"Hạnh phúc là ngụ ngôn, bất hạnh là chuyện đời", văn hào Nga Leo Tolstoy từng viết. Nhưng nghiên cứu quy mô lớn này chỉ ra rằng, có giai đoạn trong cuộc đời mà ai cũng phải chịu bất hạnh giống hệt nhau.
Cuộc đời ai cũng có những lúc thăng trầm. Tuy nhiên, xét về sự hài lòng nói chung, nhiều nghiên cứu mới cho thấy rằng cuộc đời của tất cả chúng ta đều đi theo một khuôn mẫu nhất định.
Gần đây, Phòng nghiên cứu kinh tế quốc gia (Mỹ) đã thực hiện một phân tích mới về sự hài lòng trong cuộc sống bao gồm 7 khảo sát trên quy mô lớn, có sự tham gia của 1,3 triệu người ngẫu nhiên đến từ 51 quốc gia khác nhau.
Kết quả cho thấy, đa phần mọi người đều có điểm hài lòng thấp nhất là ở một thời điểm nào đó đầu tuổi 50. Trong khi đó, khoảng thời gian họ cảm thấy khá hạnh phúc lại nằm giữa đầu những năm tuổi 20, và tuổi 60 - khi mà họ nghỉ hưu hoàn toàn. Nói chung, sự hài lòng trong cuộc sống dường như đi theo một đường parabol kiểu thế này:
Đường cong hạnh phúc hình chữ U
Tại sao ở tuổi 50, tất cả chúng ta gần như đều không hạnh phúc?
Có nhiều lý do. Theo các nhà nghiên cứu, bước sang độ tuổi trung niên, việc nhiều người đang ở đỉnh cao của sự nghiệp khiến họ liên tục căng thẳng. Một số khác không đạt được sự thành công này nên họ hối tiếc vì nghĩ rằng đáng lẽ họ cũng đã có một sự nghiệp rực rỡ như thế.
Thêm nữa, ở tuổi 40 và 50, con cái có thể bắt đầu trưởng thành và đây cũng là thời điểm mà các bậc cha mẹ lo lắng nhất. Chính vì sự không hạnh phúc này mà không ít người trải qua một hiện tượng rất phổ biến: "khủng hoảng giữa cuộc đời".
Vậy thì làm thế nào để giảm thiểu tác động của đường cong hạnh phúc tự nhiên trên? Dưới đây là một số bí quyết bạn có thể tham khảo:
Kiểm soát "khủng hoảng tuổi 20"
Cuối những năm tuổi 20 và tuổi 30, sự hài lòng trong cuộc sống của chúng ta giảm tệ hại. Tình trạng này được biết đến như là "khủng hoảng tuổi 20" hay "khủng hoảng đầu đời".
Để kiểm soát, bạn có thể áp dụng các phương pháp như rèn luyện trí thông minh cảm xúc (cố gắng nhận biết cảm xúc của mình, ghi ra giấy hoặc chia sẻ cho ai đó, viết nhật ký hàng ngày, xây dựng tư duy tích cực về cuộc sống, hạn chế xem hoặc đọc hoặc nghe các thông tin tiêu cực), dừng so sánh bản thân mình với người khác (hạn chế dùng Facebook, Twitter...), quản lý các kỳ vọng của bản thân và suy nghĩ thực tế về cuộc sống, tránh mơ mộng.
Đây chính là nền tảng để khi bước sang tuổi 50, bạn sẽ "bớt" cảm thấy cuộc đời mình khốn khổ.
Hiểu rõ những gì có thể mua được hạnh phúc
Tiền không mua được tình yêu (không phải là tình yêu về mặt cảm xúc). Tuy nhiên, nó có thể "mua" được một vài dạng hạnh phúc nào đó nếu bạn tiêu xài đúng cách. Mua trải nghiệm như những chuyến du lịch vui vẻ, gửi tiền vào các dịch vụ bảo mật tài chính hay dùng tiền giúp đỡ người khác là những hoạt động có thể cải thiện tâm trạng của bạn lâu dài.
Học cách hiểu hạnh phúc là gì bằng cách hiểu hạnh phúc không là gì
Không phải tất cả mọi kiểu hạnh phúc đều mang đến cho bạn sự hài lòng thực sự, đây là điều mà một vài chuyên gia chắc chắn. Chẳng hạn, hạnh phúc không phải lúc nào cũng là việc trải qua những cảm xúc tích cực, hài lòng hay không bao giờ buồn bã và suy nghĩ tiêu cực.
Đừng quá cố gắng để cảm thấy hạnh phúc
Nghiên cứu đề nghị bạn càng cố săn đuổi hạnh phúc thì càng ít có khả năng bạn tìm thấy nó. Bởi vì, lúc này, bạn đang tự đẩy mình vào thất bại và tuyệt vọng. Cũng giống như lúc bạn nhìn thấy một chiếc lông bay từ trên xuống vậy.
Nếu bạn càng cố với tay ra chộp lấy nó thì chiếc lông càng lượn đi xa hơn. Nhưng nếu chỉ tập trung quan sát rồi để chiếc lông từ từ rơi xuống tay bạn thì cuối cùng, có thể bạn sẽ bắt được nó.
Gặp gỡ bạn bè
Có những mối quan hệ gắn bó trong suốt cuộc đời là cực kỳ quan trọng. Bởi vì sự tách biệt sẽ làm giảm sức khỏe thể chất và cảm giác hạnh phúc.
Cuối cùng, có 3 điều bạn cần nhớ.
Thứ nhất, hạnh phúc hơn về cơ bản không đồng nghĩa với cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thứ hai, sự hài lòng nói chung còn quan trọng hơn việc bạn cảm thấy hạnh phúc như thế nào. Đôi khi, chúng ta cần những điều tồi tệ hay cảm xúc tiêu cực để nhận ra những điều giá trị.
Thứ ba, hạnh phúc lâu dài là cảm giác từ chính bên trong con người bạn bằng cách nuôi dưỡng thái độ biết ơn với tất cả những điều to nhỏ bạn có trong cuộc sống.
Phan Ngọc (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.