“Ai nói làm tài chính khô khan, chứ tôi thấy tài chính nghệ thuật phết! Anh phải cảm nhận được mọi thứ, đưa ra tất cả các giả thiết và phương pháp giải quyết từng tình huống...".

“Ai nói làm tài chính khô khan, chứ tôi thấy tài chính nghệ thuật phết! Anh phải cảm nhận được mọi thứ, đưa ra tất cả các giả thiết và phương pháp giải quyết từng tình huống. Như trường hợp anh đinh ninh 3 ngày nữa bên vay sẽ trả tiền cho mình nhưng đến hạn, họ chỉ cười trừ thì sao, chẳng lẽ kế hoạch kinh doanh của mình cũng bị động? Hay khi đến ngân hàng, người cầm giấy tờ đi vay lại phải nhờ vào tài thuyết phục của chính bản thân. Điều này lý giải cho việc tại sao cũng cùng một dự án, cùng quy mô vốn lại có người vay được, có người không?”.


Có lẽ cũng chính vì những lý giải đó mà ông Lê Quốc Bình, tân Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã theo đuổi các con số kể từ ngày rời Đại học Kinh tế TP.HCM vào làm kế toán ở Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM (HIFU), rồi quản lý tiền nong, vật tư, công nhân ở doanh nghiệp sản xuất nước chấm Thuận Phát. Năm 2001, ông đầu quân về CII và làm việc tại đây cho đến tận hôm nay.

* CII sẽ có những thay đổi về chiến lược khi ông lên giữ ghế Tổng giám đốc?

- Chiến lược của CII đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt từ năm 2008. Chúng tôi chú trọng vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng, đặc biệt là những dự án có nguồn thu. Do đó, dù Ban lãnh đạo có thay đổi cũng không có gì đáng lo ngại. Điều này thể hiện qua việc chúng tôi vừa trình UBND TP.HCM đề án huy động 23.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng cho thành phố.

* 23.000 tỷ đồng không phải là con số nhỏ nên cũng không thể phụ thuộc vào việc phát hành thêm cổ phiếu hay trái phiếu chuyển đổi mà CII từng làm?


- Chúng tôi sẽ huy động từ nhiều nguồn khác nhau, như: phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp, trái phiếu đô thị, hợp tác đầu tư, tín dụng thương mại... Tuy nhiên, đây chỉ mới là giai đoạn khởi động, cũng phải mất hai năm đề án này mới bắt đầu có kết quả.


Riêng với CII, năm nay, chúng tôi sẽ giải ngân khoảng 1.200 tỷ đồng để hoàn tất tuyến Liên tỉnh lộ 25B (nối từ Cảng Cát Lái đến Xa lộ Hà Nội, quận 2), tuyến đường tránh Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và cầu Rạch Chiếc (quận 2). Đến năm 2014, CII sẽ bắt đầu triển khai 5-6 dự án lớn cho thành phố.

* Trong nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, năm nay, CII sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi Nhà máy nước Kênh Đông và Nhà máy nước Tiền Giang? Có vẻ CII chỉ làm tốt mảng hạ tầng, còn đầu tư vào nhà máy nước và bất động sản thì chưa thấy tính hiệu quả?

- Không riêng một dự án nào cả, hoạt động thoái vốn của chúng tôi diễn ra liên tục. Chúng tôi không phải là nhà đầu tư bất động sản, dù trên thị trường chứng khoán, người ta luôn ghép chúng tôi vào mảng này.


Từ năm 2009, CII đã rút khỏi thị trường bất động sản và đến nay CII không đầu tư thêm dự án mới. Tỷ trọng vốn của CII cho bất động sản chưa đến 2%.


