Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Canada, Đỗ Duy Hải đã từ bỏ công việc kinh doanh truyền thống của gia đình ở Quảng Ninh quyết định vào Nam lập nghiệp. Chọn con đường kinh doanh Chocolate - một ngành không thuộc nhu yếu phẩm nhưng anh rất tự tin với sự lựa chọn của mình.

Tôi sợ bàn tay trắng lắm

Tự cho mình là người may mắn khi được đi du học, cái thời mà 10 người đi, 7 người chơi, 1 lấp lửng, chỉ còn lại 2 người học. Anh cảm thấy mình thật may mắn khi có mặt trong số 2 người học đó.

Khi đi du học, ngoài giờ học Hải phải làm thêm nhiều việc ở nhà hàng. Anh bắt đầu với công việc rửa chén, với phương châm “nhanh, sạch, hết việc, không bao giờ ngừng làm khi chưa hết giờ”, sau một thời gian anh được cất nhắc lên làm quản lý.

Vì sao anh chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp cho thương hiệu Chocolate của mình?

Sau khi tốt nghiệp tại Canada xong tôi rất mong muốn mang một mô hình kinh doanh mới về Viêt Nam nhưng với một chi phí vừa phải, mới lạ, chính điều này đã làm tôi trăn trở rất nhiều.

Ý tưởng kinh doanh chỉ đến với tôi khi có một người bạn hỏi “chocolate có ở Việt Nam chưa” câu nói đó đã giúp tôi quyết tâm tìm cách đưa chocolate về Việt Nam.

Sau đó, tôi quyết định tìm đến các công ty sản xuất chocolate có tiếng ở các nước Úc, Mỹ, Canada... đề nghị được nhượng quyền kinh doanh, nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Sau cùng tôi cũng được một công ty úc đồng ý nhưng vốn ở đâu? đây là câu hỏi lớn nhất trong đầu của tôi.

Tôi quyết định rủ bạn hợp tác kinh doanh, nhưng thời gian gắn bó không được bao lâu tôi quyết định bán hết cổ phần của mình với lý do không cùng chung tầm nhìn trong chiến lược kinh doanh và định vị thương hiệu.

Sau khi thất bại ở lần kinh doanh đầu tiên, tại sao anh lại tiếp tục chọn chocolate để khởi nghiệp nữa?

Sau lần thất bại đầu tiên tôi vẫn tiếp tục theo đuổi con đường kinh doanh Chocolate, nhưng lúc này bố mẹ muốn tôi nối nghiệp kinh doanh của gia đình, nhưng cái chính là ông bà muốn gần con út.

Còn tôi thì thích đi khám khá những cái mới, đồng thời tôi cũng nhìn thấy hướng phát triển lâu dài trong tương lai của ngành này. Nói hoài không được, bố mẹ ép tôi bằng cách thu hồi lại vốn, cắt mọi viện trợ.

Vậy là anh khởi nghiệp với bàn tay trắng?

Tôi sợ bàn tay trắng lắm? làm ơn hãy cho tôi gạo, từ gạo tôi sẽ làm ra nhiều cái khác chứ tôi sợ bàn tay trắng lắm?

Lúc bị cắt mọi viện trợ tôi phải sống nhờ vào tiền của một người bạn, lúc này tài sản của tôi chỉ là cái đầu và 1 cái laptop, tích góp tiền bạc cộng thêm vay mượn bạn bè tôi tiếp tục trở lại Canada.

Bạn có bao giờ bị đói chưa? Tôi thì bị đói rồi, đói thật sự luôn đó - Hải cười chia sẻ. Trở lại Canada tôi càng phải nỗ lực hơn nữa, vừa làm việc, vừa học hỏi, vừa sống. Sau một năm có chút vốn, tôi về nước và xây dựng nên D’Art Chocolate.

Tại sao anh lại chọn tên D’Art Chocolate?

Đây là cái tên khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, chữ Chocolate thì tôi không nói rồi, còn chữ Art có nghĩa là - “nghệ thuật”, chữ “D” tôi họ “Đỗ” nên tôi lấy chữ đó, tôi muốn thương hiệu gắn kết với cá nhân vì của mình làm được là của mình không ai gây tranh cãi được. Còn dấu “phẩy” tôi thêm vào nhìn cho nó “tây”. Tôi cảm thấy rất tâm đắc với tên này vì “trong ta có tây và trong tây có ta”.

