Ngày 22-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử "đại án bầu Kiên” và đồng phạm bước vào ngày làm việc thứ 3, tiếp tục với phần xét hỏi.
Bầu Kiên phủ nhận việc trốn thuế
Lúng túng xác định hành vi kinh doanh vàng trái phép
Trong buổi sáng, HĐXX tập trung thẩm vấn các nội dung liên quan đến việc kinh doanh vàng trái phép của Công ty Thiên Nam do bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT.
Trước câu hỏi: "Việc đầu tư cổ phần, cổ phiếu được xếp vào mã ngành nào”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc mã hoá ngành nghề đăng ký kinh doanh chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê chứ không mang ý nghĩa để xác định có phải đăng ký kinh doanh hay không. Việc xác định hoạt động kinh doanh giá vàng của ông Kiên thông qua Công ty Thiên Nam có phải đăng ký kinh doanh không thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cũng theo đại diện Bộ, cơ quan này không có chức năng xác định mã ngành kinh doanh. Mã ngành kinh tế không có nghĩa là mã ngành kinh doanh. Khi HĐXX hỏi "Cơ quan nào có chức năng xác định mã ngành kinh doanh? ” vị đại diện này đề nghị Toà xác định.
Tại tòa, ông Đào Xuân Vận- đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chỉ có 2 văn bản điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể là Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài và Nghị 174/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định kinh doanh vàng vật chất trong nước. Cũng theo lý giải của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Quyết định 03 chỉ đề cập tới đối tượng trực tiếp kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài mà không quy định uỷ thác. Do đó, không có căn cứ để xác định hoạt động ủy thác kinh doanh vàng.
Đại diện đương nhiệm của Ngân hàng ACB khi được HĐXX thẩm vấn cũng tỏ ra lúng túng và không trả lời được các vấn đề đặt ra. Trong khi, bầu Kiên cho rằng, những giải thích của các vị đại diện không đúng, như vấn đề ủy thác kinh doanh đã được quy định tại Luật Thương mại.
Bầu Kiên không trốn thuế?
Theo cáo trạng, dưới sự chỉ đạo của Kiên, bà Đặng Ngọc Lan - đại diện Công ty B&B đã thực hiện ký hợp đồng ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam theo văn bản của Công ty B&B. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng. Sau đó, bầu Kiên lợi dụng việc Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, chỉ đạo chuyển lợi nhuận để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B với số tiền 25 tỷ đồng.
Trả lời về việc này, bà Lan cho biết chỉ ký nhưng không nhớ ký những gì. Bà Lan khai, việc đầu tư tài chính với ACB, bà Lan ký hợp đồng nhưng không biết ai trực tiếp soạn thảo hợp đồng đó. Tất cả các việc điều hành đều do bầu Kiên làm. Còn bà Nguyễn Thúy Hương trình bày, bà rất tin tưởng vào khả năng kinh doanh của bầu Kiên. Khi được bầu Kiên đề xuất ký hợp đồng ủy thác tài chính, bà Hương chỉ việc ký thôi.
Trả lời về hành vi trốn thuế, bầu Kiên cho biết, Kiên đã kê khai thuế và nộp thuế cho Hương nhưng vì có Nghị quyết Quốc hội về miễn giảm thuế nên không nộp thuế nữa.
"Đua nhau” chối tội
Theo cáo trạng, các bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB đã lợi dụng việc ủy thác tiền gửi tại các ngân hàng khác nhằm lấy tiền hoa hồng và tiền thưởng và nhận được lãi suất tiền gửi trái quy định.
Về vấn đề này, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng, chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền được thực hiện vào khoảng tháng 3-2010. Chủ trương được thông qua sau cuộc họp HĐQT và Hội đồng sáng lập vào ngày 22-3-2010. Mặt khác, Hải cho biết, Hải không chỉ đạo Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng Ngân hàng ACB) ủy thác gửi tiền. Hải tái khẳng định, việc Hòa thực hiện việc ủy thác tiền gửi là thực hiện chủ trương của HĐQT không cần phải thông qua Lý Xuân Hải.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ cho rằng, chủ trương ủy thác tiền gửi vào thời điểm ký là không sai. Bị cáo Trịnh Kim Quang khai, người đề xuất tiền gửi là Lý Xuân Hải. Bị cáo Quang không biết việc gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank. Đối với một số lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo Quang cho rằng bị ép cung. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn khai, cuộc họp ngày 22-3-2010, Tuấn chưa phải thành viên của HĐQT nhưng họp với tư cách khách mời. Ở những cuộc họp này, nếu được hỏi, khách mời có thể có ý kiến. Đối với Nghị quyết của HĐQT, bị cáo Tuấn cho biết, đến khi khởi tố vụ án mới hình dung ra có "một Nghị quyết” như vậy.
Trong khi đó, bị cáo Phạm Trùng Cang khai, Lý Xuân Hải là người đưa ra sáng kiến gửi tiền vào các ngân hàng khác để tránh tình trạng thua lỗ vì cũng có tình trạng một số nhân viên ngân hàng khác sang gửi tiền vào Ngân hàng ACB... Còn bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tại cuộc họp thường trực HĐQT ngày 23-10-2010, Lý Xuân Hải đề xuất việc ủy thác tiền cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác. Tại cuộc họp không thành viên nào thảo luận.
Về việc Kiên có tác động trong việc ra Nghị quyết của HĐQT, Kiên quả quyết Kiên không có vai trò gì trong ngân hàng ACB để có thể tác động đến việc ra nghị quyết.

Ngày 23-5, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Đức Sơn (Đại Đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.