Trước đây, chúng tôi hay “đánh lẻ” dạng đầu tư tài chính vào lĩnh vực này, nhưng điều đó cũng giống như khi bạn đi trên đường, dừng chân lại để uống nước, nghỉ ngơi, sau đó lại đi tiếp con đường mình đã chọn là nhà đầu tư tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

* Năm 2011, CII đã tiến hành bán trái phiếu chuyển đổi cho Goldman Sachs và cổ phiếu cho một số nhà đầu tư nước ngoài khác. Phải chăng tài chính của CII có trục trặc?


- Câu chuyện không nằm ở chỗ đó. Đối với mảng đầu tư cơ sở hạ tầng, gần như việc huy động vốn không bao giờ dừng lại. Nhu cầu cơ sở hạ tầng Việt Nam là rất lớn, thời buổi kinh tế khó khăn, người ta có thể chuyển từ mặc một chiếc áo hiệu Valentino sang An Phước, nhưng không thể không đi lại, điều này tạo cơ hội cho tất cả nhà đầu tư.


Động tác huy động vốn - đầu tư - thoái vốn là vòng tròn khép kín trong đầu tư hạ tầng. CII là một nhà đầu tư nên chúng tôi phải thoái vốn và hiện thực hóa lợi nhuận.


Đồng thời tạo nguồn vốn để đầu tư dự án mới. Đặc điểm của đầu tư hạ tầng là dự án nào cũng mất 15-20 năm mới hoàn vốn, nếu cứ đổ tiền vào một dự án và nằm... chết trong đó thì chỉ làm được 1 - 2 dự án là cùng. Do đó, điều quan trọng là chọn điểm rơi, đối tác và dự án phù hợp để đầu tư.

* Nhưng cổ đông CII không thể không lo ngại chuyện thay đổi HĐQT và các khoản đầu tư vào công ty liên kết lẫn hiện tượng một số thành viên “giữ thông tin” để đầu tư cổ phiếu sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của công ty?


- Trước hết, trong HĐQT mới, chúng tôi vẫn giữ lại bốn thành viên cũ, còn ba thành viên mới đến từ Manila Water (thuộc Ayala Corp., Philippines), VinaCapital và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC). Điều này chứng tỏ CII sẽ không thay đổi về bản chất.


Chẳng qua là xuất hiện những nhân tố mới, mà nhân tố này chỉ làm hệ thống quản trị của CII tốt hơn. Chẳng hạn, Manila Water là con của Tập đoàn Ayala, sẽ hỗ trợ cho chúng tôi phát triển những dự án nước.


Hiện tại, CII mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực hệ thống phân phối cấp thoát nước. Tuy nhiên, năng lực và kinh nghiệm của CII trong mảng này còn yếu, nếu không muốn nói là không có. Làm nhà máy nước thì dễ, chứ làm phân phối thì phải nghĩ đến việc chống thất thoát.


Đây lại là thế mạnh của Manila Water. Những dự án họ làm ở thủ đô Manila có tỷ lệ thất thoát nước dưới 10%, trong khi ở TP.HCM là 38%. Về việc đầu tư nhiều công ty con, công ty liên kết là do những quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP đối với những dự án BOT (xây dựng - hoạt động - chuyển giao) hay BT (xây dựng - chuyển giao) đều phải thành lập công ty dự án.


Riêng mối lo một số thành viên HĐQT giữ thông tin để lướt chứng khoán là điều tôi hơi ngạc nhiên. Bởi vì, nguyên tắc cơ bản là tất cả các nhà đầu tư, cổ đông CII đều được tiếp cận thông tin như nhau.


Chẳng hạn năm 2011, CII công bố khả năng quý II sẽ lỗ, cổ đông nội bộ (là tôi) có nhu cầu bán cổ phiếu. Nếu tôi bán trước khi công bố thông tin lỗ thì không công bằng với nhà đầu tư.


Sau khi công bố khả năng lỗ, tôi bán cổ phiếu, thị trường có 1 tuần lễ để chuẩn bị phản ứng với thông tin. Khi giải quyết xong chuyện tài chính cá nhân, tôi mua lại cổ phiếu.

