Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu nhân thân của các Tổng thống Mỹ, có vẻ như ông Obama đang có nhiều nét tính cách thích hợp hơn đối thủ của mình để tiếp tục ngồi ở vị trí cai quản Nhà Trắng.



Cho tới trung tuần tháng 5/2012, các cuộc thăm dò dư luận xã hội cho thấy, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama thuộc đảng Dân chủ vẫn đang ở vị thế vượt trội hơn ứng cử viên chủ đạo của đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Mỗi người mỗi cảnh

Cũng phải nói rằng, trong quá khứ có những tiêu chí khá mâu thuẫn nhau đã có ý nghĩa quan trọng trong sự chọn lựa Tổng thống của các cử tri Mỹ.

Đại đa số các vị Tổng thống Mỹ đều xuất thân từ gốc Anglosaxon. Tuy nhiên, trong số các nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng có hậu duệ của những người di cư từ Hà Lan (đó là ba vị Tổng thống Martin Van Buren, Theodore Roosevelt và Franklin Roosevelt); từ Đức (Herbert Hoovert và Dwight Eisenhower); từ Ireland hay Scotland (William McKinley; John Kennedy, Richard Nixon, Ronald Reagan và Bill Clinton). Bang có nhiều Tổng thống là Virginia (8 vị), Ohio (7 vị). New York và Massachusetts mỗi bang từng có 4 vị Tổng thống.

Các vị Tổng thống Mỹ có ngày sinh khác nhau, ở tất cả các tháng trong năm. Tuy nhiên, tháng có nhiều vị Tổng thống sinh ra nhất là tháng 10 (6 vị). Những tháng chỉ có một vị Tổng thống sinh ra là tháng 6 và tháng 9. Độ tuổi trung bình của các vị Tổng thống Mỹ khi nhậm chức là 55 tuổi 2 tháng 26 ngày. Người tiền nhiệm của ông Obama, vị Tổng thống thứ 43 George Bush (con) trở thành chủ nhân ông Nhà Trắng ở tuổi 54. Người tiền nhiệm của ông này, Bill Clinton, khi nhậm chức lần đầu ở tuổi 46. Vị Tổng thống nhậm chức ở độ tuổi trẻ nhất là Theodor Roosevelt: 42 tuổi 10 tháng. Người cao tuổi nhất khi nhậm chức Tổng thống Mỹ là Ronald Reagan: 69 tuổi 11,5 tháng.

Trước khi trở thành nguyên thủ quốc gia, các vị Tổng thống Mỹ từng làm nhiều việc khác nhau. Trong đội ngũ Tổng thống Mỹ có các cựu doanh nhân, nghệ sĩ, viên chức hành chính, nhân viên ngân hàng, nhân viên bán đấu giá, bồi bàn, công nhân, quân nhân, luật sư, thợ may, huấn luyện viên, công nhân xây dựng, đầu bếp, cảnh sát, thanh tra, nhà báo, chủ trang trại, nhân viên bảo hiểm, quan tòa, lính thủy, nhà địa chất, nhân viên gác cổng, thợ giặt, thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, vệ sĩ, nhân viên bưu điện, kỹ sư, giáo sư, phát thanh viên, thầy giáo, thợ đánh giày, nhân viên bán hàng, người sản xuất đồ chơi, thợ săn, người dọn rác... Nhiều vị Tổng thống Mỹ từng trải qua không chỉ một nghề kiếm kế sinh nhai trước khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Một vị Tổng thống Mỹ (Andrew Jackson) là con trai trong một gia đình nhập cư. 6 vị Tổng thống khác có bố hoặc mẹ là người nhập cư. Cha ông Obama là người Kenya, theo đạo Hồi; mẹ ông là người Mỹ. Cuộc hôn nhân giữa cha mẹ ông chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, sau đó mẹ ông lại đi bước nữa và sinh thêm một người con gái. Ông Obama cũng từng tốt nghiệp Đại học Columbia (nơi đây từng có hai vị Tổng thống khác theo học). Ông Obama cũng là luật sư, có vợ và hai người con.