Sau hơn 1 năm gầy dựng tôi tin D’Art Chocolate đã có chỗ đứng trên thị trường. Mục tiêu của tôi là xây dựng D’Art Chocolate là thương hiệu Chocolate hàng đầu ở Việt Nam bằng cách không ngừng cải tiến về công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng chuỗi Chocolate cà phê.

Copy không phải là xấu

Anh dùng “vũ khí” gì để cạnh tranh với các thương hiệu chocolate của Mỹ, Canada và các thương hiệu trong nước?

Theo tôi, trước kia người Việt mình có quá ít lựa chọn, vì thế tôi nghĩ chúng ta cần cho mọi người trải nghiệm, nếu bạn đặt 3 viên chocolate khác nhau ở trên bàn tôi tin chắc rằng bạn sẽ không bỏ qua D’Art Chocolate đâu.

Trong kinh doanh, chúng tôi xác định mục tiêu hướng tới rất rõ rằng, các khách hàng tiềm năng đội tuổi trẻ từ 16-25, hoặc các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.

Nghề này mang tính mùa vụ cao vì thế chúng ta cần nắm bắt nhanh xu hướng trên thị trường, khi chào hàng chúng tôi rất coi trọng 3 yếu tố mẫu mã, chất lượng và bao bì.

Vì thế khi quyết định đi giới thiệu sản phẩm mới cho đối tác chúng tôi luôn tung ra những sản phẩm đồng bộ, luôn tạo cho khách hàng cảm giác có hình ảnh của công ty mình trong các mẫu sản phẩm mà chúng tôi đem lại.

Tâm lý người tiêu dùng Việt rất lạ, thích chất lượng của Bỉ, vị đắng của Pháp, chính vì thế cứ cách một vài tháng chúng tôi phải mời chuyên gia nước ngoài sang để học hỏi thêm để đổi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nhiều thương hiệu Chocolate nổi tiếng trên thế giới đã chết, vậy thị trường Chocolate ở Việt Nam sẽ như thế nào?

Thực ra việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam đã có nhiều vấn đề khó khăn rồi, huống chi đưa ra ngoài thị trường đây đã là bài toán khó không phải ai cũng làm được trong kinh doanh thực phẩm.

Các thương hiệu lớn “chết” có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Năm 2010 nền kinh tế suy thoái và nhiều thương hiệu Chocolate cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, thứ hai là phát triển nhanh nhưng không quản lý nổi thương hiệu, mỗi nước làm mỗi kiểu…

Chính vì thế năm 2010, sau thất bại lần trước tôi trở lại Cannada, vừa học tập và tìm hiểu cách khắc phục nhược điểm thương hiệu cũ và sau đó tôi quyết định lựa chọn chocola thương hiệu Bỉ - đơn giản và sang trọng.

Anh rất tâm đắc về ý tưởng xây dựng chuỗi Chocolate cà phê, anh có thể giới thiệu về nó một chút được không?

Đây chính là ước mơ mà tôi đã ấp ủ từ lâu và cũng là điều mà tôi áy náy nhất chính là phát triển hệ thống chocolate cà phê. Nếu hệ thống thành công thì người tiêu dùng có thể trải nghiệm nhiều hơn với chocolate, họ có thể tự tạo cho mình những đồ uống hợp với khẩu vị mình hơn.

Chứ kinh doanh chocolate hiện nay chủ yếu là theo mùa vụ, một năm chỉ có mấy tháng làm ăn tốt còn những tháng còn lại chúng tôi ăn gì? Đây là hình thức kinh doanh lâu dài mang lại nguồn doanh thu cho D’Art Chocolate cả năm.

Trăn trở với việc duy trì công ty phát triển khi không vào mùa vụ nên tôi mới suy nghĩ đến việc xây dựng chuỗi Chocolate cà phê. Dự án này tôi đã ấp ủ rất lâu nhưng chưa tung ra, vì thời cơ chưa chín mùi. Tôi hy vọng năm 2013 tôi sẽ thực hiện được kế hoạch này.

Trong kinh doanh không phải mọi việc lúc nào cũng suôn sẻ, vậy có khi nào anh cảm thấy nản chí, muốn bỏ hết tất cả không?