* Nhưng cũng không loại trừ khả năng chính các cổ đông nội bộ làm cổ phiếu giảm, mua lại cổ phiếu quỹ với giá rẻ, sau một thời gian bán ra hưởng chênh lệch?


- Tôi từng đọc bài viết của một giám đốc nói mua cổ phiếu quỹ là “ăn trên lưng cổ đông”, tôi không đồng ý quan điểm này! Ngay khi giá cổ phiếu công ty xuống thấp, anh phải giữ giá, hỗ trợ cổ đông nhỏ; cùng lúc đó, anh phải đi tìm nhà đầu tư khác dám chấp nhận rủi ro của thị trường.


Chuyện “đạp” giá cổ phiếu xuống, tạo động thái bán ra - mua vào để sau này kiếm lời là việc làm của người không có lương tâm nghề nghiệp. Đời cha ăn mặn thì đời con sẽ khát nước.


Việc chúng tôi bán nhà máy nước BOO Thủ Đức cho Manila Water năm 2011 cũng nhằm tạo nguồn tiền để mua lại cổ phiếu CII đang trên đà xuống giá. Đây cũng là điều hợp lý.

* HĐQT của CII hiện nay có Manila Water, VinaCapital và sau này có thể là Golman Sachs, ông có e ngại sẽ xảy ra một vụ Sacombank thứ hai?

- Không! CII là mô hình mà bạn không thể “tự tung tự tác” được. Nó đã có sẵn tính hệ thống mà ngay cả Goldman Sachs phải mất 14 tháng thẩm định. Kể cả khi bạn thôn tính cũng chỉ làm CII tốt hơn thôi.


Nếu có ai đó giỏi, tạo ra nhiều cơ hội huy động vốn cho CII, nhiều mối quan hệ với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước thì chúng tôi sẽ chấp nhận ra đi. “Người thật việc thật” nên chẳng việc gì phải ngại.

* Các dự án hạ tầng có nguồn thu phụ thuộc khá lớn vào chuyện phân luồng giao thông của cơ quan quản lý. Ba trạm thu phí của CII (trạm thu phí Kinh Dương Vương, cầu Bình Triệu, Điện Biên Phủ) đều mang về doanh thu ổn định. Hơn nữa, những dự án tại TP.HCM mà CII “chạm” vào thì chỉ thành công chứ không thất bại. Điều này cũng không nằm ngoài nguyên nhân vì CII là “con cưng” của thành phố?

- Nói CII là “con cưng” của thành phố vừa có phần đúng, vừa có phần chưa chính xác. Nếu là “con hư” có muốn được cưng cũng khó! Cái gốc của vấn đề là chúng tôi đã làm được việc trở thành cầu nối huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức để xây dựng nhiều dự án cho thành phố.


Hơn nữa, CII cũng đảm bảo hai vấn đề quan trọng trong xây dựng hạ tầng là tiến độ và chất lượng công trình. Còn về việc giao dự án, phía thành phố cũng phải cân nhắc tìm nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, bộ máy quản trị tốt, chứ đâu thể giao theo cảm tính.

* Đầu tư hạ tầng ở thành phố hiện không dễ vì đầu tư theo phương thức BOT thì không biết đặt trạm thu phí ở đâu, trong khi BT lại đau đầu với phương thức thu hồi vốn?


- Khó mới là sân chơi, còn dám tham gia vào cuộc chơi hay không là tùy thuộc vào tính toán và “bí quyết” quản trị, kỹ thuật về tài chính của từng doanh nghiệp. Tại sao CII thành lập chỉ mới 10 năm nhưng đến nay vốn cam kết đầu tư đã lên đến trên 1 tỷ USD? Vấn đề là tạo ra mô hình đầu tư hợp lý, dĩ nhiên sẽ bao hàm cả yếu tố mới (đối tác) nhưng tùy theo từng dự án.


