Cập nhật 23/10/2017 4:38 PM
12 đến 16 tiếng mỗi ngày, liên tục 7 ngày mỗi tuần. Đó là thời gian “làm việc” của anh chàng 31 tuổi Ben Bowman, một game thủ chuyên livestream (phát sóng trực tuyến) trên nền tảng Twitch của Amazon. Với hơn 640.000 lượt xem mỗi tháng, Bowman và hàng nghìn game thủ như anh có thể kiếm được vài trăm cho đến vài ngàn USD mỗi tuần, cao hơn nhiều so với các công việc truyền thống.
Game thủ trực tuyến: Nghề “hái ra tiền” của thế kỷ 21
Để bắt đầu kiếm tiền với Twitch, game thủ phải có 500 người theo dõi và livestream ít nhất 3 lần mỗi tuần. Khi đạt được số lượng mở đầu đó, bạn bắt đầu có thể thiết lập tài khoản “đối tác” và cho phép người hâm mộ đăng ký theo dõi từng tháng.
Những người đăng ký theo dõi này sẽ trả cho Twitch 4,99 USD mỗi tháng như một hình thức ủng hộ cho game thủ ưa thích của mình, và số tiền này được chia 50/50 giữa nền tảng Twitch và game thủ. Không dừng lại ở đó, nếu bạn trở nên nổi tiếng, tỷ lệ “chia chác” sẽ được nâng lên 60/40, nghĩa là game thủ sẽ thu được ít nhất 2,5 – 3 USD cho mỗi người theo dõi.
Đối với các game thủ livestream toàn thời gian hiện nay, doanh thu từ những người đăng ký theo dõi cộng với quảng cáo được chèn trong những lần phát trực tuyến (từ 0,7 đến 2,5 USD cho mỗi 1.000 lượt xem) và những đoạn video tổng hợp trên YouTube sẽ đem lại một nguồn thu khá hấp dẫn.
Nhất là đối với những game thủ nổi tiếng, họ hoàn toàn có cơ sở để thương lượng với Twitch về phần trăm doanh thu mà hai bên nhận được, ngoài ra thì các game thủ này thường sử dụng các cổng đóng góp khác ngoài Twitch để không phải bị “chia chác”. Thêm vào đó, họ có thể hợp tác với những nhãn hiệu nổi tiếng để chèn hình ảnh thương hiệu vào mỗi lần trực tuyến.
Một ví dụ điển hình là game thủ chuyên nghiệp Lirik, hiện đang sở hữu 900.000 lượt theo dõi và hơn 6.000 fan đăng ký, chỉ riêng số lượng này đã và đang đem về cho Lirik 15.000 USD mỗi tháng, chưa kể quảng cáo thương hiệu và những nguồn thu khác.
Với số lượng người theo dõi khổng lồ, các game thủ này không khác gì những “ngôi sao” của thế kỷ 21. Gần đây Lirik đã kết hợp với Teespring để bán chiếc áo có hình đại diện của mình với giá 23 USD, mẫu áo này mang về cho anh hơn 6.681 đơn hàng, vị chi gần 153.663 USD doanh thu.
Tất nhiên rằng lượng doanh thu khủng khiếp trên chỉ tượng trưng cho một số thành phần “nổi tiếng” nhất.
Đối với rất nhiều game thủ livestream toàn thời gian còn lại, thu nhập trung bình của họ sẽ từ 2.000 đến 5.000 USD một tháng, và con số này rất đáng để cân nhắc trở thành một công việc “chính thống”.
Và hệ sinh thái xung quanh các triệu phú “gamer”
Công ty săn nhân tài
David Goldberg, thành viên của công ty Flood Gaming với trụ sở tại Hong Kong và New York, công ty của anh chuyên tìm kiếm và tuyển dụng các “ngôi sao” game thủ để trở thành bộ mặt thương hiệu cho các tập đoàn lớn.
“Chúng tôi đại diện cho các game thủ làm việc toàn thời gian,” Goldberg cho biết. “Đa phần bọn họ hiện không có người đại diện, họ ký các hợp đồng với những tập đoàn lớn mà không hề có bất kỳ suy tính hay thương lượng gì.”
“Ông bầu” game thủ
“Bạn nghĩ Tom Cruise sẽ tự thương lượng hợp đồng của mình?,” Omeed Dariani, nhà sáng lập Tập đoàn Online Performers Management cho hay. “Một khi bạn đạt tới đẳng cấp cao, bạn cần có người trợ giúp.”
Dariani và các cộng sự của mình sẽ tư vấn miễn phí và lấy khoảng 10-50% doanh thu trên các hợp đồng mà game thủ ký được.
Kế toán thuế và luật sư
Đa phần các game thủ Twitch và thậm chí là Cục thuế không biết phải khai thuế ra sao. Hiện có đến hàng chục kế toán và luật sư đang đại diện cho các game thủ nổi tiếng để làm việc trực tiếp với cục thuế.
Nhưng danh tiếng và tiền bạc đi liền với rất nhiều đánh đổi
Môi trường làm việc của các game thủ trực tuyến trên Twitch mang tính cá nhân rất cao. Người xem được “mời” về tận nhà game thủ để cùng nhau tận hưởng một tựa game nào đó. Điều này như một “mối tình đơn phương” khi người xem có thể biết tất cả về đời sống riêng tư của các game thủ, trong khi các game thủ chẳng biết gì về hàng trăm, hàng ngàn người lạ đang theo dõi mình.
Thêm vào đó, nguồn thu nhập chính của các game thủ trực tuyến sẽ đến từ phí theo dõi hàng tháng của người hâm mộ. Điều này vô hình chung khiến các “fan” cảm thấy thất vọng hoặc thậm chí là ngừng theo dõi nếu như các game thủ không liên tục phát sóng mỗi ngày.
Một khi bạn đã bắt đầu trực tuyến để kiếm tiền, cuộc sống của bạn sẽ chỉ xoay quanh 2 việc là nhanh chóng chăm sóc bản thân và trực tuyến liên tục để “chăm sóc” số lượng người hâm mộ hiện có.
“Luôn trong tư thế diễn” sẽ trở thành thực tại của bạn, và mục tiêu hàng ngày chỉ còn là trực tuyến và thu hút nhiều người theo dõi nhất có thể.
Lê Thanh Sang (NSKT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.