Jan Koum - nhà sáng lập WhatsApp từng phải sống sử dụng nhà tắm công cộng, xếp hàng để nhận những suất ăn miễn phí.

Bí quyết là niềm đam mê công nghệ

Ông là người gốc Do Thái, sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ bên ngoài Kiev, Ukraina. Gia đình Koum có ba người với mẹ làm nội trợ và bố làm quản lý xây dựng bệnh viện và trường học. Gia đình Jan Koum nghèo tới mức không có nước nóng để tắm dù thời tiết ở đất nước này rất lạnh giá.

“Bạn hãy thử tưởng tượng, giữa mùa đông lạnh giá ở Ukraine, nhiệt độ ngoài trời có thể xuống tới âm 20 độ C, vậy mà lũ trẻ như chúng tôi phải cuốc bộ tới bãi đỗ ô tô gần trường để sử dụng nhà tắm công cộng”, Jan Koum kể.

Năm 16 tuổi, Koum cùng mẹ nhập cư Mỹ với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ ở trong một căn hộ nhỏ tại Mountain View, California và sống bằng nguồn phúc lợi cũng như sử dụng tem phiếu thực phẩm. Những ngày đầu ở Mỹ, Koum phải xếp hàng để được nhận suất ăn miễn phí. Để kiếm tiền, mẹ Koum phải đi trông trẻ thuê, còn Koum nhận việc quét dọn trong cửa hàng rau quả gần nhà.

Cha của Jan Koum dự định sẽ đoàn tụ với hai mẹ con khi họ ổn định hơn nhưng không may ông mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời 5 năm sau đó. Đáng buồn hơn, mẹ của Jan Koum không lâu sau cũng được chẩn đoán mắc ung thư và qua đời sau cha của ông 3 năm.

Do thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, Jan Koum từng có thời gian nổi loạn và gặp rắc rối ở trường. Ông bắt đầu không thích trường học và những mối quan hệ “nông cạn” xung quanh. Năm 18 tuổi, Koum vẫn thuộc “thành phần cá biệt” ở trường do ít hòa nhập với bạn bè. Jan Koum suýt nữa không đỗ tốt nghiệp vì học hành chểnh mảng.

Tuy nhiên, ông làm bạn với chiếc máy tính cũ mua lại từ hiệu sách. Lúc đó ông đã bắt đầu tự học IT và mạng máy tính bằng cách mua sách ở cửa hàng sách cũ. Có thời gian, Koum gia nhập một nhóm hacker (tin tặc), lân la vào thế giới mạng và làm quen với những nhân vật sau này đều nổi danh như đồng sáng lập của Napster.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Koum đã là một người yêu thích công nghệ.

Trong thời gian học đại học, ông làm thêm tại hãng Ernst & Young với vị trí nhân viên kiểm tra lỗ hổng bảo mật. Một phần công việc của anh có liên quan tới giám sát hệ thống quảng cáo của Yahoo và đây là cơ duyên để Koum gia nhập tập đoàn Internet khổng lồ này sau đó.

Tại đây, ông có dịp gặp gỡ Brian Acton, một nhân viên của Yahoo và người này đã giúp Jan Koum trở thành nhân viên an ninh của công ty. Không lâu sau, ông quyết định ngừng đến trường để tập trung làm toàn thời gian tại Yahoo vì thấy rằng mình ghét đi học. Koum có cơ hội tham gia vào một đội hacker đặc biệt chuyên tập trung vào vấn đề an ninh có mật danh là “w00w00”.

Cặp đôi này đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong 9 năm sau đó. Koum tiết kiệm được 400.000 USD còn người bạn Action mất hàng triệu USD sau khi đầu tư vào các công ty công nghệ.

Vào tháng 9/2007, bộ đôi này rời khỏi Yahoo và xả hơi trong suốt gần một năm trời để du lịch khắp nơi và tìm kiếm cảm hứng mới. Khi trở về, Jan và Acton quyết định cùng nhau nộp đơn xin việc tại Facebook. Tuy nhiên, mong muốn của họ không thành hiện thực khi cả hai đều trượt.

“Chúng tôi là những người bị Facebook từ chối”, Acton nói.

WhatsApp tạo nên bước ngoặt cuộc đời

Đến 1/2009, khi mua một chiếc iPhone, Jan Koum nhận ra rằng kho ứng dụng App Store có thể mở ra cả một ngành công nghiệp ứng dụng. Ông cùng người bạn người Nga là Alex Fishman đã ngồi hàng giờ để nói về ý tưởng phát triển ứng dụng mới.

