Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thực chất quy trình này ra sao? Quản trị rủi ro đang ở mức nào?... Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Qua các đợt kiểm tra định kỳ tại công ty chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện vừa qua, ông đánh giá tình hình quản trị công ty tại các công ty chứng khoán đang ở mức nào?
Theo kết quả kiểm tra sơ bộ của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thì quản trị công ty tại các công ty chứng khoán có sai phạm bị phát hiện như: HASC, SME… là rất kém, tình hình tài chính xấu. Quản trị công ty kém nên dẫn tới tình trạng người điều hành thao túng hoạt động công ty.
Tại HASC và SME, sau khi kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thấy rằng đều có quy trình kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro nhưng việc thực thi thì kém.
Tuy nhiên, đây không phải là số đông vì hiện nay nhiều công ty chứng khoán đã tập trung chú ý vào công tác quản trị công ty, cũng như tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường như hiện nay, các công ty chứng khoán đã và đang bền bỉ bám trụ thị trường để cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư. Đồng thời cũng tái cơ cấu lại, giảm thiểu chi phí, củng cố lại nhân sự, bộ máy trong đó có cả những nhân sự cấp cao.
Tại nhiều công ty chứng khoán lớn, quản trị công ty được xây dựng rất bài bản, trong đó quy trình kiểm soát rủi ro cũng được đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Song bên cạnh đó, cũng còn không ít công ty chỉ xây dựng cho có, cho đủ, còn việc thực thi và tuân thủ các quy định đó chưa nghiêm túc.
Thông tư 226/2010/TT-BTC đã có hiệu lực cưỡng chế từ 1/4/2012 và được xem là một trong những công cụ để cơ quan quản lý kiểm soát an toàn tài chính tại công ty chứng khoán. Sau hơn 4 tháng thực hiện, ông thấy kiểm soát rủi ro tại công ty chứng khoán theo cách này có hiệu quả?
Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán được ban hành nhằm hướng dẫn các tổ chức kinh doanh chứng khoán xác định các giá trị rủi ro trong toàn bộ hoạt động để từ đó họ thấy nguy cơ rủi ro và có biện pháp nhằm chủ động xử lý các rủi ro trước khi chúng trở thành những thiệt hại thực tế, đảm bảo mức vốn khả dụng theo quy định.
Trong thời gian một năm đầu áp dụng kể từ 1/4/2011, công ty chứng khoán chỉ thực hiện báo cáo về tình trạng của công ty mình. Sau đó một năm, tức là từ ngày 1/4/2012, nếu công ty chứng khoán nào bị xếp vào diện kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt theo quy định, công ty đó sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.
Theo báo cáo từ các công ty chứng khoán, từ ngày 1/4/2012 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa 7 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt theo quy định. Đối với những công ty này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu giải trình, báo cáo toàn bộ hoạt động công ty và xây dựng phương án khắc phục về tình hình tài chính. Phương án này phải được hội đồng quản trị thông qua. Nếu thấy có những vấn đề chưa rõ ràng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của công ty.
Khi thị trường chứng khoán bùng nổ, thì có nhiều công ty chứng khoán được thành lập. Tuy nhiên trải qua những giai đoạn như hiện nay, bản thân các công ty chứng khoán cũng thấy được mức độ cạnh tranh trong ngành cung cấp dịch vụ tài chính này là hết sức gay gắt, do đó đòi hỏi các công ty chứng khoán phải có những chiến lược, bước đi hết sức rõ ràng, cần phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ các quy trình kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, tuân thủ quy định pháp luật trong toàn bộ hoạt động của mình, và vấn đề đặc biệt là phải có đội ngũ nhân sự tốt, có đạo đức nghề nghiệp cao thì mới đưa công ty phát triển bền vững.
Ngày càng có nhiều công ty chứng khoán rơi vào tình trạng “trắng tay”, sai phạm đến mức bị khởi tố hình sự. Để tăng cường hơn nữa quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán, dường như việc quản lý và kiểm soát an toàn tài chính qua Thông tư 226 như vừa qua là không đủ, thưa ông?
Để tăng cường minh bạch và nâng cao chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính như công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang dự thảo sửa đổi một loạt các văn bản theo hướng tăng cường các quy định về chế tài xử lý để thắt chặt hơn vấn đề an toàn tài chính, quy định rủi ro.
Đồng thời, một quy chế hướng dẫn công ty chứng khoán một cách chi tiết việc thực hiện quản lý rủi ro, cũng chuẩn bị trình Bộ Tài chính để ban hành trong năm nay.
