Covid-19 tạo cơ hội cho các công ty giúp khách kết nối với người thân, nhận tư vấn tâm lý và giảm buồn chán khi ở nhà cả ngày.

Giãn cách xã hội vì đại dịch là thách thức với rất nhiều công ty. Tuy nhiên, số khác lại đang biến điều này thành cơ hội. Trên CNBC, ba doanh nhân khởi nghiệp đã chia sẻ cách họ kiếm tiền từ nhu cầu xoa dịu nỗi cô đơn trong mùa dịch.

Kể cả trước khi Covid-19 bùng phát, sự cô đơn cũng đã là vấn đề trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Theo một báo cáo gần đây tại Mỹ, gần hai phần ba số người được khảo sát (61%) cảm thấy cô đơn, tăng so với chỉ 54% năm 2018.

Việc này sẽ có nhiều ảnh hưởng lên sức khỏe. Những người cô đơn sẽ dễ gặp các vấn đề như đột quỵ, bệnh về tim hay tuổi thọ thấp.

Karen Dolva (29 tuổi) - đồng sáng lập No Isolation biết rất rõ điều này. 5 năm qua, công ty Na Uy này đã nỗ lực giúp khách hàng giải quyết vấn đề về sự cô đơn và sức khỏe nảy sinh từ việc này. Họ hướng đến trẻ em và người già, bằng các sản phẩm công nghệ hỗ trợ giao tiếp như robot mô phỏng cử động hay máy tính bảng loại đơn giản.

Karen Dolva là đồng sáng lập No Isolation. Ảnh: No Isolation

Đại dịch càng khiến vấn đề này trầm trọng. Trong hai tuần cuối tháng 3, khi đại dịch lan tràn khắp châu Âu, nhu cầu sản phẩm của No Isolation tăng vọt. Họ phải tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu mới. "Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ không sản xuất gì thêm trong năm 2020. Nhưng sau đó, mọi thứ đảo lộn và chúng tôi phải tìm cách tăng tốc", Dolva cho biết.

Thiết bị của họ đã giúp nhiều người cao tuổi kết nối với người thân trong thời gian phải ở trong nhà. "Tôi rất vui khi thấy sản phẩm của mình có tác dụng, vì mọi người đang dùng rất nhiều. Các khách hàng lớn tuổi nhận trung bình 17 tấm ảnh một tuần. Với họ, nó cũng như nhận được một tấm bưu ảnh vậy", cô nói.

Calvin Benton - đồng sáng lập Spill (Anh) thì lại tạo ra một nền tảng cho phép các doanh nghiệp tiếp cận tư vấn tâm lý trực tuyến qua ứng dụng nhắn tin Slack. Khi mọi người phải làm việc từ xa nhiều hơn, dịch vụ này càng quan trọng.

Calvin Benton - đồng sáng lập Spill (Anh). Ảnh: Spill

"Trong 2 tháng qua, mọi chuyện thật điên rồ. Chúng tôi nhận nhiều câu hỏi về Spill hơn cả 2 năm trước cộng lại", Benton cho biết. Spill được thành lập năm 2018.

Nhu cầu không chỉ đến từ các chủ doanh nghiệp. Số cá nhân gặp vấn đề về công việc, sức khỏe cũng tìm đến dịch vụ của Spill nhiều gấp 4 lần bình thường.

Đây cũng là tin tốt cho các chuyên gia trị liệu tâm lý nữa. Họ có thể bù đắp phần thu nhập bị mất khi không thể hẹn gặp khách hàng trực tiếp. Spill cũng đã ra mắt dịch vụ công cộng, như "Hỏi chuyên gia" trên story của Instagram, và các phiên tư vấn miễn phí để những người bị cắt giảm biên chế giúp đỡ lẫn nhau.

Ngoài vấn đề về khoảng cách, tâm lý, giãn cách xã hội còn gây ra sự buồn chán. Đó là lý do Danielle Baskin đồng sáng lập QuarantineChat - ứng dụng giúp kết nối những người lạ thông qua các cuộc gọi ngẫu nhiên hàng ngày.

Baskin và Max Hawkins tạo ra dịch vụ này hồi tháng 3, trên nền tảng ứng dụng nhắn tin Dialup của họ, ngay khi Mỹ áp lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, ý tưởng này đã nhen nhóm từ lâu, khi Baskin phải ở trong nhà vì mắc bệnh truyền nhiễm.

"Tôi chỉ nghĩ Ồ, sẽ thật tuyệt nếu mình có thể kết nối với ai đó cũng bị bệnh này ngay bây giờ. Vì thế, khi Covid-19 xuất hiện, tôi đã hiện thực hóa ý tưởng đó", Baskin nói.

Ứng dụng này rất thành công. Người dùng đã thực hiện trên QuarantineChat hơn 2.300 giờ hội thoại mỗi tuần tại 183 quốc gia. "Chúng tôi cho rằng đây chỉ là cách đơn giản giúp mọi người vui vẻ hơn thôi. Nhưng thực tế lại là mọi người nói chuyện với nhau rất lâu qua điện thoại và còn trở thành bạn bè".

Gây dựng việc kinh doanh trong đại dịch không phải là điều dễ dàng. Ngoài các khó khăn về tài chính và logistics, môi trường kinh doanh và nhu cầu khách hàng cũng là điều khó đoán.

Tuy nhiên, Eric Ries - tác giả cuốn sách bán chạy về kinh doanh The Lean Startup cho biết đây có thể là thời cơ tốt nếu bạn tìm được cách giải quyết cho các vấn đề mà mọi người phải đối mặt. "Phần lớn công ty vĩ đại mà chúng ta biết đều sinh ra trong thời kỳ khủng hoảng", ông nói.

Dù vậy, Ries cho rằng các doanh nghiệp nên được tạo dựng với tầm nhìn dài hạn, thay vì chỉ giải quyết một vấn đề tại thời điểm đó. "Chúng ta sẽ không ở trong tình trạng khẩn cấp mãi đâu. Nhiều công ty kinh doanh rất tốt trong thời khủng hoảng, nhưng khi mọi thứ bình thường trở lại thì họ cũng đi xuống theo", ông nói.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.