Cafeland - Phạm Phú Ngọc Trai là người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Cho đến ngày rời PepsiCo, chức vụ cao nhất ông Trai nắm giữ là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Nam Á.

Phạm Phú Ngọc Trai (giữa) chia sẽ kinh nghiệm cho các CEO - Ảnh: Lê Linh

Phạm Phú Ngọc Trai khởi nghiệp với vị trí cán bộ Vụ Xuất- Nhập khẩu Bộ Ngoại thương, sau đó là Phó giám đốc công ty nước giải khát quận 3. Hơn 30 tuổi ông trở thành nhà quản lý trẻ tuổi nhất với vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty nước giải khát Sài Gòn (Tribeco). Sau đó, ông Trai được tín nhiệm bầu vào vị trí Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương.

Khi hào quang của chiếc ghế CEO PepsiCo đang ở đỉnh cao, đầu năm 2010, ông Trai xin nghỉ khi chưa đến tuổi về hưu để chuyển sang làm nhà tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với các cộng sự, ông đã thành lập Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (Global Integration Business Consultants - GIBC) để tiếp nối giấc mơ đào tạo đội ngũ kế thừa người Việt.

Trong hội nghị Vietnam CEO Forum 2013, ông đã chia sẽ cách đưa con thuyền doanh nghiệp vượt qua cơn bão kinh tế hiện nay.

Ông là người đứng đầu từng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, vậy ông nhìn nhận như thế nào về kinh tế Việt Nam hiện nay và các doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua khó khăn?

Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy kinh tế thế giới khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng theo tôi càng khó khăn thì doanh nghiệp cần phải biết chống trả lại và thích nghi với môi trường mới. Hãy nhìn nhận vấn đề dưới con mắt lạc quan vì trong thách thức còn có những cơ hội và hãy chấp nhận thay đổi như là điều đương nhiên.

Thế nhưng có những doanh nghiệp lại chết vì thay đổi?

Thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới là điều tất nhiên nhưng nhưng trong quá trình thay đổi tôi cho rằng 60% gây ra cái chết vì thiếu hiểu biết. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có kỹ năng quản lý và trí tuệ.

Theo ông những phẩm chất cần có của một CEO là gì?

Thứ nhất cần phải có mơ ước trở thành CEO, mặc dù doanh nhiệp của mình có quy mô nhỏ và có nhiều khó khăn nhưng CEO phải có hoài bão và tầm nhìn.

Thứ hai, phải biết áp dụng đúng sự sáng tạo trong đó có cả việc chọn người đứng đầu lãnh đạo vì một công ty muốn thành công phải có chiến lược và nguồn nhân lực.

Thứ ba là không nên tự cao quá nhưng cũng đừng tự ti, phải dùng trí tuệ của người yếu để thắng kẻ mạnh.

Theo ông điểm yếu của một doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?

Theo quan sát gần đây của tôi, những doanh nghiệp nhỏ và vừa thường vướng vào cái bẫy vì lo lắng, tự ti quá nhiều. Người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam tính thực tế không bằng người nước ngoài. Khi có hoài bão, suy nghĩ thường dừng lại ở ước mơ nhiều hơn thực tế. Theo tôi các doanh nghiệp cần phải có chuẩn bị sòng phẳng, chủ động hơn.

Để doanh nhiệp cần hoạt động tốt thì nguồn nhân lực giữ vị trí rất quan trọng, vậy theo ông doanh nhiệp cần làm gì để giữ chân nhân tài?

Theo tôi nhân tài không chỉ là người làm tốt công việc của mình, mà còn có năng lực và tiềm năng phát triển ở các vị trí cao hơn, có học, có trí tuệ để phát triển bền vững, biết tôn trọng văn hoá, những giá trị chung của công ty. Nếu không chia sẻ tương lai lâu dài mà chỉ giữ người bằng lương là không công bằng.

Một chiến lược kinh doanh mới phải có chiến lược tổ chức nhân sự đi cùng, chứ không thể dựa vào nguồn nhân lực hiện trạng. Nếu lấy người tài về mà không chọn người có văn hoá, tầm nhìn phù hợp, không chuẩn bị môi trường, không khéo sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống. Đây là bài học đau xót của không ít doanh nghiệp khi tái cấu trúc nhân lực.

Gia Bảo (Lược ghi)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.