Có một vị Tổng thống là người tàn tật (Franklin Roosevelt), phải dùng xe lăn để di chuyển. 4 vị Tổng thống khác có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nhưng đã giấu giếm kỹ càng để xã hội không hay biết.

31 trong số 44 vị Tổng thống Mỹ từng có kinh nghiệm phục vụ trong quân ngũ.

Học đường có thể được coi là lò đúc ra nhiều Tổng thống Mỹ nhất là Đại học Harvard, nơi học của 8 ông chủ Nhà Trắng, trong đó có cả ông Obama. Đương kim Tổng thống Mỹ nhập học trường luật của Đại học Harvard cuối năm 1988. Tới cuối năm thứ nhất, trên cơ sở thành tích học tập và một cuộc thi viết, chàng sinh viên Obama được chọn làm biên tập viên cho ấn phẩm Harvard Law Review. Đến năm thứ hai, vị Tổng thống tương lai đã đắc cử chức Chủ nhiệm của tạp chí này, một vị trí thiện nguyện trọn thời gian với chức năng chủ trì, điều hành một ban biên tập 80 người. Sự kiện một người da đen đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm của Harvard Law Review đã thu hút sự chú ý của báo giới Mỹ khi đó. Năm 1991, ông Obama tốt nghiệp hạng danh dự (magna cum laude) với học vị Tiến sĩ Luật (J.D.), trở về Chicago và làm việc tại các Văn phòng Luật sư Sidley & Austin (1989), và Văn phòng Luật sư Hopkins & Sutter (1990).

Có 5 vị Tổng thống Mỹ từng theo học ở Đại học Yale. Ba người từng theo học tại Trường Đại học William & Mary. 6 vị Tổng thống Mỹ từng tốt nghiệp các Học viện Quân sự.

Hầu như tất cả các vị Tổng thống Mỹ (ngoại trừ 8 người) trước khi chuyển tới Nhà Trắng đều đã là thống đốc, tướng quân hay Phó Tổng thống. Trong những thập niên gần đây, những người giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đều là những cựu thống đốc hay cựu Phó Tổng thống. Tất cả các Tổng thống Mỹ đều có vợ. 5 vị Tổng thống lấy vợ là người xuất thân từ tầng lớp dưới, còn 8 người, ngược lại, lấy vợ thuộc những danh gia vọng tộc hơn chính gia đình mình. Chỉ duy nhất có một trường hợp, khi mà người giành chiến thắng trong bầu cử Tổng thống lại là người từng có sau lưng một lần li dị (Ronald Reagan).

6 vị Tổng thống Mỹ không hề có con nối dõi. Riêng Tổng thống John Tyler lại có tới 15 người con (với hai đời vợ). Tổng thống William Harrison là người giữ kỷ lục ở Nhà Trắng về số con cái với một người vợ duy nhất: 10 người. Các cử tri Mỹ rất coi trọng việc các ứng cử viên có con cái và về chất lượng mối quan hệ giữa họ với con cái.

Phải biết tề gia

Nước Mỹ không có nhiều thay đổi trong những năm gần đây và dường như các cử tri Mỹ vẫn tiếp tục gìn giữ các định kiến của họ về một hình mẫu nguyên thủ quốc gia cần có. Theo kết quả thăm dò xã hội do Viện Gallup tiến hành mấy năm trước đây, cử tri Mỹ cho rằng, vị Tổng thống tương lai của nước này trước hết phải là một người trung thực (33% số người được hỏi ý kiến đã nêu bật yếu tố này). 4 phẩm chất hàng đầu tiếp theo mà cử tri Mỹ muốn vị Tổng thống mà họ bỏ phiếu ủng hộ phải có là: tư chất thủ lĩnh (16%); tri thức và đạo đức (10%); biết lắng nghe ý kiến của dân chúng (9%). Rất ít cử tri Mỹ muốn bỏ phiếu cho ứng cử viên chỉ đơn thuần hấp dẫn về bề ngoài.

