Cập nhật 13/05/2019 10:21 AM
Ngày càng nhiều người lao động Nhật Bản không chấp nhận văn hóa làm việc miệt mài từ sáng đến đêm đã quá lỗi thời.

Khi còn làm việc tại một ngân hàng, Chihiro Narazaki (29 tuổi) thường phải chấp nhận chuyện sếp của cô thường giao những công việc thuận lợi nhất cho những người có kinh nghiệm hơn cô. Các ý tưởng của Narazaki bị coi nhẹ và cô thường phải thức khuya để làm các công việc giấy tờ thông thường.

Trả lời Reuters, Narazaki tâm sự cô sợ rằng mình cũng sẽ sống cuộc sống “mắc kẹt trong thời gian” giống như cha mình: làm việc tối ngày, không thấy tương lai. Quyết tâm tránh xa số phận đó, cô rời bỏ ngân hàng, tìm một công việc mới.

Đó là bán phần mềm cho Cybozu Inc. “Thỉnh thoảng tôi làm việc ở nhà, đi thăm một vài khách hàng và sau đó trở về nhà để làm việc thêm. Tôi được tự do hơn”, Narazaki kể. Giờ cô đã có thời gian đi tập yoga.

Nhân viên công sở đi bộ đến nơi làm việc ở Tokyo. Ảnh: Japan Times.

Với việc tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp trong 26 năm qua (2,3%), các công ty Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nhân sự. Theo Reuters, người trẻ tuổi gia nhập lực lượng lao động đã không còn chấp nhận thứ văn hóa công sở cũ kỹ của xứ sở mặt trời mọc.

Đó là thời gian làm việc từ sáng đến khuya, cấp trên luôn luôn đúng và phần thưởng dựa vào lòng trung thành và thâm niên lao động.

Những thay đổi tích cực

Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, các công ty Nhật Bản phát triển mạnh mẽ nhờ lợi thế công nghệ, sự tận tâm và kỷ luật của đội ngũ lao động.

Văn hóa làm việc của Nhật Bản đòi hỏi người lao động nỗ lực tối đa và luôn chấp hành mệnh lệnh của sếp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, văn hóa này biến tướng thành tình trạng nhân viên chỉ muốn làm hài lòng sếp.

Tuy nhiên, văn hóa làm việc nổi tiếng khắt khe này đang có những thay đổi đáng kể. Ngày càng nhiều công ty tại Nhật yêu cầu nhân viên nỗ lực làm hài lòng khách hàng thay vì sếp lớn, tự đặt mục tiêu trong công việc thay vì chờ lệnh, cho phép nhân viên làm việc tại nhà, tránh làm thêm giờ và chủ động nghỉ phép đúng tiêu chuẩn.

Theo các chuyên gia nhân sự, sự thay đổi này chưa diễn ra trên diện rộng, nhưng là tín hiệu tích cực của thị trường lao động. Các cải cách do chính phủ Nhật áp dụng từ tháng 4/2019 có thể giúp thúc đẩy sự thay đổi.

Những cải cách về luật lao động đã giúp người lao động Nhật giảm thời gian làm thêm. Ảnh: Japan Times.

Các công ty Nhật giờ sẽ bị phạt nếu không giới hạn thời gian làm việc của nhân viên và không tạo điều kiện cho họ nghỉ phép. “Trước đây, các công ty đánh giá nhân viên dựa trên sự chăm chỉ. Giờ điều quan trọng là hiệu quả công việc”, Reuters dẫn lời chuyên gia Yoshie Komuro thuộc hãng Work-Life Balance Inc, tư vấn chính phủ Nhật về cải cách lao động, cho biết.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện những cải cách nhất định trong luật lao động, bao gồm giảm giờ làm, giảm độ chênh về mức lương giữa nhân viên chính thức và bán thời gian, tạo điều kiện cho phụ nữ có con nhỏ dễ dàng tìm việc hơn…

Đối với những công ty như Cybozu, những thay đổi đó đã giúp họ tăng doanh số hàng năm lên hai chữ số. Các nhân viên lớn tuổi kể công ty từng có tiếng làc vắt kiệt sức nhân viên. Có thời điểm, 28% nhân viên nghỉ việc trong một năm vì làm việc quá sức. Hiện giờ tỷ lệ nghỉ việc chỉ còn là 5%.

Công việc không vui khó có thể làm lâu dài

Ông Hiroaki Izumi, một giám đốc tại công ty bảo hiểm Sumitomo Life Insurance, kể ông từng chẳng bao giờ rời văn phòng trước 9 hoặc 10h tối. Còn hiện tại, ông hiếm khi ở lại văn phòng sau 6h tối. Ông sử dụng thời gian rảnh rỗi trong 3 năm qua để học và lấy bằng tiến sĩ luật. Nhìn chung, công ty Sumitomo đã giảm thời lượng làm quá giờ khoảng 5% kể từ năm 2016.

Ông Motohisa Kawamura, giám đốc bộ phận nhân sự của Sumitomo, cho biết công ty phải thực hiện cải cách để tránh khủng hoảng. “Chúng tôi cần đảm bảo rằng nhân viên có thời gian để học các kỹ năng mới và đổi mới bản thân”, ông nhấn mạnh.

Những năm trước đây, hình ảnh những “người làm công ăn lương” kiệt sức rời khỏi các cao ốc vào đêm khuya là niềm tự hào dân tộc của Nhật Bản, phản ánh tinh thần làm việc chăm chỉ đến mức dữ dội.

Hình ảnh nhân viên công sở Nhật ngủ gục trên đường phố vì mệt mỏi không còn là niềm tự hào. Ảnh: Business Insider.

Nhưng sau hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế yếu ớt cùng tình trạng tự sát vì làm việc quá sức gia tăng, những hình ảnh đó trở thành biểu tượng của một hệ thống lâu đời lỗi thời đang kìm hãm Nhật Bản.

Theo khảo sát của chính phủ Nhật Bản năm 2016, gần 25% công ty nước này ép nhân viên làm việc thêm 80 giờ mỗi tháng. Người lao động không hề được trả tiền làm thêm giờ. Đa phần người lao động Nhật Bản không nghỉ đủ 10 ngày phép/năm và có tới 63% cảm thấy có lỗi vì nghỉ phép.

Trong năm tài khóa 2017, Nhật Bản ghi nhận hơn 190 người thiệt mạng vì làm việc quá sức, bao gồm tự sát. Ngành tư pháp Nhật có hẳn một từ riêng để mô tả hiện tượng chết vì làm việc quá sức. Đó là từ “karoshi”.

Kaito Fukuda (20 tuổi) không muốn trở thành người kiệt sức vì công việc. Anh chia sẻ: “Tất nhiên tôi cũng muốn có nhiều tiền, nhưng tôi cũng muốn có thể tận hưởng những ngày nghỉ của mình. Công việc không vui thì sẽ không làm lâu dài”.

Tấn Đạt (Zingnews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.