Cập nhật 13/08/2018 4:00 PM
Bà Mazumdar-Shaw sở hữu công ty dược phẩm lớn nhất Ấn Độ với 6.000 nhân viên và doanh thu hàng năm đạt 800 triệu USD.

Nữ doanh nhân Kiran Mazumdar-Shaw nổi tiếng toàn cầu bởi thành công trong sự nghiệp và những cống hiến làm thay đổi nền y tế Ấn Độ. Năm 2010, tạp chí Times bình chọn bà vào danh sách 100 người quyền lực nhất thế giới.

Một năm sau đó, bà có tên trong 50 nữ doanh nhân hàng đầu thế giới do tạp chí Financial Times đánh giá. Cùng năm này, tạp chí Forbes tôn vinh bà là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất.

Để có được những thành công đó, bà Kiran đã trải qua nhiều khó khăn khi mới thành lập công ty và biến nó thành đế chế dược phẩm toàn cầu.

Bà Kiran Mazumdar-Shaw xây dựng công ty Biocon khi chỉ mới 25 tuổi. Ảnh: India Today.

Xây dựng công ty tỷ USD với số vốn ít ỏi

Bà Kiran Mazumdar-Shaw sinh ra ở thành phố Bangalore, bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ. Cha bà, ông Rasendra Mazumdar, là một trong những người đứng đầu nhà máy sản xuất bia United Breweries. Ngày nhỏ, bà Kiran được cha định hướng học để trở thành một nhà sản xuất bia giỏi.

Theo sự sắp xếp của cha, bà Kiran học ngành sinh vật học tại Đại học Bangalore và tiếp tục bậc thạc sĩ ngành nghiên cứu và sản xuất bia tại Đại học Ballarat, Australia. Sau khi lấy bằng thạc sĩ năm 1975, bà bắt đầu làm việc tại nhà máy bia United Breweries.

Tuy nhiên, bà Kiran không thoải mái với công việc tại đây vì cho rằng đó là ngành công nghiệp bị thống trị bởi nam giới, trong khi bà muốn làm điều gì đó cho phụ nữ Ấn Độ. Bà Kiran rời nhà máy bia và quyết định tìm việc làm mới.

"Tôi cảm thấy rất khó khăn khi kiếm được một công việc phù hợp với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành bia", Bà Kiran nói.

Cuối cùng, bà quyết định tìm cơ hội việc làm tại nước ngoài và nộp hồ sơ ứng tuyển vào một số công ty ở Scotland. Trước khi đến Scotland, bà may mắn gặp được Leslie Auchincloss, một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ sinh học, và cùng nhau hợp tác để xây dựng công ty sản xuất enzim.

Ông Auchincloss sở hữu Biocon, công ty chuyên sản xuất enzim (men) sử dụng trong ngành công nghiệp bia, thực phẩm và bao bì. Ông Auchincloss đến Ấn Độ với kế hoạch xây dựng công ty con tại đây.

Tuy nhiên, vào thập niên 70 của thế kỷ trước, luật đầu tư (FDI) của Ấn Độ rất nghiêm ngặt và hạn chế các nguồn tiền từ nước ngoài. Một doanh nghiệp liên doanh chỉ được phép cơ cấu tối đa 30% vốn nước ngoài và 70% vốn nội địa.

Để nhận được sự đồng ý hợp tác của ông Leslie Auchincloss, bà Kiran phải đến Scotland làm việc với vai trò Quản lý thực tập tại Biocon trong 6 tháng để tìm hiểu quy trình sản xuất, vận hành của nhà máy.

Ngay khi trở về Ấn Độ, bà Kiran với số vốn vỏn vẹn 10.000 rupee (khoảng 200 USD ngày nay) bắt tay vào xây dựng công ty Biocon năm 1978. Văn phòng đầu tiên của công ty được đặt tại gara của ngôi nhà bà Kiran thuê ở thành phố Bangalore.

Trong những ngày đầu thành lập công ty, bà Kiran đối mặt nhiều khó khăn: Thiếu vốn đầu tư, cơ sở vật chất kém, phòng thí nghiệm không hợp vệ sinh, thiết bị nghiên cứu chất lượng thấp, nhân sự không có khả năng nghiên cứu sản phẩm...

