Cựu Tổng Giám đốc FPT Trương Đình Anh từng được đánh giá là người tài năng, quyết đoán và nhạy bén, sẵn sàng dẹp bỏ những thứ không tạo ra tiền. Tuy nhiên ông lại thất bại ở cả chỉ số kinh doanh và lòng người...

Chân dung một CEO quyết đoán và đầy tham vọng

Sinh năm ngày 14/11/1970, nguyên quán tại Đà Nẵng, Trương Đình Anh tốt nghiệp cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân.

Từ năm 1991 đến năm 1993, ông là chuyên gia máy tính, Ngân hàng Công thương Việt Nam

Gia nhập FPT vào năm 1993 với vai trò một chuyên gia máy tính, rồi Giám đốc Trung tâm Internet từ năm 1997 - 2003; Từ năm 2003 đến năm 2005 đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông FPT và sau đó là Tổng giám đốc FPT Telecom, con đường sự nghiệp của Trương Đình Anh ở FPT được xem là "trải hoa hồng".

Ông Trương Đình Anh từng được đánh giá là một CEO quyết đoán và đầy tham vọng.


Và sự thành công vượt bậc của Đình Anh ở FPT Telecom đã tạo ra bức chân dung của một vị CEO cá tính, quyết liệt nhưng cũng đầy thực dụng.

Năm 1997, Trương Đình Anh trở thành người nổi tiếng nhất FPT và cũng là người nổi tiếng nhất trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm đó với tuyên bố: "Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi".

Tiếp theo đó, ông và Nguyễn Thành Nam là những người thành lập TTVNOL.

Các thành viên của FPT cũng thường nhắc đến Đình Anh với chủ nghĩa thực dụng trong kinh doanh, người luôn biết tìm kiếm cơ hội, dồn toàn lực để biến cơ hội thành tiền và đồng thời không ngại ngần dẹp bỏ những thứ không tạo ra tiền.

Tài năng, quyết đoán và nhạy bén là những gì gắn với Trương Đình Anh trong mắt những người yêu và ghét ông.

Ở FPT Telecom, cá tính Trương Đình Anh tạo ra cá tính của tổ chức, tham vọng Trương Đình Anh tạo ra tham vọng của tổ chức và phương pháp Trương Đình Anh tạo ra phương pháp của tổ chức.

Là CEO thứ 3 của FPT sau ông Trương Gia Bình và Nguyễn Thành Nam. Trương Đình Anh được coi là "lõi" của thế hệ lãnh đạo thứ hai tại FPT.

Sự xuất hiện của ông trên chiếc ghế CEO là chỉ báo rõ rệt của một cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ đã được FPT lập trình khá kỹ càng.

Cùng các phó tướng cũng thế hệ 7x bắt đầu nhận chiếc "bánh lái” khi con thuyền FPT ít nhiều đánh mất cá tính và miếng bánh ngành viễn thông, phần mềm bị cạnh tranh khốc liệt.

FPT lúc đó đã sa lầy vào một số định hướng sai, mà cụ thể là việc muốn lao vào thị trường dịch vụ viễn thông di động bằng việc mua lại EVN Telecom.

Cùng với đó cũng chịu nhiều tác động từ các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, và một giai đoạn kinh tế vĩ mô đầy biến động trong nước. Thêm vào đó là việc giá trị gia tăng từ các khoản cố phiếu của FPT khi đó cao hơn phần lương, thưởng gấp nhiều lần

Chiến lược OneFPT, cùng với đó là bài toán chiến lược dài hơi được ông Trương Đình Anh đặt ra rõ, với cam kết không bao giờ từ chức trừ khi bị HĐQT miễn nhiệm.

Đó là việc vươn ra quốc tế trong mảng giải pháp công nghệ thông tin, với các thị trường trọng điểm là các nước Đông Dương cũ và Trung Đông; chiến lược M&A trong mảng nội dung số, phần mềm, game và mạng xã hội; phát triển hệ thống bán lẻ và đào tạo nhân lực về IT.

Những chiến lược mạch lạc, cùng các động thái mạnh mẽ giải quyết các thương vụ tồn đọng và thiếu hiệu quả của CEO Trương Đình Anh khiến nhiều người FPT và ở ngoài bắt đầu nhắc tới những cụm từ “cải tổ”, “cách mạng” ở FPT.

