Cập nhật 09/04/2017 9:29 AM
"Đối với tôi, thành công chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại", ông Soichiro Honda chia sẻ.

LTS: Trước khi trở thành những người thành công và giàu có, hầu hết các doanh nhân trên thế giới đều nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc mà coi những thất bại đó là động lực và bài học để tiến lên phía trước.

Bắt đầu từ Chủ nhật tuần này, NDH xin giới thiệu với độc giả series bài viết "Chuyện thất bại" kể về những khó khăn mà các doanh nhân nổi tiếng từng phải đương đầu, từ đó truyền cảm hứng giúp bạn vượt qua những trở ngại trong sự nghiệp và cuộc sống.

Kỳ 1. Người sáng lập Honda: Sự nghiệp lừng lẫy được gây dựng từ thất bại

Honda giờ đây là một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất nước Nhật và nổi tiếng trên toàn thế giới. Để đạt được thành công đó có đóng góp không nhỏ từ ông Soichiro Honda, người sáng lập ra thương hiệu này.

Soichiro được Tạp chí People (Mỹ) xếp vào danh sách “25 người đáng quan tâm của năm” vào năm 1980, đồng thời tôn vinh ông như một “Henry Ford của Nhật Bản” với những đóng góp tạo ra cuộc cách mạng về phương tiện giao thông cá nhân của nhân loại.

Tuy nhiên, trước khi xây dựng được sự nghiệp lừng lẫy, Soichiro đã phải gặp vô số thất bại. Ông từng chia sẻ rằng, "Đối với tôi, thành công chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại."

Bài viết này sẽ kể về một trong những thất bại của ông Soichiro Honda.

Soichiro Honda, người sáng lập Honda Motor

Thời thơ ấu và tuổi trẻ

Soichiro Honda sinh ngày 17/11/ 1906 tại Yamahigashi, làng Komyo (nay là Tenryu), hạt Iwata thuộc Shizuoka Prefecture ( Nhật Bản). Cha của Honda, ông Ghihei là một thợ rèn.

Khi còn nhỏ, Shoichiro luôn quanh quẩn bên bố, xem ông làm việc và qua đó ông đã học được cách tự làm đồ chơi cho mình. Tài sản mà Soichiro được thừa kế từ cha chính là lòng yêu thích nghề cơ khí.

Năm 1922, Soichiro cùng cha đi lên Tokyo sau khi xem một quảng cáo tìm người giúp việc được đăng trên tờ báo thương mại. Nơi họ đến là một cửa hàng sửa chữa ô tô có tên là Art Shokai. Lý do lớn nhất để cậu bé Soichiro 15 tuổi muốn làm việc ở đây chính là có cơ hội được tiếp xúc gần gũi với những chiếc ô tô.

Thời gian đầu, công việc của Soichiro là nội trợ và trông trẻ cho gia đình ông chủ. Buổi tối khi đã làm xong hết công việc, Soichiro thường trốn vào trong xưởng để được ngắm những chiếc ô tô. Cậu bé không hài lòng với công việc của mình và thậm chí còn nghĩ sẽ từ bỏ để trở về nhà. Chính lúc này, Sochiro Honda được ông Hikoji Kitazama, người giám sát trực tiếp động viên, giúp đỡ. Hàng ngày sau khi hoàn tất mọi công việc, Sochiro được phép đi tới cửa hiệu thứ hai của Art Shokai nơi mà một chiếc xe ô tô đua đang được làm tại đó.

Năm 1923, sau khi cứu 3 chiếc xe đua của hãng khỏi một đám cháy, Sochiro được giao việc trở thành thợ chính, giúp thiết kế xe đua. Năm 1924, chiếc xe Curtiss do Sochiro làm thợ kỹ thuật đã giành giải nhất tại cuộc đua tổ chức ở Tsurumi thuộc Kanagawaken. Chàng trai trẻ vô cùng vui sướng và chiến thắng này là bước khởi đầu cho niềm đam mê xe đua của Soichiro.

Sau 5 năm học việc tại cửa hàng Art Shokai và 1 năm chứng minh khả năng với ông chủ, cuối cùng Soichiro đã được phép tự mở chi nhánh Art Shokai ở làng của mình tại Hamamatsu. Lúc đó Soichiro vừa tròn 21 tuổi.