Bỏ hết tất cả thì không bao giờ vì tôi xem D’Art Chocolate là đứa con tinh thần của mình. Còn nản chí thì có chứ, năm 2012 là một năm cực kỳ khó khăn, chúng tôi bị thiếu vốn trầm trọng, đối thủ thì cạnh tranh không lành mạnh làm chúng tôi bị mất một số hợp đồng lớn, nội bộ trong và ngoài bất ổn, nhiều nơi đòi nợ đến mức tôi phải tắt máy, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn mua lại thương hiệu nhưng tôi quyết định không bán và nhanh chóng lấy lại bình ổn, vạch ra các chiến lược với một tâm thế rất thoải mái: “Nếu không vượt qua sông được thì coi đây là một kinh nghiệm”.

Nhưng thật may mắn trong những tháng cuối năm, tình hình công ty có rất nhiều khởi sắc, nhiều hợp đồng làm quà tặng tết cho các công ty, tập đoàn lớn được ký kết và giờ ngẫn lại tôi cảm thấy thật may mắn khi quyết định không bán công ty.

Là người khởi nghiệp trẻ, anh khuyên những người đang có ý định kinh doanh điều gì?

Lời khuyên thì tôi không dám nhưng chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm, theo tôi nhiệt huyết là điều quan trọng nhất. Thứ hai là kiên định ước mơ và cần phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình muốn kinh doanh. Khi lập ra đề án cần phải nghiên cứu thật kỹ, lập kế hoạch tốt và sẵn sàn tung ra khi thời cơ chín mùi.

Điều quan trọng nhất là khi gặp khó khăn tuyệt đối không được từ bỏ, ngoài ra tôi nghĩ còn phải có “duyên” làm ăn nữa.

Anh tự đánh giá mình là người rất “tây” tại sao lại tin vào phong thủy thế?

Trước đây tư tưởng của tôi “rất tây” không tin nào mê tín dị đoan nhưng sau lần vấp ngã đầu tiên tôi bắt đầu tin vào phong thủy, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà”.

Ý tưởng in hình trên áo thun rất thành công đối với các doanh nhân nước ngoài, và anh cũng thành công bằng việc “in hình” trên chocolate, anh có nghĩ ý tưởng của mình “đụng hàng”?

Theo tôi việc copy không phải là xấu, tôi nghĩ rằng “học từ người thành công thì mình sẽ thành công nhanh hơn” thay vì nghiên cứu tìm tòi là từ đầu tại sao mình không kế thừa và phát huy lên.

Thời buổi này công nghệ thông tin rất tiên tiến vì thế mỗi lần bí điều gì đó tôi hay mày mò trên mạng, tìm và thu gom những gì mình nghĩ là cần thiết cho mình nhất.

Ví dụ như bạn thấy chocolate màu đen mà màu này theo phong thủy thì không đem lại may mắn, tôi đã lục tung khắp nơi và đã tìm ra ý tưởng tại sao mình không sử dụng giấy gói màu đỏ, để cho món quà của mình vừa sang trọng mà không đánh mất hương vị thật của chocolate.

Theo Doanhnhanthanhdat.net/NĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Ông chủ D’Art Chocolate: “Học từ người thành công thì sẽ thành công nhanh hơn”

    Ông chủ D’Art Chocolate: “Học từ người thành công thì sẽ thành công nhanh hơn”

    05/02/2013 9:43 AM

    Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Canada, Đỗ Duy Hải đã từ bỏ công việc kinh doanh truyền thống của gia đình ở Quảng Ninh quyết định vào Nam lập nghiệp. Chọn con đường kinh doanh Chocolate - một ngành không thuộc nhu yếu phẩm nhưng anh rất tự tin với sự lựa chọn của mình.

  • Đỗ Duy Hải, chủ thương hiệu D’Art Chocolate: Kẹo mềm, trí cứng

    Đỗ Duy Hải, chủ thương hiệu D’Art Chocolate: Kẹo mềm, trí cứng

    20/03/2012 1:46 AM

    Vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Canada, Đỗ Duy Hải đã được gia đình “dọn sẵn” một cơ ngơi ổn định: Làm chủ cửa hàng kinh doanh điện máy khá lớn tại Hà Nam. Thế nhưng Hải lại chọn cho mình một hướng đi khác, và đó cũng là lý do anh quyết định xa gia đình vào Nam lập nghiệp.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.