Người FPT chứng kiến những thay đổi ráo riết từ nhân sự, tổ chức, hoạt động kinh doanh gắn với chiến lược OneFPT và mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 4 lần trong 4 năm và đưa FPT lọt vào top 500 của Forbes.

Kết thúc năm đầu tiên trên ghế CEO của Đình Anh, FPT đạt gần 26.000 tỷ doanh thu, lợi nhuận khoảng 1/10 con số đó.

Thất bại cả ở chỉ số kinh doanh và lòng người

Được đánh giá là một CEO tài năng, đầy tham vọng, biết tận dụng thời cơ, tuy nhiên, chưa đầy một năm rưỡi ngồi vào ghế nóng CEO ở FPT, lại cho thấy một thực tế, ông Trương Đình Anh đã không thành công ở cả hai mảng là chỉ số kinh doanh và lòng người.

Ông Trương Gia Bình trở lại công việc điều hành tập đoàn là nhằm đảm bảo FPT tiếp tục phát triển ổn định và chuẩn bị tốt hơn cho sự chuyển giao một thế hệ lãnh đạo trong thời gian tới.


Thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2012 của FPT công bố, có thể dễ dàng rằng, tập đoàn này vẫn đang gặp không ít khó khăn. Doanh thu mới đạt gần 15.300 tỉ đồng và lợi nhuận gộp trước thuế đạt 1.540 tỉ đồng.

Như vậy chỉ còn 4 tháng nữa nhưng FPT phải giải quyết cho được vấn đề thêm gần 11.000 tỉ đồng doanh thu và khoảng 1.000 tỉ đồng lợi nhuận, tính ra mỗi tháng còn lại bình quân phải đạt được khoảng 2.750 tỉ đồng doanh thu và 250 tỉ đồng lợi nhuận.

Nếu so với mức bình quân tháng của 8 tháng qua - doanh thu đạt hơn 1.900 tỉ đồng/tháng và lợi nhuận đạt hơn 192 tỉ đồng/tháng - thì yêu cầu cho những tháng cuối năm là áp lực quá lớn, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều khó khăn.

Và cho dù, ngay cả khi FPT đã điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch và CEO Trương Đình Anh được cho là tài ba đã quay lại sau một thời gian xin nghỉ phép (cuối tháng 8 đến 17.9.2012), cũng không có gì chắc chắn là sẽ hoàn thành kế hoạch do HĐQT thông qua.

Ông Trương Đình Anh thất bại ở ít nhất ba khía cạnh: Không hoàn thành được kế hoạch, không hòa hợp được với tư tưởng của HĐQT và không được lòng các công ty thành viên và nhân viên.

Trong khoảng gần một năm rưỡi cầm trịch điều hành FPT, ông Trương Đình Anh chưa để lại dấu ấn gì ngoài chiến lược “One FPT” nhằm thâu tóm quyền lực về một mối.

Trên thực tế, mô hình “One FPT” đã được ông Trương Đình Anh tiến hành theo một cách thức khắc nghiệt hơn bao giờ hết.

Và khi “One FPT” của ông Trương Đình Anh thất bại ngay trong lòng người FPT, thì đây cũng trở thành sự thất bại của tập đoàn này trong việc tìm một hướng đi, mô hình mới.

Ông Trương Đình Anh cho rằng, lý do ông ra đi là do có sự bất đồng với HĐQT nhưng có thể thấy rằng đây chỉ là những nói từ một phía.

Sâu hơn nữa, có thể nhận thấy chính các công ty thành viên trong FPT cũng đã có sự bất đồng với quan điểm điều hành kinh doanh của ông Trương Đình Anh.

Sự ra đi của ông Trương Đình Anh ở đây còn cho thấy một thất bại, đó là cách làm nhân sự CEO của FPT.

Và như chính ông Trương Gia Bình đã nhấn mạnh thì, việc: "Chủ định chọn duy nhất một ứng viên cho vị trí tổng giám đốc không hẳn là một cách làm đúng".

Theo Giáo Dục Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.