Đến tháng 4/2009, Jan Koum quyết định thành lập công ty WhatsApp Inc. - với ứng dụng nhắn tin miễn phí dành cho di động WhatsApp. Khi Fishman triển khai ứng dụng, chỉ có vài trăm người dùng tải về nó - chủ yếu là các bạn bè của Jan Koum tại Nga.

Thời gian đó, ứng dụng di động này gần như là duy nhất cho phép người dùng sử dụng số điện thoại của mình để nhắn tin miễn phí. Khác với Skype - cũng là một ứng dụng nhắn tin phổ biến trên mạng, WhatsApp không quản lý tài khoản bằng mật khẩu mà thực hiện bằng nhận dạng số điện thoại người dùng.

WhatsApp nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn người dùng tại Đông Âu và cả ở Mỹ. Brian Action gia nhập ban quản trị 9 tháng sau khi thành lập. Cả hai thu hút được 250.000 USD trong lần huy động vốn đầu tiên từ 5 người bạn ở công ty cũ.

Nhờ khoản tiền, Koum và Acton làm việc không công trong vài năm đầu tiên. Đến cuối năm 2009, WhatsApp quyết định thu phí, bằng cách định kỳ thay đổi trạng thái ứng dụng từ "miễn phí" sang "thu phí" và kiếm khoảng 5.000 USD mỗi tháng. Ngoài ra, họ nâng cấp ứng dụng cho iPhone với chức năng gửi ảnh. Ứng dụng nhanh chóng khiến người dùng điện thoại của Apple phát cuồng dù bị thu phí 1 USD. Mức phí này rẻ hơn chi phí nhắn tin sms, nhất là với những tin nhắn quốc tế hoặc có đính kèm hình ảnh, video.

Về công nghệ, trong khi iMessage của Apple hay BBM của BlackBerry chỉ cho phép nhắn tin giữa hai sản phẩm của công ty thì WhatsApp có thể chạy trên tất cả các hệ điều hành của các dòng điện thoại thông minh hiện thời.

Tiến hành gửi hàng tỷ tin nhắn mỗi ngày, thu hút hơn 450 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, WhatsApp tương đương, thậm chí là qua mặt nhiều mạng xã hội hay dịch vụ nhắn tin phổ biến khác như Skype, Twitter. Bản thân Facebook Messenger cũng không phải là đối thủ của WhatsApp.

Khoảng chục năm trước, chỉ với 32 kỹ sư, một nhà phát triển của WhatsApp sẽ phải hỗ trợ tới 14 triệu người dùng thường xuyên, một tỷ lệ chưa từng nghe nói đến trong ngành công nghệ thời đó. Đội ngũ "huyền thoại" này vẫn thành công trong việc duy trì một dịch vụ đáng tin cậy, xử lý tới 50 tỷ tin nhắn mỗi ngày trên 7 nền tảng khác nhau.

Không ai có thể tưởng tượng được rằng WhatsApp đạt được tất cả những thành tựu này mà không phải chi lấy một đồng cho marketing. WhatsApp không tuyển cả nhân viên PR hay tiếp thị.

Nhưng khác với những thương hiệu lớn nhất thế giới, WhatsApp lại tạo được sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy với người dùng. Tất cả sự tăng trưởng của WhatsApp đều đến từ những khách hàng hài lòng và thuyết phục bạn bè của họ dùng thử dịch vụ.

Mọi chuyện dần thay đổi khi ứng dụng này lọt vào danh sách Top 20 ứng dụng phổ biến nhất trên Apple Store năm 2011. Đến tháng 2/2013, cả hai quyết định tổ chức cuộc gọi vốn lần hai trong bí mật và có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 50 triệu USD, nâng giá trị WhatsApp lên 1,5 tỷ USD.

Năm 2012, WhatsApp lọt vào tầm ngắm của Facebook. CEO Mark Zuckerberg đã gọi điện thoại cho Koum. Hai người sau đó đi uống cà phê và cùng leo núi. Trong suốt hai năm, họ luôn giữ liên lạc, thường xuyên leo núi và trò chuyện về chủ đề kết nối thế giới.

Tháng 2/2014, Zuckerberg mời Koum ăn tối và đưa ra đề nghị mua lại WhatsApp ngay trên bàn ăn. Facebook đã định giá và tiến hành thu mua WhatsApp với tổng giá trị hợp đồng lên đến 19 tỷ USD.

Vào thời điểm đó, Jan Koum sở hữu 45% cổ phần trong công ty, còn người đồng sáng lập còn lại Brian Acton nắm hơn 20%. Điều này có nghĩa là sau thương vụ với Facebook, theo Forbes, Koum sở hữu khối tài sản khoảng 6,8 tỷ USD, còn Acton có ít nhất 3 tỷ USD.

Hoài Thu (PhapLuatPlus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.