"Không có ngân hàng nào muốn cho tôi vay tiền và không một ai nào chịu đứng ra bảo lãnh cho dự án non trẻ này. Tuyển dụng được một nhân viên có tay nghề là điều không dễ dàng bởi không ai muốn làm việc cho một công ty mới thành lập. Nhân viên đầu tiên của công ty tôi là một thợ sửa xe", bà nhớ lại.

Bà Kiran tại phòng nghiên cứu dược phẩm của công ty Biocon. Ảnh: Biocon.

Khó khăn bủa vây nhưng bà Kiran không nản lòng. Năm 1983, công ty Biocon sản xuất được các sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn của công ty mẹ và bán ra thị trường.

Với 70% cổ phần tại công ty, bà Kiran đã toàn quyền quyết định chuyển hướng Biocon từ một công ty sản xuất enzim công nghiệp thành công ty dược phẩm sinh học. Biocon chuyên nghiên cứu và sản xuất các loại dược phẩm liên quan đến bệnh tiểu đường, ung thư và bệnh tự miễn dịch.

Năm 1987, Biocon nhận được 250.000 USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm ICICI Ventures Ấn Độ. Đây là cơ hội để Biocon mở rộng nghiên cứu và phát triển. Chỉ hai năm sau, Biocon trở thành hãng công nghệ sinh học đầu tiên của Ấn Độ nhận được tài trợ của công ty Mỹ cho các công nghệ độc quyền.

Năm 2003, Biocon là công ty đầu tiên trên thế giới phát triển insulin dùng trong điều trị cho bệnh nhân tiểu đường.

Một năm sau, Biocon lên sàn chứng khoán, trở thành công ty công nghệ sinh học đầu tiên tại Ấn Độ IPO thành công, và công ty Ấn Độ thứ hai vượt mốc 1 tỷ USD trong ngày đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thành công trong sự nghiệp, bà Kiran còn được nhiều người ngưỡng mộ bởi các hoạt động thiện nguyện giúp cải thiện nền y tế Ấn Độ. Theo bà Kiran, Ấn Độ là một đất nước có 80% cơ sở hạ tầng y tế thuộc sở hữu tư nhân. Hầu hết người có thu nhập thấp không có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng.

Năm 2009, bà Kiran thành lập một bệnh viện điều trị ung thư chi phí thấp nhằm hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và san sẻ chi phi điều trị đắt đỏ.

Đặt mục tiêu giúp người dân Ấn Độ tiếp cận với các dịch vụ y tế, công ty bà đã phát triển các loại thuốc có giá thành rẻ hơn.

"Chúng tôi không phát triển những loại thuốc tốn đến hàng tỷ USD dành cho những người giàu có. Chúng tôi tập trung nghiên cứu và phát triển các loại thuốc dành cho số đông bệnh nhân đủ khả năng mua và sử dụng", bà Kiran chia sẻ.

Bà Mazumdar-Shaw cũng là người chú trọng tuyển dụng các nhà nghiên cứu trong nước và lao động nữ. Công ty của bà có khoảng 6.000 nhân viên, trong đó chiếm 40% nữ giới. Rất nhiều người trong số đó được công ty tài trợ cho đi học và nghiên cứu ở nước ngoài.

"Một trong những mục tiêu của tôi khi thành lập Biocon là đảm bảo có thể tạo ra một doanh nghiệp giúp các nhà khoa học nữ Ấn Độ phát triển. Và tôi cũng mong muốn tạo ra được môi trường làm việc đáp ứng mong mỏi của nhiều nhà khoa học, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám trong đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư Ấn Độ", bà Kiran nói.

Sau 40 năm thành lập, hiện Biocon là công ty dược phẩm lớn nhất Ấn Độ, nằm trong top 20 công ty dược lớn nhất toàn cầu do tạp chí Science bình chọn. Ở tuổi 65, bà Kiran có cuộc sống viên mãn cùng chồng, hai con và sở hữu khối tài sản lên đến 3,1 tỷ USD.

Khi được gọi là người phụ nữ giàu có nhất Ấn Độ, bà nói: "Tôi muốn được nhớ đến với những giá trị đã tạo cho xã hội hơn là với cương vị một nữ doanh nhân giàu có".

Sơn Nam (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….