệc thì phải mang theo quà.
Quà cáp là thứ tốn nhiều chi phí nhất trong các mối quan hệ.
Rồi tới những ngày lễ bạn phải mua thêm quà cho gia đình, người thân của bạn gái nữa. Nếu hai người chia tiền ăn thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn đôi chút. Mặc dù vậy, không thể lúc nào cũng để bạn gái trả được đúng không?
So sánh cụ thể hơn, trong năm 2010, tôi chỉ chi 765$ cho quà tặng, con số này lên tới 3.600$ vào năm 2015.
3. Nuôi mèo không tốn kém như tôi nghĩ
Vào năm 2014, việc nuôi mèo của tôi khá thuận lợi, chỉ phải đi viện đúng 1 lần, cô mèo tôi nuôi được cho ăn thức ăn khô, chẳng cần hộp đi vệ sinh vì nàng ta toàn "bậy" ở ngoài. Thêm vào đó, vì cô nàng này cũng có tuổi rồi nên chẳng cần các loại đồ chơi như mèo bé. Nuôi mèo là một thứ tốn rất ít chi phí, cả năm 2014 tôi chi ra 312$ cho nàng mèo này.
Thế nhưng sang năm 2015, tôi quyết định thay đổi vì tôi không muốn cô mèo bị ốm, tôi bắt đầu mua thức ăn cao cấp hơn, đắt tiền hơn sau đó đưa mèo đi khám định kì ở bệnh viện. Trong năm 2015 tôi đã chi tới 1.375$ cho việc nuôi mèo, cao hơn 1.000$ so với năm trước và trung bình 115$ mỗi tháng chỉ dành riêng cho mèo.
Nghĩ có vẻ to tát, thế nhưng khi chia ra cấp độ ngày, mỗi ngày tôi chỉ chi có 4$ cho mèo và khi nàng mèo của tôi có được cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc thì 4$ mỗi ngày chẳng là vấn đề.
4. Thuế thật nhẹ nhàng và tuyệt vời
Bạn không nhầm đâu, tôi rất thích mỗi khi thời điểm quyết toán thuế tới. Vì đã chuẩn bị quá kĩ lưỡng cho những khoản thu chi, tới mỗi ngày làm thuế tôi chỉ mất vài phút để hoàn thiện việc kê khai thuế của mình.
Thêm vào đó, khi thống kê lại khoản thuế, bạn có thể nhìn thấy những gì mình làm được trong năm, nó cho tôi động lực để tiếp tục làm những thứ lớn hơn.
5. Chơi sổ xố có vẻ hay ho
Mỗi người có ý kiến riêng về vấn đề này, với tôi thì tôi chỉ chơi nếu như số tôi nhận được lớn hơn những gì tôi bỏ ra.
Tất nhiên, thể thắng được sổ xố là chuyện không tưởng, những người trúng sổ xố phải cực kì may mắn và có phúc lớn. Thế nhưng, hãy nhìn tới những giải thưởng nhỏ hơn, tôi chẳng quan tâm tới giải thưởng lớn vì nó chẳng bao giờ tới với mình.
Giả sử mỗi tuần tôi mua vé số 2 lần, giá mỗi vé chỉ 1$, cả năm tôi chi 100$ cho trò chơi may rủi này. 100$ có làm bạn khánh kiệt không? Với tôi thì không. Nếu trúng, cuộc đời bạn có thay đổi không? Theo tôi, điều này hoàn toàn có thể, đó là lý do vì sao tôi chơi. Cụ thể hơn nữa, trong 6 năm chơi sổ xố, tôi chi ra 400$ và thắng lại thêm 10%. Mà, thật sự thì chỉ bỏ ra 1$ để có cơ hội trúng hàng trăm triệu hoặc thậm chí cả tỷ USD, ai không thích chứ?
6. Không phải tiền bạc, sự nhận thức mới thật sự quan trọng nhất
Tới mùa thuế nhẹ nhàng, các con số có sẵn, mọi người nghĩ tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều hay những thứ khác liên quan... thế nhưng không, thứ ảnh hưởng lớn nhất với tôi trong thử nghiệm này chính là thái độ.
Chỉ 1 tuần theo dõi, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn, nó không phải là tiết kiệm hay thứ gì liên quan, đó chính là sự nhận thức. Sau đó, mỗi khi tôi tiêu tiền, tôi lại nghĩ tới bản Excel ở nhà, tiêu như thế này sẽ ảnh hưởng ra sao tới bản thân, nó có thật sự xứng đáng hay không?
Trong suốt 6 năm rưỡi thực hiện, dù là mua một cốc cà phê nhỏ thôi tôi cũng suy nghĩ, nó giống như một bài tập thiền mà tôi làm suốt khoảng thời gian ấy. Giờ đây, sự nhận thức của tôi cao hơn bao giờ hết, tôi biết mình có thể mua những gì, tôi hiểu về tiêu tiền và khả năng cân đối tài chính của tôi chưa bao giờ tốt tới thế. Bài tập nhỏ trên đã thay đổi tôi hiện tại và tất nhiên là tình hình tài chính của tôi trong tương lai, nếu có cơ hội, bạn hãy làm nó vì nó rất xứng đáng.
Ban đầu hãy chỉ thử 1 tuần thôi, chỉ là vài thống kê nho nhỏ, mỗi ngày bạn mất 20 phút là cùng, có hại gì đâu? Nếu bạn thất bại và không thể thống kê được, chẳng sao cả, hãy từ bỏ. Thế nhưng, nếu bạn thành công và cảm thấy nó hữu ích, hãy thực hiện thêm 1 tuần nữa, 1 tuần nữa và rồi kéo dài khoảng thời gian ấy ra.
Khi có được một bản thống kê với lượng dữ liệu lớn, hãy tự hỏi mình xem khả năng, kinh tế có đủ để nghỉ việc đi mở công ty riêng hay không. Mà thôi, không nghĩ xa tới thế, hãy cứ bắt đầu đi.
Van Vu (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.