Trên cơ sở này, các công ty chứng khoán sẽ tự xây dựng cho mình một quy trình quản lý rủi ro thích hợp và cam kết tuân thủ thực hiện từ lãnh đạo cấp cao đến nhân viên. Quy mô công ty thế nào thì phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro cho phù hợp. Điểm quan trọng nhất của quy chế hướng dẫn công ty chứng khoán thực hiện quản lý rủi ro trong khuôn khổ công ty chứng khoán là công ty chứng khoán phải có ủy ban quản lý rủi ro.
Cụ thể, công ty chứng khoán thiết lập tiểu ban xử lý rủi ro trực thuộc hội đồng quản trị; thành viên tiểu ban này ít nhất bao gồm các thành viên như một thành viên hội đồng quản trị điều hành, tổng giám đốc, trưởng phòng quản lý rủi ro, giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ; chủ tịch ủy ban quản lý rủi ro phải là thành viên hội đồng quản trị điều hành.
Hội đồng quản trị với vai trò chịu trách nhiệm cao nhất đối với hoạt động quản lý rủi ro, sẽ phải xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro thích hợp cho công ty, gồm: quy trình hoạt động, văn hóa quản lý rủi ro, kế hoạch phân bổ vốn cần thiết để triển khai hệ thống quản lý rủi ro. Hội đồng quản trị không chỉ quan tâm đến rủi ro đối với từng nghiệp vụ kinh doanh mà phải quan tâm đến rủi ro tổng hợp của công ty. Đồng thời, hội đồng quản trị cũng cần phải tính đến quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và các quy định liên quan khác trong việc lên kế hoạch phân bổ vốn.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang dự thảo Thông tư thay thế Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán, những điểm sửa đổi và bổ sung được quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng trình Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 226 theo hướng mở rộng, chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn và đối tượng bị chế tài xử lý cũng sẽ được mở rộng hơn.
Cụ thể, ngoài các trường hợp vi phạm quy định bị xếp vào diện bị kiểm soát đặc biệt, cơ quan quản lý cũng sẽ đưa ra thêm 2 trường hợp khác vào diện kiểm soát đặc biệt như: các công ty chứng khoán không nộp báo cáo tài chính, báo cáo không đúng hạn; báo cáo vốn khả dụng có ngoại trừ trọng yếu, công ty không giải trình được.
Thời gian kiểm soát đặc biệt sẽ được rút xuống còn 3 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay. Cơ quan quản lý sẽ công bố công khai danh sách công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt và kiểm soát (nhóm 2 và 3), thay vì chỉ công bố danh sách bị kiểm soát đặc biệt như hiện nay.
Cùng với đó, Nghị định thay thế Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính cũng đưa một số chế tài mạnh mẽ như công ty chứng khoán không nộp báo cáo thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Xin cảm ơn ông!
-
APEC bổ nhiệm Tổng giám đốc 8X “thế chân” ông Nguyễn Đỗ Lăng
12/08/2023 8:35 PMCông ty cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC, HNX: APS) vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Quân làm Tổng giám đốc Chứng khoán APEC thay cho ông Nguyễn Đỗ Lăng từ ngày 9/8/2023.
-
Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt sắp hầu tòa vì thao túng giá chứng khoán
22/03/2023 3:59 PMÔng Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Trí Việt, bị cáo buộc phê duyệt và chỉ đạo cho nhóm của ông Đỗ Đức Nhân, Chủ tịch Louis Holdings, vay tiền thực hiện thao túng giá chứng khoán, thu lời bất chính hơn 154 tỷ đồng.
-
Top 10 doanh nhân dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam 2021
31/12/2021 4:14 PMBất chấp COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có một năm giao dịch thăng hoa, với nhiều kỷ lục được ghi nhận, nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh vượt đỉnh, thậm chí tăng bằng lần.
-
3 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán “bốc hơi” hơn 1 tỷ USD
11/07/2021 8:00 PMChỉ trong tuần vừa qua, 05-09/07/2021, tài sản của 3 người giàu nhất sàn chứng khoán đã “bốc hơi” 26.300 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
-
Các tỷ phú chứng khoán hụt hơi, 'vua thép' Trần Đình Long vẫn lên như diều gặp gió
31/05/2021 10:42 AMCó 4 tỷ phú trong top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán ghi nhận mức tăng đáng kể về tài sản trong tháng 5 vừa qua, nhưng ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát vẫn 'ăn nên làm ra'.
-
Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt xuất hiện người mới
10/05/2021 8:27 AMCổ phiếu NVL của Novaland có cú lội ngược dòng tăng giá liên tiếp gần đây, đưa ông chủ của tập đoàn địa ốc này vươn lên đứng thứ 3 trên sàn chứng khoán.