Điều mà ban quản trị CII làm được là dung hòa được “khẩu vị” của nhiều nhà đầu tư khác nhau, từ nhà đầu tư lướt sóng, dài hạn cho đến các tổ chức tài chính. Nếu cứ đi theo một lối mòn sẽ dễ dẫn đến thất bại.


Chẳng hạn, với chuyện huy động vốn, nếu chỉ đơn thuần là đi phát hành cổ phiếu để tăng vốn như nhiều doanh nghiệp khác thì quá bình thường mà hiệu quả lại không cao.


Một nguyên tắc cơ bản trong việc điều tiết dòng tiền mà CII đang làm là vốn của dự án nào sẽ chỉ sử dụng cho dự án đó; vốn của dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội không đem làm cầu Sài Gòn II, không đầu tư ngoài ngành nhiều, nhằm đảm bảo dòng vốn triển khai, vận hành từng dự án.


Việc sử dụng chồng chéo các nguồn vốn cũng giống như người chạy marathon, lâu ngày sẽ mệt, chỉ cần nghỉ ngơi 3 - 6 tháng thì người sau sẽ vượt mình.

- CII là công ty tư nhân chuyên đầu tư hạ tầng, thành lập được khoảng 10 năm, đến nay đã có vốn đầu tư lên đến trên 1 tỷ USD và đang lên kế hoạch thực hiện nhiều dự án hạ tầng lớn với tờ trình đề án huy động 23.000 tỷ đồng.


- Sau các đợt mua bán, sáp nhập, thành phần quản trị của CII hiện nay có Manila Water, VinaCapital và sau này có thể là Golman Sachs. Vì thế, các nhà đầu tư e ngại sẽ xảy ra một “Sacombank thứ hai” tại CII.
* CII đang bắt đầu “chiến dịch” ra khỏi TP.HCM?

- Thị trường đã trở thành chiếc áo quá chật, loay hoay mãi ở đây thì đến lúc nào đó sẽ mất tư duy phát triển mới. Chúng tôi cũng đang quan tâm đến nhiều dự án ở một số tỉnh, thành khác.

Cách đây 10 năm, chỉ có CII là công ty tư nhân chuyên đầu tư hạ tầng nhưng hiện nay, chỉ nhìn vào thị trường chứng khoán đã thấy phải có đến 5-6 doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này nên mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Doanh nghiệp có sức khỏe yếu sẽ không làm hạ tầng nổi, trong khi doanh nghiệp có tiền nếu không biết cách quản trị cũng chết dần chết mòn.


Quản trị quan trọng nhất là con người, đặc biệt là lãnh đạo, nếu chỉ biết chăm chăm vào lợi ích cá nhân, không dám chấp nhận thách thức và tư duy cái mới thì doanh nghiệp khó mà phát triển. Tuy nhiên, nghề nào cũng gắn với nghiệp, sản phẩm hạ tầng là những thứ đã “chôn dưới đất”, khó để kiểm chứng, nếu doanh nghiệp không có tâm thì chuyện đào thải chỉ là thời gian.

* Theo ông, phương thức đầu tư nào, BT, BOT hay PPP (công - tư), sẽ phù hợp với doanh nghiệp tư nhân?

- Hơn ai hết, doanh nghiệp phải là người đánh giá dự án để kiến nghị với cơ quan nhà nước là nên chọn hình thức nào cho phù hợp. Tại sao CII không làm đường cao tốc dù đường cao tốc được thực hiện theo mô hình PPP?


Chúng tôi biết mình đang ở đâu và khả năng làm được gì để chọn quy mô đầu tư, lao đầu vào làm dự án lớn để cuối cùng đứt hơi thì chết dây chuyền. Chẳng hạn như dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây với quy mô vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, vốn CII chỉ làm được nửa đoạn đường là hết.


Không phải tất cả dự án đều khả thi, mà phải nhìn vào năng lực tài chính, quản trị của chính doanh nghiệp mình. Chúng tôi không có tham vọng để chôn chân vào dự án lớn.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Doanh Nhân SG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.