Chuyện những chiếc séc măng thất bại

Mặc dù công việc kinh doanh đang trong thời kỳ phát đạt, cửa hàng ngày càng được mở rộng nhưng Soichiro vẫn không hài lòng. Thiếu những khó khăn thử thách Soichiro cảm thấy bứt rứt, buồn bực không yên. Soichiro muốn làm một cái gì đó hơn là chỉ sửa chữa đơn thuần.Từ đó, Soichiro bắt đầu suy nghĩ đến việc kinh doanh sản xuất.

Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của ông là những chiếc séc măng (piston ring). Séc măng dường như là một chi tiết hoàn hảo, nhỏ nhưng rất đắt. Và thế là, Soichiro nhanh chóng xây dựng kế hoạch để tiến hành sản xuất hàng loạt. Ông thuê nhà xưởng tại thị trấn Yamashita của thành phố Hamamatsu và mở “Phòng nghiên cứu sản xuất séc măng Art Shokai".

Ban Giám đốc của Art Shokai kịch liệt phản đối ý tưởng này của ông và họ không cấp vốn cho ông. Soichiro cảm thấy rất chán nản sau khi giấc mơ của mình bị dập tắt, do vậy ông đã bị đau dây thần kinh vùng đầu và sau đó đau lưng nặng. Trong suốt gần hai tháng Soichiro phải nghỉ ở nhà chữa bệnh, nhưng ngay cả trong lúc khó khăn đó ông cũng vẫn luôn bị ám ảnh bởi việc phát triển chế tạo séc măng. Ông không bao giờ bỏ qua mơ ước của mình và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới.

Năm 30 tuổi, dù đã là Chủ tịch công ty do ông thành lập nhưng Soichiro vẫn quyết định phải trở lại trường học. Người ta khá ngạc nhiên khi thấy một người lớn tuổi ở trong lớp học. Ngoài giờ lên lớp, Soichiro giành hết thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thậm chí Soichiro ăn ngay ở phòng thí nghiệm vào những lúc trái khoáy, không cạo râu và để đầu tóc rối bời nhưng ông không để ý đến các điều đó, ông chỉ quan tâm đến một vấn đề là chiếc séc măng.

Năm 1936, Soichiro tham gia một cuộc đua và gặp tại nạn thảm khốc. Ông bị gãy xương bả vai và bị thương nặng ở mặt. Trong bệnh viện, ông không ngừng nghĩ về công việc kinh doanh của mình. Một tuần sau ông ra viện, bị thương nặng, tiền tiết kiệm thì hết và công việc kinh doanh chế tạo séc măng sụp đổ. Gia đình Soichiro rơi vào một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Vợ của ông cùng với con nhỏ phải đem cầm cố những đồ vật có giá trị của họ.

Một hôm, Soichiro chọn 50 chiếc séc măng trong số 30.000 chiếc ông đã làm và giao cho Toyoda Jido Shokki. Sau đó, được biết là chỉ có ba chiếc qua được vòng thử nghiệm của Toyota, ông rất tức giận. Ông cố kìm nén cơn tức giận một cách khó khăn và quyết định chuyển sang đối mặt với thử thách mới. Năm 1939, Soichiro thôi làm quản lý cửa hàng Art Shokai Hamamatsu, chuyển đến Sueo Kawashima trở thành Chủ tịch của Tokai Seiki Jyukogyo.

Sau hai năm học ở trường Hamamatsu, do không tham dự kỳ thi nên Soichiro bị buộc phải thôi học. Tuy nhiên, ông đi học chỉ là để có được những kiến thức cần thiết nhằm đạt được mục đích của mình và thành quả của ông được mọi người công nhận. Sau khi bị đuổi khỏi trường, ông đến trường đại học Tohoku Imperial và Nihon Muoran Seisakusho để học thêm những kiến thức khác.

Được trợ giúp bởi những điều học được ở trường, Soichiro đã phát minh ra nhiều thứ và có được rất nhiều bằng sáng chế. Một trong những phát minh đó là máy đánh bóng séc măng. Chiếc máy đó quả là một sự thay đổi to lớn và rất đơn giản trong khi sử dụng. Sau 3 năm thử nghiệm và thất bại, khi sự kiên nhẫn của ông đã đến giới hạn, thì cuối cùng sự huyền bí được khám phá và Soichiro đã có thể làm được những chiếc séc măng tuyệt vời. Những ngày tháng đó là những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của Soichiro. Tuy nhiên, chính từ những kinh nghiệm này, công ty Honda ngày nay đã ra đời.

*Bài viết tham khảo thông tin từ Wikipedia và tiểu sử của ông Soichiro Honda

Tâm Tâm (NDH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.