Việt Nam đang là lựa chọn cho nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ chuyển dịch đầu tư. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam thách thức về tăng cường khả năng định vị năng lực.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tham quan một gian hàng giới thiệu sản phẩm của một DN Việt - Ảnh: N.AN

Thông tin được ông Daniel J.Krirenbrink - đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - đưa ra tại Ngày hội Nhà cung cấp 2019 diễn ra sáng 25-4 tại Hà Nội.

Theo ông Daniel J.Krirenbrink, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt trong hai thập kỷ vừa qua. Do đó, với vai trò là một trong những đối tác quan trọng, chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên thúc đẩy thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Đáng chú ý là Việt Nam đang có nhiều sự thay đổi và nhiều công ty lớn cũng đang có chuyển dịch vào Việt Nam. Do đó, ông Daniel J.Krirenbrink cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn cùng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, theo ông Daniel J.Krirenbrink, Việt Nam có những lợi thế lớn thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đa quốc gia như lực lượng lao động dồi dào, kinh tế phát triển ổn định. Tuy nhiên ông cũng lưu ý đến tính ổn định các chính sách để đảm bảo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp.

"Việt Nam có những thách thức trong việc tăng cường khả năng định vị hơn nữa. Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm trên 90% trong tổng số doanh nghiệp, nhưng chỉ đóng góp khoảng 40% vào GDP, chỉ 1/4 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" - đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói.

Theo ông, giá trị tiềm năng để tăng khả năng nội địa hóa trong xuất khẩu thông qua chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là 115 tỉ USD. Tiềm năng phát triển cho Việt Nam qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu khoảng 58 tỉ USD.

Tuy nhiên, ông Daniel J.Krirenbrink cho rằng do doanh nghiệp Việt không hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nên đã bỏ lỡ mất cơ hội này. Trong khi đây là con đường để nâng nâng cao năng suất của Việt Nam.

Vì vậy, ông đại sứ cho rằng cần phải đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình nâng cao năng suất, sự đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Theo ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, mặc dù Việt Nam nổi lên là nước có FTA nhiều nhất trong khu vực, là địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài thuộc hàng đầu thế giới, nhưng khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để đáp ứng tốt nhu cầu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, tới đây Bộ Công thương sẽ thúc đẩy mạnh việc tiếp cận và thâm nhập thị trường, quảng bá thông tin, nâng cao nhận thức kỹ năng của doanh nghiệp như thiết kế, xây dựng phát triển thương hiệu, marketing...

Ngày hội Nhà cung cấp lần đầu tiên tại Hà Nội do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội phối hợp cùng VCCI, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tổ chức.

Đây là sự kiện quy tụ hơn 60 công ty tham gia với các lĩnh vực khác nhau như điện tử, kim khí, dệt may, da giày, đồ nội thất, chế biến gỗ, phụ tùng ô tô, kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm/đồ uống, nhựa, kho bãi, vận tải, y tế, chăm sóc sức khỏe....

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ kết nối và tìm hiểu cơ hội hợp tác với nhiều công ty toàn cầu của Mỹ như GE, Hanesbrands, Coca-Cola, Polaris, 3M và Gentherm...

N.An (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.