Tỷ phú Richard Branson, người nắm giữ 51% cổ phần của Virgin Atlantic đã quyết định bán bớt cổ phần tại công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic để cứu hãng hàng không do ông sáng lập năm 1984.

Tỷ phú Richard Branson

Tỷ phú Richard Branson. Ảnh: Michael Nagle/Bloomberg

Richard Branson đã dành hàng thập kỷ để gây dựng hình ảnh một doanh nhân táo bạo, ưa mạo hiểm. Và giờ đây, khi còn chưa đầy một tuần nữa là đón sinh nhật lần thứ 70, vị tỷ phú này đã quyết định tham gia một trong những "canh bạc" lớn nhất cuộc đời để giải cứu hãng hàng không do ông sáng lập khỏi sự tàn phá của đại dịch Covid-19.

Ảnh hưởng của Covid-19 đã hạ gục Virgin Australia, đồng thời đẩy Virgin Atlantic Airways đến bờ vực sụp đổ. Sau khi cầu cứu gói hỗ trợ từ Chính phủ Anh bất thành, tỷ phú Branson đã buộc phải đưa ra quyết định bán bớt cổ phần tại Virgin Galactic, công ty du lịch vũ trụ nhiều tiềm năng mà ông đã dành tâm huyết phát triển trong những năm gần đây.

Ngày 14/7, Tập đoàn Virgin vừa công bố một thỏa thuận giải cứu trị giá 1,2 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD) bao gồm khoảng 170 triệu bảng từ quỹ phòng hộ Davidson Kempner Capital Management của Mỹ và 200 triệu bảng từ việc bán cổ phần của tỷ phú Branson tại Virgin Galactic.

Bên cạnh đó, hãng hàng không Delta Air Lines cũng đồng ý hoãn các khoản nợ trị giá tổng cộng 400 triệu bảng cho Virgin Atlantic. Ngoài ra, các chủ nợ, nhà cung cấp và các tổ chức tín dụng khác cũng sẽ giãn nợ khoảng 450 triệu bảng cho hãng hàng không này.

Nói về gói cứu trợ này, Shai Weiss, CEO của Virgin Atlantic cho biết, đây là tấm vé để tiếp tục hành trình của hãng và ông hy vọng nó cũng có nghĩa như một món quà sinh nhật tốt hơn cho Richard Branson khi vị tỷ phú này đã bỏ ra 200 triệu để cứu hãng bay.

Trước đó, vào cuối tháng 3, khi Chính phủ Anh từ chối lời kêu cứu của Virgin Atlantic, tỷ phú Branson đã cam kết thế chấp hòn đảo tư nhân Necker để cứu hãng bay.

Trong khi các đối thủ khác như British Airways, EasyJet, Jet2 và thậm chí cả Ryanair Holdings của Ireland hay Wizz Air Holdings của Hungary đều được tiếp cận gói cứu trợ 330 tỷ bảng của các ngân hàng Anh, thì Virgin Atlantic lại bị từ chối.

Một trong những lý do phản đối được đưa ra là do nơi cư trú của tỷ phú Branson và công ty mẹ của hãng bay này đều đặt ở Quần đảo Virgin thuộc Anh - nơi được xem là "thiên đường tránh thuế" - nên không nên giải cứu một công ty “tránh thuế”.

Mặc dù Branson giải thích rằng ông chuyển về đó vì lý do lối sống, không phải vấn đề thuế và các công ty chính của tập đoàn vẫn đóng thuế nhưng điều này không thể làm thay đổi quan điểm của Chính phủ Anh.

Dù Chính phủ Anh không dứt khoát nói không, nhưng có ý sẽ chỉ cho Virgin tiếp cận gói cứu trợ khi đã tất cả các con đường có thể khác đều đã bị chặn, bao gồm khoản vay từ các tổ chức tư nhân và tiền từ các cổ đông hiện tại.

Thực tế, Delta Air Lines, cổ đông đang nắm giữ 49% cổ phần của Virgin Atlantic hiện đang phải vật lộn với đại dịch ở Mỹ. Trong khi đó, đại dịch cũng đã làm mất đi sự quan tâm của hầu hết các kênh cho vay chính thống.

Hồi tháng 5, sau hội nghị kêu gọi đầu tư với cam kết tập trung vào kế hoạch phục hồi cho Virgin Atlantic và chiến lược tăng trưởng lợi nhuận trong trung hạn, CEO của Virgin Atlantic kêu gọi được khoảng 10 nhà đầu tư tiềm năng rót tiền cứu hãng. Mặc dù bước đột phá này hứa hẹn sẽ tăng lượng tiền mặt đáng kể cho Virgin Atlantic, nhưng hãng vẫn còn thiếu khoảng 500 triệu bảng như khoản từng yêu cầu Chỉnh phủ Anh bảo lãnh.

Điều này đặt tỷ phú Branson, người nắm giữ 51% cổ phần của Virgin Atlantic vào tình thế không có nhiều lựa chọn ngoài việc bán bớt tài sản ít bị tổn thương hơn để cứu hãng hàng không.

Do đó, tỷ phú Branson đã quyết định bán một phần của Virgin Galactic, tài sản giá trị nhất của ông. Việc bán cổ phần đã thu về hơn 450 triệu USD, trong đó, Branson cam kết chi khoảng một nửa cho Virgin Atlantic và sẽ dùng phần còn lại để củng cố các doanh nghiệp khác.

Xem thêm bài viết về: Richard Branson
Kiều Châu (BL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.