Giáo sư Warren Bennis ở Trường Đại học Nam California và chuyên gia chính trị Thomas Freedman, cựu cố vấn của Tổng thống Bill Clinton, đã phối hợp biên soạn danh mục những phẩm chất mà theo họ, nhà lãnh đạo nước Mỹ trong nhiệm kỳ tới cần phải có. Trong cách hình dung của hai tác giả này, vị Tổng thống tương lai cần phải có những kinh nghiệm sống tiêu cực - những vị Tổng thống mà thời trẻ gặp toàn may mắn khi vào làm chủ Nhà Trắng đều vấp phải những vấn đề nghiêm trọng và gặp không ít thất bại, điều ảnh hưởng không tốt tới phong cách điều hành đất nước của họ. Vị Tổng thống mới phải có ham muốn thử nghiệm và biết chấp nhận những ý tưởng khác nhau từ những người khác nhau.

Các vị nguyên thủ quốc gia vĩ đại đều biết cách hợp tác với người khác, kể cả với các đối thủ của mình. Vị Tổng thống mới phải là người lạc quan: Trong lịch sử nước Mỹ từng có ít nhất hai trường hợp, khi mà các vị tân Tổng thống trong diễn văn nhậm chức của mình đã có những câu nói làm thăng hoa thêm tinh thần dân tộc (cựu tài tử Hollywood Ronald Reagan đã làm được điều này). Phẩm chất cuối cùng mà ông chủ tương lai của Nhà Trắng cần có, đó là khả năng làm chính khách.

Cử tri Mỹ thời nay không còn quá bị lệ thuộc vào những mô hình quá vãng. Bốn năm trước, các cử tri Mỹ đã có bước thay đổi quan trọng trong nhận thức khi bầu một ứng cử viên da màu làm nguyên thủ quốc gia mặc dù ở đất nước này, đại đa số cử tri thường không muốn phiêu lưu theo cái mới mà chủ yếu muốn dựa vào những kinh nghiệm đã được thử lửa.

Trước ông Obama, 43 vị Tổng thống tiền nhiệm đều là người da trắng và đều là tín đồ Thiên chúa giáo. Tất cả họ khi được bầu đều đang là những người có gia đình (việc có gia đình chứng tỏ ứng cử viên Tổng thống có thể sống hòa thuận với những người thân và biết cách “tề gia”). Nước Mỹ đã dám thay đổi định kiến quá khứ và có lẽ cũng sẽ đủ tâm thế để đánh giá một cách khách quan những việc mà ông Obama đã làm được trong nhiệm kỳ đầu để tiếp tục ủng hộ ông.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hình ảnh ông Obama trong vai trò người quản lý Nhà Trắng hiện nay có thể được coi như là một nhân cách trung tính mà bất cứ ai cũng có thể lồng vào đó quá khứ và khát vọng của mình. Từ điển mở Wikipedia nhận xét, những câu chuyện của ông Obama về nguồn gốc gia đình củng cố thêm nữa điều mà một bài viết đăng trên tạp chí The New Yorker tháng 5-2004 miêu tả là hình ảnh chung cho mọi người. Trong quyển Dreams from My Fathers, ông gắn kết lịch sử gia đình họ ngoại với tổ tiên là người Mỹ bản địa và là họ hàng xa với Jefferson Davis, Tổng thống Liên bang miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ.

Còn khi nói chuyện trước các cử tọa người Do Thái trong cuộc đua vào Thượng viện năm 2004, ông Obama tìm thấy sự tương đồng trong nguồn gốc ngôn ngữ giữa cái tên Barack bắt nguồn từ Đông Phi với tên Baruch, trong tiếng Hebrew nghĩa là “người được chúc phúc”.

Tháng 10/2006, khi xuất hiện trong chương trình truyền hình The Oprah Winfrey Show, ông Obama nói về tính đa dạng trong đại gia đình của mình: “Michelle sẽ bảo cho các bạn biết, khi họp mặt vào dịp Giáng sinh hoặc lễ Tạ ơn , thì đây đúng là một Liên hợp quốc thu nhỏ. Tôi có những người họ hàng trông giống như Bernie Mac (diễn viên và danh hài người Mỹ gốc Phi), trong khi những người khác trông giống như Margaret Thatcher. Ở đây chúng tôi có tất cả..".

Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.